Hơn 400 học sinh khối 10 và 11 trường THPT Nhân Việt vừa làm bài thu hoạch về chủ đề Mật mã của trái tim dưới hình thức lá thư cuối năm. Họ viết về những kỷ niệm vui buồn ở trường lớp, bày tỏ tình cảm với bạn bè, thầy cô và đặc biệt là cha mẹ.
Thầy Hiệu phó Nguyễn Lâm Quang Thoại cho biết, những lá thư này sẽ được nhà trường chuyển đến tận tay phụ huynh trong buổi họp cuối tuần này. "Đây là những bài thu hoạch nằm trong chuỗi giáo dục kỹ năng sống của nhà trường, các em được tự do bày tỏ suy nghĩ. Bài viết không được chấm điểm, đánh giá thành tích học tập", thầy Thoại chia sẻ.
Đa số học sinh của trường ở các tỉnh xa đến học nội trú, nên các em mang nhiều tâm tư về nỗi nhớ cha mẹ và người thân.
Một nữ sinh lớp 10 kể, từ bé đã được cha mẹ cưng chiều, chăm sóc và chu cấp đầy đủ để con bằng bạn bè, dù gia đình không mấy khá giả. Gần đến ngày thi vào lớp 10, ba mẹ dành trọn thời gian sau giờ làm để chăm sóc, đưa đón cô đi học. Tuy nhiên, cô gái "vô tâm và đáng trách" đã xao nhãng chuyện học hành.
"Bạn còn nhớ năm đó bạn đã khóc nhiều thế nào chưa, còn tôi lại nhớ như in khuôn mặt của ba mẹ hôm đó, hụt hẫng, thất vọng, buồn bã... Cứ như thế, tôi càng ân hận và ghét bản thân mình", nữ sinh viết. Năm đó, cô đòi lên Sài Gòn học trường tư, trong khi ba mẹ nói nơi đó rất tốn kém, họ không thể kham nổi.
Nhưng vì chiều lòng con gái, ba mẹ đã cho cô lên thành phố với lời nhắn nhủ: "Cố gắng học con nhé, môi trường mới thì phải biết nỗ lực". "Ngày vào trường, ba tôi khệ nệ mang cái valy to đùng vào phòng nội trú. Mẹ tôi đã chuẩn bị tất cả như sợ tôi thiếu thôn, từ quần áo, giày dép đến tiền bạc", nữ sinh chia sẻ trong bài viết.
Ở quê thì đòi xa ba mẹ, nhưng đêm đầu tiên, cô không ngủ được. Đến đêm thứ hai, nữ sinh bật khóc vì nhớ ba mẹ bởi không quen những thứ ở đây. Từ chỗ ăn, chỗ ở, chỗ ngủ... mọi thứ đều trở nên xa lạ và lạc lõng với cô. Kết thư, nữ sinh viết: "Tôi nhận ra mình càng lớn, khỏe khoắn, tuổi trẻ dâng trào đồng nghĩa sự đánh đổi với tuổi tác ba mẹ càng cao, sức khỏe càng yếu".
Một nữ sinh lớp 10 khác, bằng giọng văn mạnh mẽ, đã kể về khó khăn trong những ngày đầu nhập học với cuộc sống thiếu cha, vì ông không muốn ở bên gia đình nữa. Trong khi đó mẹ cô là người khó tính, cổ hủ và khó gần để tâm sự.
Cuộc sống tẻ nhạt, thiếu sự quan tâm tình cảm của mẹ và áp lực về điểm số khiến cô cảm thấy chán nản. Cô không còn khoe điểm cao với mẹ vì nó chả là gì so với lớp. "Mẹ rất tin tưởng tôi. Tôi thì luôn cố gắng nhưng thành quả đạt được chưa có gì. Dù mẹ nói không sao, nhưng đó chỉ là sự an ủi để che đi nỗi thất vọng. Tôi sợ ngày mẹ đi họp phụ huynh, sợ mẹ lại tủi thân với 'con nhà người ta'", nữ sinh viết. "Những lúc nản lòng, tôi khóc rất nhiều. Tôi chán nản vì bản thân không làm được gì cho mẹ và ngoại", cô tự chất vấn.
Cuối bài, dù còn vẻ giận mẹ, song cô bày tỏ lời cảm ơn bà ngoại và mẹ bởi họ là động lực duy nhất của cô. "Mẹ hãy đợi con trưởng thành, con sẽ bù đắp cho mẹ và ngoại. Bây giờ thì chưa nhưng sau này mẹ sẽ tự hào vì con", cô viết.
Nhiều học sinh khác lần đầu bày tỏ cảm xúc sung sướng khi được về nhà thăm ba mẹ, sau một tuần học tập nội trú. Một số em cho biết, đây là lần đầu họ nói với cha mẹ điều này vì trước đó còn e thẹn, ngại bày tỏ tình cảm
"Một tuần ở trường tôi mới về nhà được một ngày rưỡi, được ngủ với mẹ một đêm. Có hôm nhìn mẹ xanh xao mà vẫn gắng nở nụ cười. Trưa nào ở trường mẹ cũng gọi điện, hỏi đã ăn cơm chưa, sẵn sàng đi học chưa. Chỉ nhiêu đó thôi mà tôi đã thấy vui lắm", một bạn khác chia sẻ.