Tên sách: Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký
Tác giả: Phạm Quỳnh
Nhà xuất bản Tri thức
Phạm Quỳnh (1892-1945) là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt để viết lý luận, nghiên cứu. Phạm Quỳnh sinh tại Hà Nội, mồ côi cha mẹ từ nhỏ nhưng sớm bộc lộ tố chất. Ông tốt nghiệp bằng Thành chung trường Bưởi, 16 tuổi đã làm việc tại Viện Viễn Đông Bác Cổ. Ông viết báo, làm chủ bút tạp chí Nam Phong, làm giảng viên trường Cao đẳng Hà Nội, sáng lập hội Khai trí Tiến Đức… Ông cũng được mời tham gia chính quyền triều Nguyễn, làm tới chức quan Thượng thư Bộ học và Thượng thư Bộ lại. Ông là tác giả, dịch giả của nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát, tùy bút, cùng nhiều công trình khảo cứu đồ sộ.
Tuy nhiên sách của Phạm Quỳnh gần đây mới được xuất bản nhiều và Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký do NXB Tri Thức ấn hành gần đây là một nỗ lực đưa những tác phẩm tinh hoa của vị học giả xuất sắc Việt Nam đầu thế kỷ 20 tới độc giả ngày nay.
Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký là công trình sưu tầm và biên soạn của Nguyễn Hữu Sơn. Cuốn sách dày hơn 500 trang này tuyển chọn những bài viết thuộc thể loại du ký đăng trên tạp chí Nam Phong trong suốt 17 năm tồn tại (1917- 1934). Sách gồm 7 tác phẩm được in theo trình tự đăng trên Nam Phong, là những bài viết hay về những nơi mà Phạm Quỳnh đi qua: Mười ngày ở Huế, Một tháng ở Nam Kỳ, Trảy chùa Hương, Pháp du hành trình nhật ký, Thuật chuyện du lịch ở Paris, Chơi Lạng Sơn, Cao Bằng, Du lịch xứ Lào.
Chỉ cần đọc tên các tác phẩm, đã thấy các chuyến đi của Phạm Quỳnh đa dạng về nhật trình (lúc 10 ngày, khi một tháng...), phong phú về mục đích hành trình (khi đi du lịch, lúc đi vì công vụ). Trong từng tác phẩm, độc giả thấy được sự đan xen, hòa quyện của một ngòi bút đa phong cách - khi mang màu sắc của một nhà báo, một ông chủ báo; lúc mang văn phong của một nhà văn; khi viết trong tâm thế một nhà chính trị, một học giả.
Trong Mười ngày ở Huế, người đọc không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp phong cảnh Huế mà còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm du lịch đất Huế thuở đó: “…Muốn đi xem lăng phải đi vào ngày gió thu hiu hắt, giời đông u ám thì mới cảm nhận được hết cái thú thâm trầm…”. Một tháng ở Nam Kỳ lại là những trang viết sống động về Sài Gòn - Gia Định, khi tác giả 25 tuổi và có chuyến công cán nơi đây. Ông so sánh phố phường Sài Gòn với Hà Nội: “Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều tiến bộ hơn Hà Thành ta cả. Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối Tây…”. Trong Pháp du hành trình nhật ký và Du lịch xứ Lào, người đọc không chỉ được theo chân học giả tới những quốc gia khác mà còn được biết thêm những tư liệu mang giá trị lịch sử, để từ đó hiểu hơn nhiều sự kiện văn hóa - xã hội, hoạt động của giai tầng công chức thượng lưu thời thực dân phong kiến... Trong khi đó Trảy chùa Hương thể hiện niềm vui khi khám phá một danh lam thắng cảnh, với những trang viết đầy tính nghệ thuật. Bên cạnh đó dưới con mắt một chính trị gia, bài viết còn đưa ra đề xuất về cách tổ chức, điều hành hoạt động văn hóa lễ hội, du lịch ở chùa Hương.
Đọc Phạm Quỳnh - Tuyển tập du ký, độc giả như theo chân Phạm Quỳnh viễn du đồng thời được thưởng thức tinh hoa văn học du ký - thể loại thịnh hành đầu thế kỷ 20 và đang được ưu thích trở lại trong một vài năm gần đây.
Hiền Đỗ