Việc thấm nhuần nền tảng tài chính, nắm được giá trị của đồng tiền từ khi còn nhỏ sẽ dạy trẻ trở thành những cá nhân hiểu biết và đưa ra những lựa chọn thông minh về tiền bạc.
Giải thích về cách hoạt động của tiền
Khi không được hiểu về đồng tiền, trẻ nghĩ rằng sữa luôn sẵn có trong các chai nhựa, trái cây có thể được lấy từ các cửa hàng hoa quả và tiền được lấy từ máy ATM hoặc quẹt thẻ tín dụng mà không giới hạn. Do đó, nên giới thiệu cho con về tiền giấy để chúng hiểu cơ chế hoạt động của tiền bạc và chi tiêu. Dạy con bạn hiểu rằng máy ATM và thẻ tín dụng không phải là kho chứa tiền sẵn có mà chỉ được kết nối với tài khoản ngân hàng của bạn và bạn chỉ có thể rút ở mức độ bạn có.
Kỹ năng tính toán cơ bản
Dù hiểu khái niệm về tiền và các mệnh giá khác nhau, trẻ vẫn không thể thực hành nếu không có các kỹ năng cộng và trừ cơ bản. Do đó, bạn có thể phát cho con tiền lẻ, dạy chúng cách mua đồ, lấy tiền trả lại khi đi siêu thị. Dần dần, đó sẽ là một kỹ năng tốt cho trẻ khi sử dụng đồng tiền.
Cha mẹ cũng có thể cho con một khoản tiền nhỏ, tùy độ tuổi, để trẻ từng bước học cách chi tiêu, tiết kiệm nếu muốn mua một món đồ gì đó.
Thấm nhuần giá trị của việc kiếm được tiền
Hầu hết các bậc cha mẹ đều ủng hộ việc cho trẻ một chút tiền tiêu vặt nhưng không nhiều phụ huynh dạy trẻ thấm nhuần giá trị của việc kiếm được số tiền đó.
Khi trẻ kiếm được tiền thay vì được đưa cho, điều đó sẽ có ý nghĩa hơn vì chúng sẽ nỗ lực kiếm tiền và chúng sẽ không coi việc có tiền là điều hiển nhiên. Kiếm tiền từ những công việc đơn giản như lau nhà hay rửa bát, sau đó tiết kiệm số tiền đó để mua thứ gì đó cũng là một bài học hay về việc trì hoãn sự hài lòng và thường tránh cho trẻ lớn lên coi trọng vật chất quá mức.
Không đáp ứng mọi nhu cầu của con
Tùy theo độ tuổi của con, cha mẹ có thể giới thiệu cho trẻ những khoản chi tiêu tài chính mà gia đình thường phải chi trả như học phí, điện nước, hóa đơn y tế, tạp hóa, bảo hiểm. Điều này sẽ giúp con phát triển góc nhìn rộng hơn về lý do tại sao tiền cần phải được chi tiêu một cách khôn ngoan.
Vì việc kiếm tiền không dễ dàng nên đôi khi cha mẹ không thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của trẻ. Do đó, trong một vài tình huống, bạn có thể nói "Không" để từ chối đòi hỏi của con. Có một vài trải nghiệm đáng thất vọng khi còn nhỏ và rèn luyện tính kiên nhẫn sẽ giúp ích nhiều cho trẻ khi lớn lên, thay vì không hiểu tầm quan trọng của việc trì hoãn việc hài lòng và lập ngân sách.
Chỉ cho con các kỹ năng cơ bản với đồng tiền
Nên khuyến khích trẻ thực hiện quy tắc "tiêu một nửa, tiết kiệm một ít, chia sẻ một ít". Cùng nhau quyết định tỷ lệ nên như thế nào tùy thuộc vào độ tuổi của con. Trẻ hiểu rõ nhất khi có được bài học trực quan, vì vậy cha mẹ có thể bắt đầu đơn giản bằng cách dùng ba chiếc lọ hoặc ba con heo đất, trong đó một chiếc để tiết kiệm, một chiếc để chi tiêu, một chiếc để cho đi. Lọ tiết kiệm sẽ tăng chậm, nhưng lọ chi tiêu và cho đi sẽ có nhiều biến động hơn. Thông qua đó, trẻ hiểu tầm quan trọng của việc tiết kiệm cho những ngày khó khăn hoặc những tình huống không lường trước được.
Cũng nên nhớ rằng việc tiết kiệm để đạt được một mục tiêu nhất định là điều quan trọng để tạo động lực, vì vậy cha mẹ cần theo dõi số tiền trẻ tiết kiệm và khuyến khích lập kế hoạch trước cho những khoản mua sắm đặc biệt. Nếu con bạn đã đủ lớn, có thể cân nhắc việc mở một tài khoản tiết kiệm đứng tên chúng.
Chi tiêu sáng suốt
Một cách để dạy trẻ chi tiêu sáng suốt là đưa trẻ đến hàng tạp hóa. Đây là cách tuyệt vời để chứng minh sức mạnh của sự lựa chọn và không bị tác động bởi hình ảnh hấp dẫn trên bao bì.
Nếu bạn có thể dạy con lựa chọn một cách khôn ngoan sản phẩm này chứ không phải sản phẩm kia và đưa ra những quyết định dựa trên giá trị để khiến đồng tiền bỏ ra tiết kiệm hơn, trẻ sẽ có khả năng ưu tiên và chi tiêu cho những thứ quan trọng hơn thay vì tiêu xài hoang phí. Khi trưởng thành, chúng cũng sẽ hạnh phúc hơn và độc lập hơn về mặt tài chính.
Không "bảo lãnh" cho trẻ
Cũng giống như người lớn, trẻ em càng sớm nhận ra những quyết định của mình sẽ gây ra hậu quả thì sau này chúng sẽ càng có cuộc sống tốt hơn.
Cha mẹ cần dạy trẻ hiểu một khi chúng mua thứ gì đó thì có thể không được hoàn tiền hoặc đổi hàng và chúng phải chấp nhận thứ mình đã mua nếu không có đủ tiền tiết kiệm để mua thứ khác.
Là cha mẹ, bạn sẽ khó xử, thương con, nhất là khi thấy chúng buồn nhưng đừng vì thế mà bảo lãnh chúng thoát khỏi tình huống này và đưa tiền cho trẻ khắc phục tình hình. Một khi trẻ đã học được bài học đó thì việc lựa chọn sáng suốt vào lần sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thùy Linh (Theo Wonderwall)