Đấy là một chiến dịch môi trường nhỏ mà ý nghĩa: ngày 23 tháng Chạp người ta thả cá hay tiện tay vứt luôn túi xuống sông.
Lần đầu tiên đi qua, tôi thấy thú vị và vui thầm vì thanh niên bây giờ vẫn nhiều người lý tưởng quá. Nhưng đến khi quay về, vẫn thấy các bạn đứng đấy, bỗng dưng xót xa.
Các bạn trẻ đứng đội nắng làm “bia người”, chắc là nhịn cả cơm trưa, để giăng cái biểu ngữ nguệch ngoạc mà đầy ý nghĩa. Còn những cái biểu ngữ in bằng tiền thuế, treo to đẹp ở chỗ trang trọng, lại thường xuyên tỏ ra vô nghĩa.
Tháng trước mới có “Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ”. Bạn sẽ bắt gặp những biểu ngữ bắt đầu bằng chữ “Hưởng ứng tuần lễ...” ở khắp nơi. Và bạn có thể tự hỏi rằng rốt cục thì chúng ta sẽ “hưởng ứng” tuần lễ này như thế nào, những hành động cần phải làm là gì, và nếu như bạn chưa biết, thì rốt cục tấm biểu ngữ này có giá trị thông tin gì?
Khắp mọi nơi, khắp mọi dịp, người ta giăng lên các biểu ngữ. Nhưng những cái biểu ngữ vừa to vừa khó hiểu ở ta không cho người đọc biết tý gì về cái đang được tuyên truyền. “Phòng chống cháy nổ” hay “An toàn giao thông” thật ra là cái gì vẫn cần giải thích cụ thể , chứ đừng nói tới các nghị quyết, thứ rất hay được “hưởng ứng” bằng biểu ngữ. Ví như, biểu ngữ: Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết... ở nhiều huyện, tỉnh khắp cả nước.
Bạn sẽ tự hỏi các nghị quyết hay luật mới ở nước ngoài khi cần “hưởng ứng” thì họ sẽ dùng các biểu ngữ như thế nào. Thì đây: khi Đạo luật An sinh xã hội ở Mỹ được ký, người ta dán trên đường phố những tấm poster với nội dung rất rõ ràng. Một tấm in hình bà mẹ và trẻ nhỏ, kèm dòng mô tả: “Khi người lao động đã đóng bảo hiểm qua đời, vợ và con họ sẽ được nhận trợ cấp đến khi đứa trẻ 18 tuổi”. Phía dưới in chữ nhỏ: “Thông tin xin liên hệ Ủy ban an sinh xã hội gần nhất”. Một tấm khác, lại có hình người già, cùng với một nội dung khác của đạo luật về trợ cấp người cao tuổi. Cứ thế, đạo luật được bóc tách ra thành những thông tin đơn giản, rồi giăng trên phố.
Đạo luật ấy được ký năm 1935. Chiến dịch truyền thông kiểu ấy được thực hiện năm 1935. Đến bây giờ, cách làm của họ vẫn như thế: nêu ra những thông tin cốt yếu, đưa ra lợi ích, ra cách thực hiện, thay vì nêu ra một cái tên thật kêu rồi bắt người ta “hưởng ứng”.
Nếu họ học cách truyền thông của ta ở năm 2014 này thì rốt cục sẽ có rất nhiều biểu ngữ to, ở trên có dòng: “Toàn dân đoàn kết đưa Luật An sinh xã hội vào đời sống”. Luật an sinh xã hội ra sao thì tự đi mà tìm kiếm trên Google.
So với cách làm ấy, thì rõ ràng là những tấm biểu ngữ trên cầu Long Biên ngày 23 tháng Chạp hiệu quả hơn nhiều so với những câu “Xanh - Sạch - Đẹp” đã nói thành sáo mòn bây giờ vẫn đầy trên phố.
Những biểu ngữ chung chung đã được giăng lên trên phố một cách cẩu thả, lâu đến mức ăn vào tiềm thức. Cách đây không lâu trên mạng người ta chuyền tay nhau bức ảnh chụp một biểu ngữ “Nhiệt liệt tham gia uống thuốc tẩy giun”, ở trước nhà văn hóa của một thôn.
Sự vô nghĩa trong thông tin được đẩy cao hết mức khi các cán bộ tuyên truyền liên tục phải “hưởng ứng” một thứ chung chung trong vài thập kỷ. “An toàn là bạn, Tai nạn là thù"; “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà” - không biết là bao nhiêu đồng tiền thuế đã được chi để in những thông tin mang tính khai trí thế này.
Chuyện của những biểu ngữ chỉ là một phần nhỏ trong trách nhiệm của những người tiêu tiền thuế của dân, nhưng chính vì là việc nhỏ này sẽ khiến người ta hoài nghi về cả những việc lớn.
Chẳng biết liệu có lúc nào người ta sẽ dùng tiền thuế để in biểu ngữ: “An toàn giao thông là giao thông an toàn” hay “An toàn giao thông là nhiệt liệt hưởng ứng đèn tín hiệu” không?
Minh Anh