Bà Thanh Thủy, 47 tuổi ở TP HCM, không được học hành tử tế, không có nhiều tiền nhưng “ai cần máu là cho”. Gia đình khó khăn, bà phải đi làm cửu vạn, thậm chí bán máu để kiếm tiền. Rồi một lần được lên báo, thấy hoàn cảnh bà quá khó khăn nên rất nhiều người đã ủng hộ.
“Điều này khiến tôi rất cảm động, nhiều người không biết tôi là ai nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ. Từ đó, tôi tâm niệm một điều ‘giúp được ai gì thì giúp, ai nhờ gì cũng làm, ai xin máu thì cho’”, bà Thủy chia sẻ.
Hiện bà chuyển về quận Bình Chánh sống, vừa bán hủ tiếu vừa nuôi con gà, con lợn. Ai cần máu, yêu cầu thì bà đi ngay. Ngày xưa, khi còn sống ở quận 11, phường có người bị bệnh máu trắng, nhà nghèo không có tiền mua máu, ông tổ trưởng hỏi "có đi cho máu không" thì bà đồng ý đi luôn.
“Lần đó, tôi lên tận Bệnh viện Chợ Rẫy để cho máu. Khi cuộc sống bớt khó khăn hơn thì tôi bắt đầu đi hiến máu, đến nay đã được 44 lần. Giúp được một người là vui rồi, biết rằng giọt máu của mình có ý nghĩa với một ai đó là tốt lắm rồi”, bà Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, con đường đến với công việc tình nguyện vận động hiến máu của bà Tám, 51 tuổi, ở Trà Vinh lại hoàn toàn khác. Làm nghề bán xăng dầu, kinh tế gia đình cũng ổn định nên bà thường đi nấu cơm từ thiện trong bệnh viện. Tại đây, bà đã chứng kiến không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, nhiều người thậm chí không có tiền để ăn, chứ chưa nói để chữa bệnh.
“Nhớ lại trước đây con bị sốt xuất huyết được nhận máu của người khác mới sống. Những giọt máu nghĩa tình của những người tôi không hề hay biết. Khi đó không có điều kiện, còn giờ có điều kiện rồi thì lại đến lượt mình đi giúp đỡ người khác”, bà Tám chia sẻ.
Từ năm 2000, bà bắt đầu tham gia đội tình nguyện vận động hiến máu, đến nay đã vận động được hơn 500 người. Bản thân bà cũng đã cho máu 18 lần. Mỗi lần như thế được hỗ trợ 30.000 đồng nhưng bà không lấy mà bỏ vào quỹ từ thiện. Bà tâm niệm “lấy số tiền đấy thì coi như là bán máu”.
“Lần đầu hiến máu thì đúng là hơi sợ thật, nhưng sau thì thấy bình thường. Nhưng nói thật là việc đi làm từ thiện, hiến máu tôi giấu chồng không cho biết. Tính ông ấy khó, biết được là ông ấy la, nên mình cứ lặng lẽ làm thôi”, bà Tám cười nói.
Với Hương, 23 tuổi, ở Thái Bình lại khác. Mắc bệnh máu từ nhỏ, từng trải qua lần cận kề cái chết vì không có máu truyền nên cô hiểu hơn ai hết giá trị của những giọt hồng.
Sinh ra cũng bình thường như bao bạn khác, năm lớp 6 Hương thấy xuất hiện nhiều vết bầm tím ở chân dù không hề va chạm hay đập vào đâu, đánh răng thì bị chảy máu chân răng. Đi bác sĩ, cô biết mình bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, cứ 6 tháng một lần đều đặn lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình kiểm tra, lấy thuốc. Giai đoạn mệt nhất có lẽ là lúc bước đến tuổi dậy thì, có kinh nguyệt. Những bạn gái khác chỉ ra vài ngày là hết, còn Hương chảy máu nhiều khi không thể cầm được, thậm chí phải đóng bỉm. Những lúc đấy cô đều phải vào viện để truyền máu.
Đến giờ cô vẫn nhớ như in chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm. Căn bệnh quái ác tái phát ngày 27 Tết - đúng kỳ kinh nguyệt nên cô không đi viện. Hậu quả là đến mùng 4 Tết, Hương phải nhập viện trong tình trạng thiếu máu trầm trọng. Đang cần máu nhưng đúng vào Tết, lượng máu dự trữ của bệnh viện không còn. Gia đình đã xoay đủ mọi cách, kể cả tìm người bán máu nhưng vẫn không được.
350ml máu Hương nhận được đầu tiên là từ bố nhưng lượng máu đó không đủ, máu vẫn chảy không thể cầm.Sang ngày thứ 11 vẫn không tìm được nguồn máu nên cô được chuyển lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội).
“Mình vẫn nhớ cảm giác ngồi nhìn từng giọt máu chảy vào tĩnh mạch, trên từng túi máu còn có tên người cho. Tiếc là mình không thể nhớ hết tên họ nhưng mình luôn mong mỏi được gặp những người đã hiến máu cho mình chỉ đơn giản để nói lời cảm ơn”, Hương nói.
Cũng chính vì thế, từ khi bắt đầu cuộc đời sinh viên, Hương trở thành tình nguyện viên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Cô đã đi hiến máu 2 lần.
Nam Phương - Diệp Nhung