Năm 2019, trong lúc Feng Qing, 25 tuổi, đang du lịch nước ngoài, bà ngoại cô qua đời. Niềm hối hận lớn nhất của cô là đã lỡ mất cơ hội cuối cùng gặp mặt người phụ nữ đã nuôi mình khôn lớn.
Đau buồn, nhưng Feng không có chỗ để giãi bày. Bố mẹ cô từ chối nói chuyện bởi giống nhiều gia đình Trung Quốc khác, họ coi cái chết là một chủ đề cấm kỵ. "Ở nhà, tôi còn không được phép nói những câu như 'mệt chết' hoặc 'vui chết'", Feng nói.
Một vài tuần sau, một người bạn báo với Feng về một sự kiện ở Thượng Hải. Khoảng 20 người sẽ tụ tập để cùng uống cafe, ăn bánh và chia sẻ suy nghĩ, trải nghiệm về cái chết. Feng đồng ý.
"Tôi không phải người duy nhất òa khóc sau khi bày tỏ cảm xúc về cái chết của bà", Feng nhớ lại. Ngoài việc lắng nghe, người chủ trì và các thành viên khác trong nhóm đưa cho cô gái trẻ những lời khuyên. Một người gợi ý Feng viết ra giấy những kỷ niệm về bà rồi cất vào lọ. Đến nay, cô vẫn làm như thế.
Những buổi gặp gỡ này được gọi là "cà phê chết" (Death Cafe) - nơi người tham dự được giãi bày suy nghĩ của mình về cái chết, giải tỏa gánh nặng tâm lý sau khi mất mát người thân hay thậm chí là những lời khuyên "cần chuẩn bị gì trước khi việc này xảy ra".
Quán "cà phê chết" đầu tiên do Jon Underwood, một người Anh, khởi xướng từ năm 2011 và đã xuất hiện ở 76 quốc gia.
Ở Trung Quốc, mô hình này được phổ biến nhờ Hand in Hand, một tổ chức phi lợi nhuận trợ giúp bệnh nhân ung thư. Sự kiện đầu tiên diễn ra cách đây bảy năm ở Thượng Hải. Nhận thấy đây là cách thức giáo dục về cái chết hiệu quả mà ít tốn kém, từ năm 2019, Hand in Hand mở các lớp đào tạo người chủ trì để đưa chuỗi sự kiện đến mọi tỉnh thành. Tính trên phạm vi toàn Trung Quốc, sự kiện này đã được tổ chức 500 lần ở 39 thành phố với khoảng 8.000 người tham dự.
Năm ngoái, Gao Jing, một nghệ sĩ tự do, trò chuyện với một người quen về "cà phê chết". Kết thúc đợt giãn cách xã hội, cô nảy ra ý định tổ chức sự kiện ở Thâm Quyến. Ban đầu, Gao mời người khác tới chủ trì. Sau đó, cô đăng ký đào tạo và từ tháng 9/2020 bắt đầu tự mình tổ chức, ít nhất mỗi tháng một lần. Buổi nào cũng "cháy" vé.
Đã hai lần, người cho thuê địa điểm đề nghị Gao đổi tên sự kiện bởi cho rằng cái chết là chủ đề quá nặng nề. Tuy nhiên, càng nghe, Gao càng thấy sự quan trọng của các buổi "cà phê chết". "Chúng tôi cho từ cái chết vào để mọi người nhận ra đó không phải một chủ đề cấm kỵ. Việc tham dự "cà phê chết" cũng bình thường như việc tham dự một buổi tiệc đầu tư", Gao nói.
Không theo nguyên tắc miễn phí hoặc đóng góp tùy tâm như các nước khác, những buổi "cà phê chết" ở Trung Quốc bán vé bởi tâm lý ngại ngùng của người tham gia, ban tổ chức phải tìm những địa điểm riêng tư, dẫn đến chi phí đắt đỏ. Thông thường, vé là 44 tệ (hơn 150.000 đồng). Con số 44 cũng phát âm gần giống câu "chết là chết", phản ánh thẳng thắn nội dung buổi cà phê.
Wu Jing, một tình nguyện viên của Hand in Hand ở Thượng Hải, tổ chức "cà phê chết" từ năm ngoái, đến nay đã được hàng chục buổi. Dù Thượng Hải không bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, đại dịch vẫn là chủ đề lặp đi lặp lại. Cô vẫn nhớ câu chuyện của một thành viên có bố bị ung thư, vì dịch bệnh, ông không được hóa trị kịp thời và qua đời.
Hu Zhihui, giảng viên Đại học Phúc Đán cho biết ngày càng nhiều người quan tâm tìm hiểu về cái chết, một phần do dịch vụ chăm sóc cuối đời đã trở nên phổ biến. Theo Hu, những buổi cà phê này là công cụ tốt để cung cấp cho cộng đồng kiến thức về cái chết nhưng nó vẫn chưa tiếp cận được với đối tượng cần nhất, là những người vẫn trốn tránh chủ đề này.
"Cà phê chết" dường như chỉ thành công ở các thành phố lớn. Huang Weiping, đồng sáng lập Hand in Hand cho biết, các sự kiện tổ chức ở vùng thôn quê rất ít người tới dự. Đối tượng tham gia thường là người trẻ hoặc phụ nữ. Thực tế, trong khi các thế hệ trước vẫn e ngại nói về cái chết, lớp trẻ lại cởi mở hơn. Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc cho biết đã nhận gần 70.000 di chúc điện tử trong năm 2020, hai phần ba số này đến từ người dưới 30 tuổi.
Bên ngoài Trung Quốc, đại dịch Covid-19 cũng tác động sâu sắc đến các buổi "cà phê chết". Theo Kris D’Aout, giảng viên cao cấp tại Đại học Liverpool (Anh), tin tức về cái chết xuất hiện trên báo mỗi ngày khiến con người dễ dàng nói về nó hơn. Bên cạnh đó, chuỗi ngày giãn cách xã hội cho con người thời gian suy ngẫm và nhìn lại bản thân.
D'Aout từng tổ chức các buổi "cà phê chết" ở quán bar nhưng giờ chuyển sang gặp gỡ online. Mỗi người tham gia vì một mục đích khác nhau. Họ có thể đã trải qua mất mát, làm việc trong lĩnh vực liên quan đến cái chết hoặc đang nuôi người thân mắc bệnh nan y.
"Nếu chúng ta biến cái chết thành một chủ đề bình thường thì khi mất đi người thân, cảm giác đau thương sẽ nhẹ bớt đi", D'Aout nói, tiết lộ thêm trước khi bố ông mất, họ đã cùng nhau thảo luận về loại nhạc sẽ phát ở lễ tang. "Chúng tôi đã làm tất cả những gì ông ấy muốn nên cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều", giảng viên chia sẻ.
Gần hai năm sau khi tham dự "cà phê chết", Feng, người mất bà, đã giới thiệu sự kiện này với vài người bạn thân của mình. "Chúng ta thường không nghĩ về cái chết đến khi những người thân yêu ra đi nhưng lúc đó đã quá muộn rồi", Feng trải lòng. "Tôi nhận ra mình cần nghĩ về cái chết và hiểu được cái chết khi người thân yêu vẫn còn sống khỏe mạnh".
Thu Nguyệt (Theo Sixth Tone)