Hôm 2/1, sau buổi liên hoan đầu năm, Hà nhập viện khi tim đập nhanh, khó thở, bủn rủn tay chân. Bác sĩ cho rằng việc uống quá nhiều nước ngọt cùng rượu đã khiến tình trạng say nhanh hơn. Lý do trong nước ngọt có ga thường chứa nhiều CO2, khiến việc hấp thu cồn trong rượu bia nhanh hơn, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Hà được chỉ định dùng thuốc kết hợp truyền, bổ sung dinh dưỡng để hồi phục.
Tiến, 37 tuổi, cũng là một trong nhiều nạn nhân tương tự. Do tính chất công việc thường xuyên phải nhậu tiếp khách, anh tự tìm hiểu trên mạng và áp dụng cách dùng nước tăng lực chứa caffeine uống cùng rượu bia để tỉnh táo hơn. Một lần, do không đánh giá được mức độ say của bản thân, anh uống liên tiếp rượu cùng nước tăng lực, kết quả phải nhập viện cấp cứu với chẩn đoán ngộ độc rượu.
Lần khác, anh sử dụng viên uống giải rượu và cảm thấy hiệu quả tức thì. Từ đó, Tiến tự coi đây là cách hữu hiệu và luôn mang theo trong người mỗi cuộc vui. Khi nào quên thuốc, anh vào nhà vệ sinh móc họng với mục đích nôn hết chất cồn ra khỏi cơ thể, sau đó uống tiếp. Tự tin vì bản thân đã có "bảo bối" giải rượu, Tiến tham gia mọi cuộc vui, thậm chí còn chia sẻ bí quyết cho đồng nghiệp, bạn bè. Lần khám sức khỏe gần đây, người đàn ông nhận chẩn đoán men gan tăng gấp 5 lần, viêm loét dạ dày tá tràng, thực quản.
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho biết nhiều người sử dụng thuốc giải rượu như một biện pháp hiệu quả sau khi uống nhiều. Tuy nhiên, các chất có trong thuốc giải rượu không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu làm tổn hại, cũng không giúp triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để giảm hoàn toàn chứng say xỉn.
Lạm dụng các loại thuốc giải rượu còn dẫn tới tăng men gan, giảm các chất có chức năng bảo vệ gan, gây tác dụng phụ như viêm dạ dày. Các chuyên gia đều khẳng định không có bất cứ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có thể giúp giảm say.
Mặt khác, việc pha rượu với nước tăng lực chứa hàm lượng caffeine cao còn nguy hại hơn rất nhiều, bởi khi có thêm chất này, người uống trở nên tỉnh táo và thường không đánh giá được mức say của mình, điều này khiến nguy cơ ngộ độc rượu tăng cao.
Nhiều người móc họng sau khi uống để tống cồn ra khỏi cơ thể, giúp tỉnh táo, cũng rất nguy hiểm. Khi móc họng, nếu ngón tay nhọn hoặc móng tay dài kết hợp với lực ấn xuống quá mạnh sẽ làm bộ phận này bị tổn thương, thậm chí gây đau đớn. Hành động gây nôn khi đang say vô hình chung làm tổn thương tới thực quản, dẫn đến các trường hợp viêm thực quản, loét thực quản hay chảy máu thực quản. Móc họng cũng làm rối loại hệ tiêu hóa, gây ảnh hưởng và tổn thương hệ tiêu hóa của người say.
Bên cạnh đó, nhiều người áp dụng cách tắm, xông hơi hoặc chơi thể thao để cơ thể bài tiết qua đường mồ hôi, từ đó giảm say, giảm nồng độ cồn, điều này hoàn toàn sai lầm. Uống nhiều rượu sẽ làm giãn mạch, gặp hơi nóng đột ngột khi xông hơi sẽ khiến mạch máu giãn to hơn, tăng nhịp tim, choáng váng, khó thở, nguy cơ dẫn đến đột quỵ và tử vong.
Với việc tắm gội, tuyệt đối không nên tắm ngay khi kết thúc bữa rượu, kể cả tắm bằng nước nóng. Hành động này có thể khiến hạ đường huyết và rất dễ bị ngất hoặc khiến cơ thể hạ thân nhiệt, dễ trúng gió.
Bác sĩ Mạnh khuyên để hạn chế tình trạng say rượu, tốt nhất không hoặc uống ít rượu. Một số loại thuốc tráng dạ dày (không phải thuốc giải rượu) có thể giúp hạn chế việc say xỉn. Cơ chế của những loại thuốc này giống như một lớp màng bảo vệ dạ dày, ngăn chặn sự tấn công trực tiếp của acid và thành dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ rượu vào trong máu.
Một cách khác giảm say sau khi uống rượu là bù điện giải bằng uống oresol pha theo chỉ dẫn. Bổ sung nhiều nước sau uống rượu bia cũng là cách tăng bài tiết, giảm cảm giác say. Khi cơ thể bổ sung nhiều nước, đi tiểu nhiều thì nồng độ cồn sẽ giảm nhanh hơn, từ đó giảm say. Tuy nhiên, việc uống nước cần đúng cách, bổ sung từ từ và quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể.
Tương tự, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược T P HCM cơ sở 3, cho biết một số thực phẩm tự nhiên giúp giải rượu, giảm say xỉn như sử dụng trái cây, tốt nhất là trái cây họ cam, quýt bằng cách ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước.
Vỏ quýt phơi khô trong đông y còn gọi vị thuốc trần bì, dùng 30 g vỏ quýt sao thơm tán vụn, mơ chua hai quả bỏ hạt thái vụn, đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút, lọc bỏ bã lấy nước cho uống, có thể thêm gừng tác dụng nhanh hơn.
Giải rượu với rau má bằng cách dùng 100 g rau má tươi, hai quả chanh, 1 g muối ăn. Rau má tươi rửa sạch, giã nhỏ, ép lấy nước cốt, vắt thêm nước chanh trộn đều thêm muối, mỗi lần uống 150-300 ml.
Có thể dùng một quả chanh tươi, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả. Lưu ý khi uống rượu, bạn nên ăn đầy đủ, không để bụng rỗng, uống từ từ giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, gan kịp oxy hóa, ăn nhiều rau xanh.
Thúy Quỳnh