Thứ tư, 12/2/2025
Thứ ba, 14/4/2020, 08:00 (GMT+7)

Những bức ký họa lay động thời dịch

Loạt ảnh nữ tiếp viên hàng không dỗ dành em bé từ Đức về Việt Nam, y bác sĩ ngủ gục trên bàn sau hàng giờ cứu bệnh nhân... lay động người xem.

Trong bối cảnh Covid-19 lan nhanh toàn cầu, Công ty TNHH Sơn Dura Việt Nam kết hợp trường Đại học Kiến trúc TP HCM phát động phong trào vẽ ký họa với chủ đề "Sinh viên UAH chung tay đẩy lùi Covid-19" nhằm ủng hộ lực lượng tuyến đầu (y bác sĩ, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện...) đang ngày đêm chống dịch. Các tác phẩm lập tức gây sốt các diễn đàn, nhận hàng nghìn bình luận và lượt chia sẻ trên mạng xã hội thời gian qua.

Tác phẩm Sẽ không một ai bị bỏ lại phía sau của Mai Trương Quỳnh Vy lấy cảm hứng từ chuyến bay từ Frankfurt (Đức) về Việt Nam ngày 10/3. Thấy em bé hai tháng tuổi quấy khóc vì nhớ mẹ, tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh dỗ dành khách nhí, vỗ nhẹ lưng để em bé ợ hơi, dễ chịu hơn sau khi uống sữa. Như phản xạ, bạn nhỏ rúc vào người nữ tiếp viên tìm hơi mẹ rồi ngủ say.

Quỳnh Vy - tác giả bức ký họa - cho biết: "Trái tim tôi hẫng vài nhịp, cay cay khóe mắt trước hình ảnh nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines nâng niu cháu bé được bố mẹ bé gửi từ trời Âu về Việt Nam tránh Covid-19. Chính cảm xúc ấy đã thôi thúc tôi họa bức tranh này. Có thể nó không hoàn hảo nhưng tôi mong góp một chút nhỏ nhoi, gửi đến mọi người thông điệp tốt đẹp: Đừng rơi nước mắt khi chúng ta vẫn còn hy vọng. Cuộc chiến này sẽ chẳng ai bị bỏ lại phía sau".

Tác phẩm chì của Nguyễn Bá Điệp khắc họa một nữ nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai ngủ gục trên bàn sau ca làm việc dài, tập tài liệu dày kê phía dưới làm gối đầu, tối 29/3. Qua bức ký họa, tác giả muốn gửi lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ, những anh hùng tuyến đầu đã và đang chiến đấu với nCoV ở mọi miền đất nước. Dù phải làm việc vất vả hơn ngày thường và không có ngày nghỉ, họ vẫn vững tinh thần, không nản lòng và quyết tâm đẩy lùi "giặc" Covid-19.

Bức ký họa của sinh viên Dương Thái Hưng kể về buổi sinh nhật đặc biệt của bệnh nhân Phạm Huyền My tại Bệnh viện Bạch Mai hôm 31/3. Cô gái tròn 18 tuổi, quê Thái Nguyên, được chuyển đến bệnh hôm 29/2 với chẩn đoán viêm cơ tim, biến chứng sốc tim, suy đa tạng. Bác sĩ nói cô có nguy cơ tử vong cao. Sau hai tuần nỗ lực điều trị, tình trạng của Huyền My dần ổn định. Cả bệnh viện nói chung và khoa Hồi sức nói riêng hạnh phúc khi cứu được bệnh nhân nặng giữa bối cảnh dịch Covid-19 khó lường.

Tác phẩm của Trần Minh Tuân ghi lại cảnh các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cùng nhau làm biểu tượng thả tim và thông báo đến các đồng nghiệp đang phải cách ly tại nhà: Chúng tôi vẫn ổn, hãy yên tâm.

Trước đó, bệnh viện phải cách ly từ ngày 28/3, sau khi phát hiện 8 ca dương tính nCoV gồm nhân viên bệnh viện, nhân viên dịch vụ thức ăn, bệnh nhân và người nhà. Đúng 0h ngày 12/4, hàng rào phong tỏa được dỡ bỏ trong tiếng reo hò của hàng trăm nhân viên y tế.

Tác giả Lê Thị Thanh Nhàn gửi đến bức ký họa mang thông điệp nhân văn, khai thác chân thực về đội ngũ y bác sĩ thời dịch. Họ tranh thủ chợp mắt trên ghế hay ăn vội bữa trưa để kịp thời chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân. Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống toàn cầu, tác động đến mọi lĩnh vực và có thể tấn công bất kỳ ai, không phân biệt màu da, quốc tịch, giàu nghèo. Gánh nặng đè trên vai những chiến sĩ tuyến đầu - các y bác sĩ, bộ đội và nhiều lực lượng khác - đang ngày đêm chạy đua, chống lại "kẻ thù vô hình". Đây là trường hợp ký họa bằng máy từ khu cách ly phòng chống Covid-19 được ban tổ chức chấp nhận.

Phút ngả lưng hiếm hoi của y bác sĩ, đội ngũ dân quân, bộ đội và những người hỗ trợ tiếp tế đồ ăn ở khu cách ly trong bức ký họa của cựu sinh viên Lê Thanh Ngữ, khiến nhiều người lay động. Không chăn ấm, nệm êm, thay vào đó là cảnh màn trời, chiếu đất. Chỉ cần nghỉ ngơi một chút, họ sẽ có thêm sức lực tiếp tục cuộc chiến chống dịch.

Bức ký họa của tác giả Phùng Thị Thư xoay quanh các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Hôm 6/4, ngay khi bệnh nhân nhiễm nCoV cuối cùng có kết quả xét nghiệm âm tính, những người làm công tác điều trị tại khoa Truyền nhiễm vỡ òa cảm xúc. Các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên hộ lý ôm nhau khóc. Từ lúc Bình Thuận ghi nhận ca đầu tiên đến ca thứ 9, nhóm y bác sĩ gồm 17 người phải ăn nghỉ tại chỗ, không về nhà gần trong gần một tháng.

Tác phẩm sơn mài của sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Phượng lấy chủ đề về các chiến sĩ bộ đội biên phòng cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) đốt lửa để xua tan cái lạnh. Để ngăn người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, bộ đội biên phòng tăng tổ công tác tuần tra, kiểm soát chặt đường mòn, lối mở dọc biên giới. Cán bộ ăn ngủ tại các lán dã chiến lập ngay tại nơi kiểm soát.

Tác phẩm của sinh viên Dương Huỳnh Hiếu Duy kể về câu chuyện ấm lòng ở khu cách ly tại thành phố Đà Nẵng. Chiến sĩ công an giơ ngón tay cái biểu thị sự đồng tình khi được người phụ nữ nhờ mua giúp một bát cháo em bé. Hình ảnh gốc được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội suốt tháng ba. 

Tác phẩm của cựu sinh viên Lê Bôi Phan ca ngợi những thợ may, người dân và nhiều đối tượng khác cùng chung tay tiếp tế khẩu trang cho đội ngũ y bác sĩ, bộ đôi, công an. Tinh thần tương thân tương ái của tuyến hậu phương sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các y bác sĩ tuyến đầu, thúc đẩy tinh thần đấu tranh chống dịch của toàn dân.

Xem thêm hơn 350 bức ảnh ký họa về tuyến đầu chống dịch trên Fanpage Sơn Dura hoặc Sinh viên Đại học Kiến trúc TP HCM.

Thi Quân