Kể từ đầu thế kỷ 21 tới nay, Christopher Nolan là một trong những đạo diễn thành công nhất trên mọi phương diện. Mỗi bộ phim của ông đều được người hâm mộ điện ảnh chờ đợi và bàn tán xôn xao ngay từ khi đó còn là dự án nằm trên giấy và lập tức gây sốt khi được ra rạp. Tính tới trước Interstellar, 8 bộ phim của Nolan làm đạo diễn đã đạt doanh thu lên đến 3,5 tỷ USD.
Ông thường cùng lên ý tưởng kịch bản với em trai Jonathan, sử dụng nhạc nền của bậc thầy người Đức, Hans Zimmer, và chọn nhà sản xuất là người vợ Emma Thomas. Với ê-kíp quen thuộc trên, Christopher Nolan đã chinh phục hàng triệu khán giả toàn cầu với các bộ phim độc đáo, lôi cuốn và giàu tính sáng tạo.
1. Memento (xem trailer)
Hai năm sau bộ phim đầu tay Following được đánh giá tích cực, Christopher Nolan thực sự có bước đột phá với Memento. Dựa trên truyện ngắn Memento Mori của Jonathan Nolan, bộ phim kể về nhân vật Leonard (Guy Pearce) với trí nhớ ngắn hạn. Anh ta không thể nhớ một sự việc quá vài phút và ký ức cuối cùng trong đầu Leonard là việc vợ anh bị sát hại. Để truy tìm kẻ giết vợ mình, Leonard đã xăm hàng loạt manh mối về hung thủ mà anh tìm được lên chính người mình để không thể nào quên...
Memento là một bộ phim với kịch bản độc nhất vô nhị: mở đầu của bộ phim chính là khúc cuối và tác phẩm này được kể theo thứ tự... ngược. Các cảnh trong phim có hai loại: các cảnh trắng đen được kể theo lối thông thường, còn các cảnh màu được diễn biến ngược lại. Điểm giao nhau của chúng là ở khúc cuối phim, để khán giả có được cái nhìn toàn diện về câu chuyện. Lối kể chuyện phi tuyến tính này thách thức sự tập trung của người xem và khiến Memento là bộ phim mà mỗi lần xem khán giả lại cảm nhận được những điều mới mẻ.
Đây là một trong những tác phẩm gây tranh luận hàng đầu bởi sự sáng tạo trong kịch bản khiến khán giả cũng lạc vào mê cung của những manh mối mà Nolan đưa ra, giống như chính Leonard vật lộn trên con đường tìm ra hung thủ thực sự. Anh em nhà Nolan đã làm được điều không tưởng trong một bộ phim, với khúc cao trào được đặt ngay ở phần mở đầu, một loạt cảnh phim mà khán giả được biết trước cái kết (nhờ xem ngược) từ trước khi sự việc xảy ra song vẫn chăm chú theo dõi từ đầu tới cuối. Cho đến nay, Memento vẫn được xem như một kiệt tác phim Noir của thế kỷ 21.
2. Bộ ba phim The Dark Knight (xem trailer)
Batman là một trong những siêu anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử truyện tranh, song phiên bản điện ảnh Batman & Robin (1997) thực sự là một thảm họa về mặt nội dung. Hậu quả là phải 8 năm sau, “hiệp sĩ bóng đêm” của thành phố Gotham mới được tái xuất trên màn ảnh rộng, với nội dung hoàn toàn mới trong Batman Begins của Christopher Nolan. Không những vực dậy thanh danh của Batman đã bị đạo diễn Joel Schumacher hủy hoại với Batman & Robin, Nolan còn nâng thể loại phim siêu anh hùng lên một tầm cao mới với bộ ba The Dark Knight.
Ý tưởng của Nolan khi thực hiện Batman là chỉ mượn cái sườn của comic là thành phố đầy rẫy tội ác Gotham cùng những nhân vật quen thuộc như Bruce Wayne/Batman (Christian Bale), quản gia Alfred (Michael Caine), các kẻ phản diện Joker (Heath Ledger), Bane (Tom Hardy)... còn nội dung phim sát thực tế hơn.
Không còn những câu thoại ngớ ngẩn với nội dung chỉ đủ hấp dẫn trẻ em như tập phim trước đó, ba tập Batman Begins (2005), The Dark Knight (2008) và The Dark Knight Rises (2012) trở thành chuẩn mực mới cho các bộ phim chuyển thể từ comic. Hành trình của Bruce Wayne được tái hiện đầy đủ: từ khi là một cậu nhóc chứng kiến cha mẹ tỷ phú của mình bị giết hại trong đêm, vượt qua nỗi sợ hãi, tầm sư học đạo khắp nơi trên thế giới để rồi trở về thành phố Gotham và trở thành người bảo vệ công lý nơi đây.
Ba tập phim về Batman của Nolan thành công rực rỡ với tổng doanh thu lên đến 2,4 tỷ USD và 9 đề cử Oscar. Tập phim thứ hai The Dark Knight chính là đỉnh cao của bộ ba này, với cuộc đối đầu giữa Batman và Joker. Bộ phim không còn đơn thuần là một phim siêu anh hùng mà giống một tác phẩm đỉnh cao của nhiều thể loại: sở hữu những cảnh hành động, rượt đuổi gay cấn; sự phức tạp trong nhân vật và các câu thoại của dòng phim tâm lý; đầy rẫy nút thắt bất ngờ như một tác phẩm ly kỳ. Nolan thể hiện tài năng giữ nhịp của mình khi dù pha trộn nhiều thể loại với hàng loạt tình tiết xảy ra, bộ phim vẫn giữ được sự cân bằng hoàn hảo với một phần kết bi tráng.
Không chỉ tài ba trong dẫn dắt câu chuyện, Nolan còn may mắn sở hữu một dàn diễn viên đẳng cấp như Christian Bale, Michael Caine, Anne Hathaway, Liam Neeson, Morgan Freeman. Nổi bật trong đó có tài tử Heath Ledger, với vai diễn phản diện xuất sắc Joker đã đem về cho ngôi sao quá cố này một tượng vàng Oscar ở hạng mục Nam diễn viên phụ.
3. The Prestige (xem trailer)
Trong The Prestige, hai chàng siêu nhân “Batman” Christian Bale và “Wolverine” Hugh Jackman vào vai hai nhà ảo thuật sống tại London, Anh vào thế kỷ 19. Từng là bạn thời trẻ nhưng một sự cố khiến cả hai từ mặt nhau và đi theo hai con đường riêng rẽ. Nhà ảo thuật Alfred Borden (Bale) lấy nghệ danh là “Giáo sư” còn Robert Angier (Jackman) trở thành “Dalton vĩ đại”. Họ tìm cách lật tẩy các mánh khóe của đối thủ để hạ bệ nhau cho tới một ngày Borden sáng tạo ra một trò ảo thuật “kỳ diệu” khiến Angier không tài nào tìm ra bí quyết. Sự ganh đua, kèn cựa giữa họ được đẩy lên đỉnh điểm từ đây...
The Prestige còn có sự tham gia của hai kiều nữ Rebecca Hall và Scarlett Johansson cùng diễn viên lão làng Michael Caine. Nhưng dấu ấn của Nolan là không thể phủ nhận, khi The Prestige được xem bộ phim hay nhất từng được làm về đề tài ảo thuật. Bộ phim đươc mở đầu với việc một ảo thuật gia nói về ba bước của mỗi màn ảo thuật với một cô bé, trước khi được tiếp nối bằng việc Alfred đang ở trong nhà tù chờ bị hành hình.
Khởi đầu gây tò mò ấy nhanh chóng chuyển thành một cuộc cạnh tranh hấp dẫn giữa hai ảo thuật gia tài năng, khiến người xem khó lòng có thể rời mắt khỏi màn hình. The Prestige giống như một màn trình diễn đại tài của “ảo thuật gia” Nolan, khi ông có những thủ thuật đánh lừa khán giả trước khi đưa họ đến cái kết bất ngờ khó có thể đoán trước.
4. Inception (xem trailer)
Với Inception, Nolan một lần nữa chứng tỏ óc tưởng tượng của mình phong phú đến nhường nào. Bộ phim được đặt bối cảnh tại thế giới tương lai, khi mà con người có thể xâm nhập vào giấc mơ của người khác. Dom Cobbs (Leonardo DiCaprio) là một chuyên gia trong lĩnh vực này với công việc chính là lấy cắp những bí mật quan trọng được cất giữ trong trí não. Một ngày nọ, anh nhận được đề nghị cấy một ý tưởng vào đầu một tỷ phú. Đây là nhiệm vụ gần như không tưởng, song Dom vẫn tụ tập một nhóm chuyên gia xuất chúng trong nhiều lĩnh vực để thực hiện.
Inception gây ấn tượng mạnh về ý tưởng cũng như nhiều cảnh quay gây kinh ngạc. Với phần lớn thời lượng phim được xảy ra trong những giấc mơ, Nolan thỏa sức thể hiện các cảnh quay ngoạn mục. Một đại lộ của Paris bị bẻ cong hay trường đoạn mà Arthur (Joseph-Gordon Levitt) chiến đấu trong hành lang không trọng lực là hai cảnh quay làm những người yêu điện ảnh ngỡ ngàng.
Điều đặc biệt trong Inception là các giấc mơ còn có nhiều tầng và có liên quan trực tiếp tới nhau. Christopher Nolan đã xử lý tài tình bộ phim để câu chuyện phức tạp ấy trở nên logic và không quên tạo ra một cái kết thú vị. Việc ranh giới giữa thực và mơ bị xóa nhòa khiến người hâm mộ tranh luận về Inception trong suốt thời gian dài về cái kết sau khi thưởng thức. Siêu phẩm này là một trong những bộ phim thành công nhất của năm 2010 với 825 triệu USD doanh thu và chiến thắng 4 giải Oscar trên tổng số 8 đề cử.
5. Interstellar (xem trailer)
Insomnia, loạt The Dark Knight, The Prestige là những bộ phim được Christopher Nolan chuyển thể còn Inception, Memento và Interstellar là những tác phẩm do chính Nolan viết ra cùng người em trai (hai phim sau) với trí tưởng tượng hơn người. Trong danh sách những phim ưa thích nhất của Nolan có phim khoa học viễn tưởng 2001: A Space Odyssey và giờ đây Interstellar đang được không ít người so sánh với tác phẩm kinh điển trên với những hình ảnh mang tính bước ngoặt.
Bộ phim là cuộc hành trình của nhóm phi hành gia do Cooper (Matthew McConaughey) dẫn đầu đi xuyên không gian để bước sang một dải ngân hà khác, tìm kiếm sự sống ở ba hành tinh mới khi mà Trái Đất đã trở nên quá ô nhiễm. Các khái niệm như chiều không gian thứ năm, hố đen vũ trụ, những kiến thức về vật lý lượng tử... cùng chiều dài gần ba tiếng đồng hồ là yếu tố khiến Interstellar không phải một phim dành cho tất cả khán giả.
Song Nolan vẫn để lại dấu ấn với các cảnh quay kỳ vĩ trong không gian cùng mạch cảm xúc ông mang tới cho khán giả. Bên cạnh cuộc hành trình gian nan còn là câu chuyện về tình thương vượt khoảng cách không gian và thời gian. Về mặt đánh giá, Interstellar có vẻ giống với The Dark Knight Rises khi có những nhà phê bình ca ngợi bộ phim hết lời, trong khi lại có những người tỏ ý không hài lòng với bom tấn này. Dẫu vậy, đây vẫn là một tác phẩm không thể bỏ qua với những người yêu điện ảnh và là một ứng cử viên sớm cho Oscar 2015.
Thịnh Joey