John Carreyrou - phóng viên của Wall Street Journal vừa ra mắt cuốn sách “Bad Blood: Secrets and Lies in a Silicon Valley Startup” về sự thăng tiến thần tốc của hãng xét nghiệm máu Theranos và sự sụp đổ sau này khi bị phát hiện gian dối. Ông tiết lộ cả những bí mật về CEO kiêm nhà sáng lập - Elizabeth Holmes. Carreyrou đã phỏng vấn hơn 150 người, trong đó có hơn 60 cựu nhân viên công ty này.
Từng là startup được định giá tới 9 tỷ USD, giúp Holmes thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2015 với tài sản 4,5 tỷ USD, cả Theranos và Holmes giờ đều không còn gì. Dù huy động được hơn 700 triệu USD từ các nhà đầu tư, và Holmes đã dàn xếp cáo buộc “lừa đảo quy mô lớn” với giới chức Mỹ hồi tháng 3, hãng này vẫn đang trên bờ vực phá sản. Holmes đã phải trả khoản phạt 500.000 USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) và chấp nhận lệnh cấm lãnh đạo một công ty niêm yết trong 10 năm tới.
Theo CNBC, dưới đây là những tiết lộ đáng chú ý nhất trong cuốn sách của John Carreyrou.
1. Elizabeth Holmes bị ám ảnh bởi Steve Jobs và Apple
Trong cuốn sách, Carreyrou viết: “Ai tiếp xúc với Elizabeth đều thấy rõ ràng là cô ấy tôn thời Jobs và Apple”. Holmes đã tuyển vài cựu nhân viên Apple, một phần vì mối quan hệ của họ với Táo Khuyết. Cô cũng thích gọi thiết bị thử máu của Theranos là “iPod của ngành chăm sóc sức khỏe”.
Cuốn sách cũng cho biết Holmes có vẻ còn muốn tạo ra khí chất như Jobs. Cô mặc áo đen cổ lọ gần như mọi ngày, bắt chước phong cách của Jobs.
Sau khi Jobs qua đời năm 2011, Holmes còn bắt đầu copy phong cách quản lý của ông, học từ cuốn tự truyện về Jobs của Walter Isaacson. Carreyrou viết rằng các nhân viên Theranos “đều đọc cuốn sách đó và có thể chỉ ra cô ấy đang áp dụng cách quản lý trong giai đoạn nào, ở chương nào”.
2. Các nhân viên nghi ngờ bị giám sát
Carreyrou cho biết một số nhân viên Theranos nghi ngờ nhóm IT của công ty theo dõi họ và báo lại cho Holmes các hoạt động trên máy tính của mình. Thậm chí, “các trợ lý văn phòng của Holmes còn kết bạn với nhân viên khác trên Facebook và nói với cô họ đăng gì trên đó”.
3. Holmes gọi thiết bị miniLab của Theranos là “thứ quan trọng nhất loài người từng tạo ra”
Tại tiệc Giáng sinh của công ty năm 2011, Holmes đã ca ngợi miniLab - loại máy có thể di chuyển, chẩn đoán nhiều loại bệnh chỉ với vài giọt máu. Tuy nhiên, phải đến năm 2016, nó mới được giới thiệu với công chúng, sau khi công ty bị buộc xem lại kết quả xét nghiệm suốt 2 năm từ thiết bị thử máu trước đó - Edison - vì không chính xác.
4. Holmes muốn nhân viên trung thành và có thể đổi thái độ ngay lập tức
Carreyrou viết rằng Holmes “đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối từ nhân viên của mình, và nếu phát hiện ai không trung thành nữa, cô ấy có thể quay ngoắt thái độ”. Một cựu nhân viên Theranos cho Carreyrou biết rằng anh từng giúp Holmes chấm dứt hợp đồng với một số đồng nghiệp. Một lần, Holmes đã dùng lý do “tìm thấy các tài liệu không đứng đắn” trên laptop một nhân viên để giải thích cho việc sa thải anh này.
Sunny Balwani - cựu giám đốc của Theranos, cũng là bạn trai Holmes, có yêu cầu tương tự về lòng trung thành. Sau một đợt từ chức trong công ty, Balwani đã gọi tất cả nhân viên vào phòng họp và nói với họ: “Bất kỳ ai không sẵn sàng cống hiến hoàn toàn và trung thành tuyệt đối với công ty thì nên biến khỏi đây”.
5. Holmes từng cố nhờ Rupert Murdoch gỡ các bài viết trên Wall Street Journal về Theranos
Năm 2015, Murdoch dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư đổ 125 triệu USD vào Theranos và trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại đây. Vì vậy, khi Holmes phát hiện Wall Street Journal đang điều tra mình, cô đã tìm đến ông trùm truyền thông này.
Wall Street Journal là tờ báo thuộc đế chế của Murdoch. Cô muốn nhờ ông tác động không đăng bài báo về công ty, với lý do “thông tin sai lệch và sẽ ảnh hưởng lớn đến Theranos nếu được đăng. Tuy nhiên, Murdoch đã từ chối và nói rằng ông tin tưởng các biên tập viên của WSJ đang xử lý công bằng”.
Hà Thu (theo CNBC)