Nhạc sĩ gốc Nghệ An vừa qua đời ở tuổi 72, sau hơn một năm chống chọi với chứng tai biến mạch máu não. Hơn nửa thế kỷ sáng tác, ông ghi dấu qua những ca khúc đậm chất dân ca với hình ảnh con sông, bến đò... Ông được khán giả ví von là "người bước ra từ ca dao", "nhạc sĩ của đồng quê, làng cảnh Việt Nam".
"Làng quan họ quê tôi"
Sáng tác mang âm hưởng dân ca quan họ được nhạc sĩ phổ từ bài thơ của thi sĩ Nguyễn Phan Hách, ra mắt năm 1978. Nhạc phẩm ca ngợi khung cảnh "tháng giêng mùa hát hội" ở làng quê Bắc Ninh, với "những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làm bao xanh".
UBND tỉnh Hà Bắc (cũ) từng trao giải thưởng đặc biệt cho ca khúc năm 1981. Nhạc phẩm được hãng JVC Nhật Bản chọn in đĩa karaoke 100 bài hát Việt Nam, được dàn nhạc giao hưởng Leipzig (Đức) trình tấu trong Tuần văn hóa Việt Nam tại Đức. Do độ nổi tiếng của ca khúc, nhiều người từng lầm tưởng quê hương của nhạc sĩ ở Bắc Ninh. Nhạc phẩm đi sâu vào lòng nhiều thế hệ qua giọng hát của NSND Thu Hiền, Thanh Hoa, Anh Thơ... Đến nay, bài hát vẫn được vang lên ở các cuộc thi tuyển chọn giọng ca trẻ như Giọng hát Việt nhí, Học viện ngôi sao...
"Khúc hát sông quê"
Một lần, khi tham gia trại sáng tác ở Vũng Tàu, ông đọc được bài thơ của đồng nghiệp - nhà thơ Lê Huy Mậu - và ngẫu hứng phổ nhạc thành tác phẩm Khúc hát sông quê. Ca khúc nói lên nỗi lòng của những người con xa nhà nay trở về thăm lại quê hương, với những ca từ như: "Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn...".
Nhạc phẩm sau đó trở thành một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của ông, qua giọng ca NSND Thu Hiền, Anh Thơ, Phạm Phương Thảo... Nguyễn Trọng Tạo tâm đắc nhất với tiếng hát của NSƯT Minh Phương. Ông từng kể có một người bạn của ông sống mấy chục năm ở Mỹ, khi nghe Minh Phương ngân nga "Qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê..." liền quyết định rời đất khách trở về Việt Nam. Năm 2015, ca sĩ Trọng Tấn quay MV nhạc phẩm này, dùng kỹ thuật đồ họa 3D với hình ảnh cánh đồng thẳng cánh cò bay, dòng sông trải dài, bầy trẻ thơ nô đùa...
"Đôi mắt đò ngang"
Nhạc phẩm là khúc tự tình của một chàng trai dành cho người con gái anh gặp giữa bến đò. Giai điệu ca khúc lúc nhẹ nhàng, khi dồn dập, như tâm trạng chàng trai dõi theo bóng dáng người thương: "Về đâu hỡi người/ Về đâu trên bến dưới thuyền/ Sa Nam chưa vãn chợ, biết tìm là tìm người đâu...". Chuyện tình trong bài hát nảy sinh từ dòng sông Lam - con sông quê hương của tác giả. Nhạc phẩm từng đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (1997 - 2002) và giải thưởng Văn học Nghệ thuật 1997 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật.
"Bản tình ca bên một dòng sông"
Nhạc phẩm có giai điệu êm đềm, ca từ gợi hình, là lời tâm sự của cô gái muốn đưa người thương về thăm quê, để "thương thêm mùa ngói mới", "yêu thêm hạt lúa vàng". Cố nhạc sĩ từng kể NSND Thanh Hoa đặt ông viết độc quyền vào đầu thập niên 1980. Một số ca sĩ sau đó đã bí mật ghi âm ca khúc này và trình diễn, khiến bài hát trở nên phổ biến. Nhiều ca sĩ còn lầm tưởng đây là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Tạo, cho đến khi được Nguyễn Trọng Tạo giải thích.
Nhạc sĩ không có cơ hội lưu giữ bản thu của Thanh Hoa và một số ca sĩ thời đó. Năm 1983, Dihavina - thương hiệu băng đĩa một thời - mời nghệ sĩ Thu Hiền ghi âm ca khúc trong đĩa than sản xuất tại Liên Xô (cũ). Nhạc phẩm đến nay được biết đến nhiều nhất qua giọng ca của bà.
>>> Xem thêm: Hai bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc của Nguyễn Trọng Tạo
Mai Nhật