Jaws (1975)
Hàm cá mập không chỉ khiến Steven Spielberg trở thành “ngôi sao” trong làng đạo diễn mà còn thay đổi vĩnh viễn lịch sử điện ảnh. Bộ phim có kinh phí 9 triệu USD này là tác phẩm đầu tiên đạt doanh thu trên 100 triệu USD và tạo ra khái niệm “bom tấn hè”. Jaws đã được Viện Lưu trữ phim quốc gia Mỹ đưa vào danh sách bảo tồn nhờ những ảnh hưởng lớn lao tới điện ảnh và văn hóa đương đại.
Nội dung phim kể về hành trình đi săn một con cá mập trắng tấn công người tại khu nghỉ mát. Khi làm Jaws, Spielberg chỉ là một đạo diễn tiềm năng và có kinh phí hạn chế. Để bù đắp điều này, ông sử dụng phần nhạc nền bí hiểm, dồn dập của nhà soạn nhạc John Williams để tạo cảm giác hồi hộp cho khán giả mỗi khi cá mập chuẩn bị xuất hiện. Đến nay, nhiều người vẫn sợ cảm giác đặt chân xuống nước biển mùa hè với nỗi ám ảnh mang tên Jaws.
Close Encounter of the Third Kind (1977)
Ra đời sau Jaws hai năm, Close Encounters of the Third Kind không chỉ nằm trong danh sách những tác phẩm khoa học viễn tưởng thành công nhất mà còn được xem như một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Nhân vật chính của phim là Roy Neary (Richard Dreyfuss thủ vai) - một người thợ lắp dây điện vô tình gặp một vật thể bay không xác định. Cuộc gặp gỡ định mệnh trên đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Roy và thôi thúc anh đi tìm sự thật về người ngoài hành tinh, bất chấp sự nghi ngờ từ những người xung quanh...
Với kỹ xảo và các cảnh quay đi trước thời đại, Close Encounters of the Third Kind đã thành công rực rỡ khi ra mắt. Bộ phim thu về hơn 300 triệu USD, đồng thời nhận tám đề cử Oscar năm đó. Tác phẩm này cùng các phim kinh điển khác như Star Wars hay Superman trong thập niên 1970 đã góp phần đưa thể loại phim khoa học viễn tưởng ăn khách trở lại sau một thời gian im ắng.
Indiana Jones and the Raiders of the Lost Arks (1981)
Huyền thoại về nhà khảo cổ học Indiana Jones (Harrison Ford) được bắt đầu vào năm 1981 với Raiders of the Lost Arks. Đạo diễn Spielberg đưa khán giả theo chân người hùng với chiếc mũ fedora và cây roi da biểu tượng này trong cuộc phiêu lưu ngăn chặn phe Phát-xít. Các tay chân của Adolf Hitler được ra lệnh đi lấy lại một món đồ huyền thoại mà hắn tin rằng có thể khiến quân Đức bách chiến bách thắng. Chính phủ Mỹ quyết tâm chặn đứng âm mưu trên bằng cách nhờ cậy tới Indiana Jones - một giáo sư khảo cổ tài năng và gan dạ.
Hành trình hấp dẫn đầy hiểm trở nhưng cũng không kém phần hài hước của Jones lập tức được khán giả đón nhận và biến Raiders of the Lost Arks trở thành phim ăn khách nhất năm 1981 với doanh thu 389 triệu USD và còn được chín đề cử Oscar. Harrison Ford trở thành một siêu sao màn bạc với vai Indiana Jones và xuất hiện trong ba phần tiếp theo cũng rất thành công về thương mại. Trong số đó, tập phim Indiana Jones and the Last Crusade (1989) được đánh giá là lôi cuốn không thua gì phần đầu tiên.
E.T. The Extra-Terrestrial (1982)
Vào năm 1960, cha mẹ của Steven Spielberg ly dị và khiến ông phải tưởng tượng ra một người bạn trong tâm trí để tránh cảm giác cô đơn lạc lõng. Hơn hai thập niên sau, người bạn ấy tạo cảm hứng để Spielberg làm ra bộ phim kinh điển E.T. The Extra-Terrestrial. Chuyện phim bắt đầu với việc một sinh vật ngoài hành tinh bị mắc kẹt trên Trái Đất và được cậu bé Elliott (Henry Thomas) tìm thấy. Thay vì báo cho người lớn, Elliott lại giữ lại sinh vật này, đặt tên là E.T và tìm cách giúp nó trở về nhà.
Tác phẩm khoa học viễn tưởng này đã phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu khi ra mắt. Với kinh phí chỉ 10,5 triệu USD, E.T gặt hái tới 619 triệu USD trên toàn cầu và soán ngôi Star Wars để trở thành phim ăn khách nhất thời bấy giờ. Các nhà phê bình lẫn người hâm mộ ca ngợi E.T. không chỉ ở phần kỹ xảo, âm nhạc mà còn vì thông điệp nhân văn qua tình bạn giữa cậu bé Elliott và E.T.
The Color Purple (1985)
Sau khi tạo dựng tên tuổi với các phim bom tấn, Spielberg bắt đầu thử sức với thể loại chính kịch. Ông chọn tiểu thuyết từng nhận giải Pulitzer là The Color Purple để chuyển thể. Bộ phim kể về người phụ nữ Mỹ gốc Phi - Celie Harris (Whoopi Goldberg). Sinh ra và lớn lên tại miền Nam nước Mỹ khi nạn phân biệt chủng tộc và giới tính vẫn tồn tại công khai, Celie phải chịu nhiều đau đớn và tủi hổ khi bị chính cha đẻ và những người xung quanh ngược đãi.
Dù bị phân biệt đối xử trong hơn ba thập niên, Celie vẫn luôn mạnh mẽ và tìm được giá trị của bản thân. Câu chuyện cảm động mang tên The Color Purple được khán giả đón nhận nồng nhiệt và được 11 đề cử Oscar năm 1986, bao gồm cả “Phim hay nhất”.
Jurassic Park (1993)
E.T đã nắm giữ kỷ lục “Phim ăn khách nhất mọi thời đại” trong suốt 11 năm tới khi Jurassic Park xuất hiện. Được dựa trên cuốn sách cùng tên của Michael Crichton, Công viên kỷ Jura có bối cảnh tại hòn đảo Isla Nublar - nơi một tỷ phú đã dùng tiền bạc và công nghệ để đưa loài khủng long cổ đại sống dậy. Ước mơ biến hòn đảo này thành thiên đường du lịch của ông đã thành ác mộng khi công viên gặp sự cố và các con khủng long vượt ngoài tầm kiểm soát...
Jurassic Park là một cột mốc trong lịch sử điện ảnh về việc sử dụng kỹ xảo máy tính, khi Spielberg và các cộng sự khiến khán giả choáng ngợp với hình ảnh loài khủng long sống động. Bộ phim kinh điển này đã thắng bốn giải Oscar năm 1994, có doanh thu hơn một tỷ USD và vừa có phần tiếp theo mang tên Jurassic World đại thắng tại các rạp chiếu trong hè 2015.
Schindler’s List (1993)
Năm 1993 chứng kiến một kiệt tác trong sự nghiệp của Spielberg là Schindler's List. Bộ phim kể về cuộc đời của doanh nhân người Đức - Oskar Schindler (Liam Neeson). Ông là người hùng đã cứu sinh mạng hơn một nghìn người Ba Lan gốc Do Thái trong thảm họa diệt chủng thời Thế chiến II. Bản thân là một người Do Thái và từng bị kỳ thị thời còn đi học, Spielberg quyết định đưa câu chuyện về Schindler lên màn ảnh và khiến cả các nguyên thủ quốc gia cũng phải ngợi ca.
Schindler’s List là bộ phim hay nhất của năm 1993 khi giành tới bảy trong tổng số 12 hạng mục được đề cử tại Oscar. Trong mọi cuộc bầu chọn những bộ phim xuất sắc từ năm 1993 tới nay, bộ phim đen trắng này chưa một lần vắng mặt. Không chỉ có giá trị nghệ thuật cao, Schindler’s List còn mang tính lịch sử. Tác phẩm này lay động lòng người bằng cách dũng cảm nhìn lại một trong những giai đoạn đen tối và tang thương nhất lịch sử thế giới.
Saving Private Ryan (1998)
Sự tàn khốc của chiến tranh được Spielberg đưa lên màn ảnh rộng với Saving Private Ryan - tác phẩm nhận được năm giải Oscar năm 1999. Binh nhì Ryan (Matt Damon) là một người lính mất tích trên chiến trường. Dù còn rất ít cơ hội sống sót cho Ryan, Đại úy John Miller (Tom Hanks) cùng tiểu đội bảy người vẫn quyết lên đường tìm anh sau khi gia đình Ryan đã có tới ba người con phải hy sinh trên chiến trường...
Giải cứu binh nhì Ryan là bản hùng ca về tình đồng đội, tình anh em giữa những người lính trên chiến trường. Ai từng xem phim khó có thể quên được phần mở màn khốc liệt dài 27 phút tái hiện trận đánh trên bãi biển Omaha hay màn nhập vai bậc thầy của Tom Hanks. Trang Rotten Tomatoes nhận định: “Spielberg đã tái định nghĩa dòng phim chiến tranh với bộ phim chân thực đến mức tàn khốc này”.
Minority Report (2002)
Minority Report được đánh giá là bộ phim khoa học viễn tưởng xuất sắc của Spielberg cộng tác cùng siêu sao Tom Cruise. Bộ phim có bối cảnh tại Washington năm 2054, khi công nghệ đạt mức tối tân. Nước Mỹ có bộ ba máy tiên tri là “precogs” – thứ có thể dự báo trước nơi nào sắp xảy ra một vụ án mạng và báo cho đội cảnh sát PreCrime để họ ngăn chặn tội ác. John Anderton (Tom Cruise) là đội trưởng của PreCrime. Tới một ngày, “precogs” khẳng định John sẽ trở thành một kẻ sát nhân trong 36 giờ tới...
Có kịch bản thông minh và giàu tính giải trí, Minority Report là một thành công lớn cả về thương mại lẫn chất lượng. Năm nay, hãng Fox quyết định ra mắt một series truyền hình dựa trên chính bộ phim này.
Catch Me If You Can (2002)
Sở hữu hai ngôi sao Leonardo DiCaprio và Tom Hanks, Catch Me If You Can là một mốc son khác trong sự nghiệp đạo diễn của Spielberg. Bộ phim này được dựa trên một câu chuyện có thật về Frank Abagnale Jr. (DiCaprio) - người từng dùng biệt tài giả mạo để lừa đảo, kiếm hàng triệu USD từ các ngân hàng. Cả phim là cuộc rượt bắt của nhân viên FBI - Carl (Hanks) - với Frank.
Catch Me If You Can thắng lớn về doanh thu với 352 triệu USD và khiến ngay cả Frank Abagnale “thứ thiệt” cũng phải khen ngợi. Ngoài phim này và Bridge of Spies, Steven Spielberg và Tom Hanks còn cộng tác trong bộ phim được đánh giá cao khác là The Terminal (2004).
Bridge of Spies (2015)
Ra mắt hồi giữa tháng 10, Bridge of Spies đánh dấu sự trở lại với vai trò đạo diễn của Steven Spielberg sau ba năm kể từ Lincoln. Tác phẩm mới nhất của nhà làm phim lừng danh này thuộc thể loại tâm lý, lịch sử lấy bối cảnh đầu thập niên 1960, khi khi thế giới phân cực vào hai phe là Mỹ (đại diện Tư bản) và Nga (đại diện khối các nước Cộng sản). Phim xoay quanh hành trình của một luật sư Mỹ (Tom Hanks đóng) trong việc hành xử theo lương tâm mách bảo hay nhắm mắt trung thành với đất nước.
Bridge of Spies khi ra mắt đã nhận được vô số lời khen ngợi. Hai chuyên trang điện ảnh là IMDb và Metascore đều chấm bộ phim số điểm lần lượt là 8,1/10 và 81/100. Trong khi đó, 92% ý kiến phê bình trên trang Rottentomatoes đều đánh giá phim tích cực. Bridge of Spies trở thành một trong những ứng viên sáng giá trong cuộc chạy đua Oscar năm tới.
Thịnh Joey