Thiết lập các quy tắc rõ ràng
Bố mẹ sẽ ít phải quát mắng nếu như đã thiết lập quy tắc gia đình rõ ràng về đạo đức, cách ứng xử... cho con. Hãy in một văn bản quy tắc và dán lên những nơi nổi bật trong nhà như tủ lạnh, bàn ăn. Mỗi khi con mắc lỗi, bố mẹ không cần cằn nhằn, nói nhiều mà cứ theo quy tắc đã đề ra để xử phạt.
Đừng quát mắng, hay chì chiết con vì những điều đó chỉ khiến chúng ức chế và không sửa đổi hành vi xấu. Và nhiều trường hợp, bố mẹ càng quát mắng, con lại càng bất chấp.
Cảnh báo trước hậu quả của việc phạm lỗi
Bố mẹ hãy cảnh báo trước những hậu quả cũng như hình phạt con sẽ phải nhận nếu mắc lỗi. Các hình phạt như lấy đi đặc quyền (không được xem tivi, không được đọc truyện tranh...) hay ngồi im suy nghĩ lại hành động của bản thân sẽ khiến con bạn học hỏi được nhiều điều.
Chẳng hạn con lười biếng không chịu làm bài tập, bố mẹ chẳng cần quát mắng, la hét hay thậm chí roi vọt. Thay vào đó, hãy cảnh cáo: "Nếu con không làm bài thì tối nay không được xem tivi nữa". Sau đó, con bạn sẽ xem xét và chọn làm bài tập vì không muốn mất đặc quyền xem tivi.
Tất nhiên, bố mẹ hãy xem xét chọn lựa hậu quả thích hợp nhất. Ví dụ con thích ăn kem thì cảnh báo chúng sẽ không được ăn kem nữa nếu không làm bài. Hãy chọn đặc quyền bị lấy dựa trên sở thích của con để chúng biết sợ mà sửa đổi.
Khen thưởng nếu con làm tốt
Bên cạnh các hình phạt, bố mẹ cũng cần đưa ra lời khen, phần quà nếu con cư xử tốt và tuân thủ quy tắc. "Bố mẹ rất vui vì con đã làm việc nhà và đánh giá cao điều này", một lời khen sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ, tự hào về bản thân và có thêm động lực cư xử đúng đắn.
Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để động viên trẻ nỗ lực cư xử tốt và có thể tạo ra hệ thống khen thưởng con. Chẳng hạn mỗi lần con làm tốt việc gì đó thì sẽ được một sao thưởng, khi đủ năm sao thì sẽ được tặng một món quà.
Quát mắng chưa chắc đã khiến con sửa đổi hành vi nhưng khen thưởng thì luôn giúp ích nhanh chóng.
Xem xét lại những lý do quát mắng con
Nếu bố mẹ hay quát mắng con, hãy xem xét vì sao mình làm thế. Nhiều khi con chỉ phạm lỗi nhỏ nhưng bố mẹ cũng quát mắng chỉ bởi bản thân đang gặp stress và muốn giải tỏa cảm xúc. Trường hợp này, bố mẹ cần học cách kiềm chế cơn nóng giận và chờ đến khi bình tĩnh mới đưa ra biện pháp kỷ luật con. Một số biện pháp có thể giúp ích như hít thở sâu 3-5 lần, nghỉ ngơi, nghe nhạc, tập thể dục...
Nếu bố mẹ quát mắng vì con phớt lờ lời nói của mình, hãy thử các biện pháp khác để thu hút sự chú ý của con, như: loại bỏ những vật phiền nhiễu khiến con mất tập trung, yêu cầu con lặp lại lời của bố mẹ hay đưa ra các cảnh báo...
Thanh Hương (Theo VerywellFamily)