Chợ Bến Thành (quận 1) có từ trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất Gia Định. Đến năm 1911, chính quyền Pháp ra quyết định dời ngôi chợ này về vị trí hiện nay, khi nơi đây còn là một cái ao sình lầy. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến cuối tháng 3/1914 mới hoàn thành và hoạt động đến nay. Khu chợ có diện tích trên 13.000 m2 với bốn cửa chính và 12 cửa phụ ở bốn hướng. Ngày nay, chợ Bến Thành được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại TP HCM.
Nhà thờ Đức Bà (quận 1) được xây dựng năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong lên hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Công trình dài 93 m, rộng 35 m và cao 75 m nằm ngay trung tâm quận 1, TP HCM. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít được cho là mang từ Pháp sang. Không như những nhà thờ khác tại TP HCM, nhà thờ Đức Bà không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh.
Bưu điện trung tâm Sài Gòn (quận 1) được xây dựng trong khoảng năm 1886–1891 theo đồ án thiết kế mang phong cách châu Âu của kiến trúc sư người Pháp Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Khởi thủy, công trình này là Sở dây thép Sài Gòn (tức Bưu điện Sài Gòn). Đây là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á và là điểm đến nổi tiếng của Sài Gòn hiện nay.
Dinh Độc Lập, trước đây là Dinh Norodom, ngày nay còn gọi là Hội trường Thống Nhất, được xây dựng vào năm 1868-1871. Tháng 7/1962, dinh được xây mới trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Công trình có khuôn viên rộng 12 ha, diện tích sử dụng 20.000 m2, gồm ba tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng và tầng hầm. Dinh có khoảng 100 phòng được trang trí theo phong cách khác nhau tùy vào công năng sử dụng. Hiện nay, Dinh Độc Lập là di tích lịch sử nổi tiếng và là nơi hội họp, tiếp khách của các cấp lãnh đạo trung ương cũng như của thành phố.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn xây năm 1864, là một trong 10 thảo cầm viên lâu đời nhất của thế giới. Tháng 3/1865, toàn quyền Đông Dương đã mời ông JB.Loius Pierre - phụ trách chăm sóc thực vật của vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ) sang làm giám đốc vườn. Sau hơn 150 năm tồn tại, hiện nay, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bon sai... và đang được bổ sung thêm.
Khởi đầu là một tháp nước đặt tại Công trường Maréchal Joffre nhằm cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng, Hồ Con Rùa (quận 3) nay là điểm tham quan của nhiều bạn trẻ, du khách trong và ngoài nước. Vào những năm 1965-1967, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cho xây dựng một một vòng xoay giao thông, được trang trí cây xanh và hồ phun nước hình bát giác với 4 đường đi bộ xoắn ốc hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim có đỡ trên lưng bia đá lớn. Do đó mới có tên gọi dân gian là Hồ Con Rùa. Năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ, nhưng người dân vẫn quen tên gọi trên.
Trụ sở UBND TP HCM là tòa nhà được xây dựng năm 1898-1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên là Dinh Xã Tây, trước năm 1975 gọi là Tòa đô chánh, hiện nay đây là nơi làm việc của UBND TP HCM, nằm ngay đầu đường Nguyễn Huệ, quận 1.
Nhà hát Lớn TP HCM (quận 1) là một công trình kiến trúc đặc biệt, mang đậm phong cách Gothique thịnh hành tại Pháp cuối thế kỷ 19. Công trình do nhóm kiến trúc sư người Pháp là Félix Olivier, Eugène Ferret và Ernest Guichard thiết kế và xây dựng từ năm 1898. Nét đặc trưng của công trình này là sự phối hợp khéo léo giữa kiến trúc và điêu khắc. Đặc biệt, toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất của nhà hát đều do một họa sĩ tên tuổi người Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19.
Bến Nhà Rồng nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh, khởi đầu là một thương cảng lớn nằm trên sông Sài Gòn. Công trình được xây dựng vào năm 1862 - 1864, trên khu vực gần cầu Khánh Hội, nay thuộc quận 4. Theo ghi chép của cố học giả Vương Hồng Sển, nơi đây từng là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng Đế (Messageries Impériales) và trên nóc tòa nhà này có gắn đôi rồng bằng đất sét nung tráng men xanh theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt". Với kiến trúc độc đáo đó nên tòa nhà được gọi là Nhà Rồng.
Bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, cầu Mống nối liền quận 1 và quận 4 và là một trong những cây cầu cổ xưa nhất Sài Gòn. Cầu do hãng vận tải Hải Dương Messageries Maritimes (Pháp) xây dựng vào năm 1893 -1894. Theo nguyên bản, cầu Mống có màu đen, dùng cho cả người đi bộ và xe cơ giới. Trong quá trình thi công đại lộ Đông Tây và đường hầm sông Sài Gòn, cầu được tháo dỡ hoàn toàn. Sau đó, cầu được lắp ghép lại theo nguyên bản nhưng các đường dẫn lên cầu bị phá bỏ và thay thế bằng bậc tam cấp dành cho người đi bộ tham quan.
Thành Nguyễn (Tổng hợp tư liệu)