Mặt khác, Sở Giao thông Công chính và các sở, ngành có liên quan sẽ tiến hành điều tra cơ bản, xác định rõ số hộ dân sống trong vùng bán kính giải tỏa (vùng đệm) của bãi rác Gò Cát và tính toán phương án, kinh phí giải tỏa theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Riêng việc xử lý 200.000 m3 nước rỉ rác còn tồn đọng ở Đông Thạnh, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở KHCN&MT cần nghiên cứu chế độ xả nước rỉ rác sau xử lý tại hồ số 8A, 8B; đồng thời chứng minh chế độ xả và nước xả đảm bảo quy định về môi trường. Khi nghiên cứu có kết luận được Hội đồng Khoa học Kỹ thuật thành phố đồng ý mới cho thực hiện.
Cùng ngày, tại Văn phòng Hiệp hội Công thương TP HCM đã có cuộc họp đóng góp ý kiến về “Dự án thu gom - vận chuyển và xử lý rác bằng đường thủy” do Công ty TNHH Duhaco - là thành viên của Hiệp hội Xây dựng TPHCM - và một số đơn vị tổ chức. Theo trình bày của chủ dự án, đây là biện pháp góp phần giải quyết việc tồn ứ rác, ô nhiễm môi trường với chi phí thấp, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong vận tải rác, xóa được các bô rác trung chuyển trong nội thành, chỉ xử lý tập trung tại một điểm, đặt tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh khu vực cuối nguồn nước, ít dân cư... diện tích khoảng 500-700 ha.
Ông Trần Hồi Sinh, Phó ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND thành phố, đánh giá: "Đây là giải pháp kinh tế có nhiều khả năng tin cậy được, phù hợp với đường lối, chính sách của nhà nước trong vấn đề phát huy nội lực giải quyết các công trình dự án dân sinh phúc lợi".
Theo kế hoạch, ngày 13/11, UBND TP HCM sẽ làm việc cùng Sở Giao thông Công chính và các ban ngành liên quan nhằm giải quyết tình trạng quá tải về rác và chủ trương phát triển các công trường xử lý rác mới ở quận 2, 7, Thủ Đức, Đa Phước và Củ Chi.
(Theo NLĐ)