Cuộc đua số "chấm"
Năm 2009 là giai đoạn smartphone bắt đầu bão hòa và các nhà sản xuất cố gắng vượt qua giới hạn công nghệ, thiết kế khi đó để tạo ra những phiên bản smartphone cao cấp.
Camera là một trong những yếu tố được các hãng chú trọng nghiên cứu và phát triển, với tham vọng biến di động trở thành chiếc compact camera thực thụ. Thời điểm này, các nhà sản xuất smartphone thu hút người dùng đến với mình bằng số "chấm" megapixel của camera. Những chiếc smartphone cứ thế tiến dần từ 2 megapixel lên 5 hay 8 megapixel...
Trong đó, Sony Ericsson, Samsung, Nokia là những đại diện đi theo xu hướng nâng số điểm ảnh, tăng chi tiết ảnh chụp. Đơn cử, chiếc Nokia Pureview 808 đạt 41 megapixel nổi bật trên thị trường khi đó, với khả năng zoom ảnh siêu cận.
Một trong những di động cao cấp được quan tâm khi đó còn có Galaxy S ra đời năm 2010. Bên cạnh việc chạy đua số chấm, Samsung chú trọng phát triển phần mềm, tối ưu phần cứng để máy hỗ trợ nhiều chế độ chụp hình từ Panorama, Stop Motion, hiệu ứng ảnh hoạt hình Cartoon Shot - những tính năng mà máy ảnh compact chưa thực hiện được. Smartphone còn có ưu thế hơn so với những chiếc máy ảnh màn hình cảm ứng, hỗ trợ cho các thao tác như lấy nét đúng điểm.
Gia tăng tính năng cảm biến
Khi các nhà sản xuất đã tung ra những smartphone gần như đạt đỉnh chuẩn mực lúc đó với những con số 16 megapixel, 20 megapixel, cuộc đua này bắt đầu hạ nhiệt.
Thay vào đó, các hãng smartphone tập trung vào công nghệ trên cảm biến ảnh. Lúc này, người dùng đa số mong muốn sở hữu cho mình những chiếc camera có tốc độ chụp nhanh, lấy nét laser và khả năng chụp trong điều kiện thiếu sáng.
Một trong những công nghệ khá nổi thời điểm đó là Dual Pixel trên Samsung Galaxy S7 mang lại khả năng lấy nét tự động hai điểm, giúp camera phone lấy nét nhanh như chớp mắt của con người. Bên cạnh đó, khả năng chụp ảnh ở chế độ chuyên nghiệp còn giúp Samsung Galaxy S7 được đánh giá một trong những thiết bị di động chụp ảnh tốt nhất vào thời điểm ra mắt.
Khi nền tảng điểm ảnh và cảm biến đã đủ đáp ứng, việc gia tăng các tính năng trên camera phone để hướng tới giới hạn DSLR chính là mục tiêu mà các nhà sản xuất smartphone hướng tới.
Một trong những tính năng được chú ý là xóa phông chủ động thông qua tiêu cự lớn và cảm biến kép. Tính năng này cho phép người dùng chủ động làm mờ bối cảnh, nổi bật chủ thể mà không cần đến phần mềm hỗ trợ.
AI và đa camera
Năm 2017, nhiều điện thoại sở hữu từ 2-3 camera ra đời. Theo chuyên trang về máy ảnh kỹ thuật số và nhiếp ảnh DPreview, 42% smartphone bán ra từ cuối năm 2017 đều có hơn 2 camera.
Tới năm 2018, Galaxy S9 và S9+ trở thành một trong những chiếc camera chụp ảnh tốt nhất trên thị trường nhờ ống kính chuyển đổi giữa khẩu độ f/1.5 khi chụp thiếu sáng sang f/2.4 khi chụp ở điều kiện đủ sáng. Bên cạnh đó sản phẩm còn hỗ trợ quay phim chuyển động chậm 960fps.
Smartphone đa camera hiện nay sở hữu nhiều tính năng mới như hiệu ứng bokeh, zoom quang học, camera góc rộng, góc chụp như mắt... Trí tuệ nhân tạo AI cũng được tận dụng để học tập người dùng và tinh chỉnh ảnh đẹp hơn một cách chủ động.
Các chuyên gia công nghệ dự đoán 2019 là năm diễn ra cuộc chạy đua về AI và số lượng cảm biến của các hãng.
Theo thông tin rò rỉ mới đây nhiều khả năng Samsung sẽ trang bị từ 4-5 camera trên thế hệ Galaxy S10 ra mắt 20/2 sắp tới. Trong đó, ba camera sau sẽ đóng từng vai trò riêng biệt như xoá phông, góc rộng và tiêu cự chuẩn nhưng được thêm vào các tính năng HDR+ hoàn thiện hơn, lấy nét nhanh và tốc độ chụp cũng cải tiến. Hãng cũng tăng tốc trong phát triển phần mềm để máy tận dụng sức mạnh từ phần cứng, đảm bảo những bức ảnh chụp đêm sáng rõ, giảm nhiễu và tăng chi tiết.
Bảo An