Sắc màu u ám đang bao phủ thị trường chứng khoán khi VN-Index đến nay đã giảm hơn 20% so với mức đỉnh 1.200 điểm xác lập đầu tháng 4. Tuy nhiên trên sàn chứng khoán, không ít cổ phiếu đã giảm hơn gấp đôi con số này. Ngoài đà giảm chung từ thị trường, một phần lý do đến từ triển vọng kinh doanh không còn như kỳ vọng.
Cổ phiếu VCS của Công ty cổ phần Vicostone đến phiên giao dịch gần nhất còn 77.000 đồng, giảm gần một nửa so với mức đỉnh gần nhất xác lập cuối tháng 3/2018.
Cổ phiếu này từng là hiện tượng trên sàn HNX khi tăng một mạch từ 3.000 đồng giữa năm 2014 lên mức đỉnh hơn 140.000 đồng vào cuối tháng 3/2018, tức tăng gần 50 lần. Đà tăng đi kèm với sự trở lại của hoạt động kinh doanh khi liên tục trong 4 năm từ 2014 đến 2017, lợi nhuận của Vicostone tăng trưởng trên 50% mỗi năm, trong khi doanh thu cũng tăng hơn gấp đôi, từ 2.000 tỷ lên 4.350 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh không sụt giảm mạnh nhưng việc duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số đang dần trở nên thách thức với thay đổi trên thị trường quốc tế - những thị trường chủ lực của công ty. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu đi ngang ở mức 3.200 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế giảm 7%, còn 790 tỷ đồng.
Dù đại diện công ty liên tục trấn an rằng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn bình thường và bản thân Vicostone cũng lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ để hãm đà giảm, cổ phiếu VCS vẫn liên tục bị nhà đầu tư bán ra với cường độ ngày càng mạnh.
Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng gặp vấn đề tương tự Vicostone. Từng là một hiện tượng trong ngành ngân hàng với sự vươn lên nhờ đi theo một phân khúc riêng biệt - tài chính tiêu dùng, VPBank đã trở thành một trong những cổ phiếu được săn đón khi lên sàn chứng khoán vào giữa năm trước.
Chưa tới một năm sau khi lên sàn, thị giá VPB đã tăng gấp đôi so với giá chào sàn phiên giao dịch đầu tiên với thanh khoản mỗi phiên tới cả triệu đơn vị. Tuy nhiên, cũng giống như Vicostone, việc duy trì đà tăng trưởng của nhà băng này đang chịu nhiều thách thức và điều này đã thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư vào cổ phiếu VPB.
Gần nửa năm nay, cổ phiếu VPB đã mất hơn nửa giá trị so với mức đỉnh, thậm chí về dưới mức giá khởi điểm khi chào sàn. Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, đà giảm của cổ phiếu một phần xuất phát từ kết quả kinh doanh không như kỳ vọng kể từ đầu năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VPBank đạt hơn 4.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng gần 9% so với cùng kỳ nhưng chỉ hoàn thành 60% kế hoạch năm. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong báo cáo phân tích mới đây cho rằng, vấn đề từ FE Credit đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của VPBank và khả năng ngân hàng không hoàn thành kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đơn vị này cũng cho biết có khả năng điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận và giá mục tiêu của cổ phiếu VPB khoảng 15-20%.
So với hai câu chuyện trên, ngành nhựa có lẽ là một minh họa điển hình cho sự đi xuống theo chu kỳ hoạt động, kéo theo sự quay lưng của nhà đầu tư với lĩnh vực từng hấp dẫn của giai đoạn trước.
Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) là hai doanh nghiệp nhựa nổi tiếng nhất trên sàn chứng khoán nếu xét, nắm thị phần lớn nhất hai miền Bắc Nam. Tuy nhiên cổ phiếu của hai doanh nghiệp đều giảm hơn 50% so với mức đỉnh xác lập trong năm 2017.
Với chu kỳ thường không đi cùng với thị trường chung, sự đi xuống của hai doanh nghiệp top đầu được một số công ty chứng khoán nhận định đến từ sự thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư vào hoạt động kinh doanh của ngành nhựa.
Giai đoạn đỉnh cao của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong kéo dài từ 2010 đến năm 2016 với tốc độ tăng trưởng cao về cả doanh thu và lợi nhuận. Chỉ trong 6 năm, doanh thu của Nhựa Bình Minh tăng từ 1.400 tỷ lên gần 3.700 tỷ đồng với biên lợi nhuận gộp tăng dần lên gần 30%. Nhựa Tiền Phong cũng tăng hơn gấp đôi doanh thu với biên lợi nhuận gộp gần 36%. Ưu thế của giai đoạn này đến từ giá nguyên liệu đầu vào rẻ và sự mở rộng hoạt động liên tục để chiếm lĩnh thị trường.
Tuy nhiên việc không chủ động được nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, trong khi lại mở rộng liên tục hoạt động kinh doanh khiến hai doanh nghiệp bước đi trên những bậc thang thiếu chắc chắn.
Hệ quả là khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại, cùng với sự cạnh tranh của nhiều tên tuổi nước ngoài lớn đã đẩy Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong vào một cuộc đua "cắt" lợi nhuận để duy trì thị trường. Tăng chiết khấu trong khi không thể chuyển mức tăng của giá nguyên liệu vào giá thành sản phẩm khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận lại trên đà đi xuống. Năm 2017, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh giảm xuống dưới 23% so với mức hơn 28% giai đoạn trước đó còn Nhựa Tiền Phong cũng giảm từ 36% còn 33%.
Minh Sơn