Thứ ba, 15/7/2025
Thứ tư, 31/7/2013, 02:00 (GMT+7)

Những bí mật của đồng đôla

Tuổi thọ của một tờ tiền giấy chỉ là 18 tháng, Benjamin Franklin là người duy nhất không phải tổng thống Mỹ xuất hiện trên đồng USD, và 95% tiền được in mới chỉ để bù lại số USD chảy ra nước ngoài.

1. Tiền xu có răng cưa để tránh bị làm giả

Từ thời Mỹ còn là thuộc địa, những đồng xu được làm hoàn toàn từ vàng và bạc. 10 xu đôla vàng được tạo thành từ số vàng trị giá tương đương. Vì thế, những kẻ lừa đảo thường cạo viền các đồng xu. Nếu làm khéo, chúng sẽ không bị các thương nhân phát hiện ra sự khác biệt về kích cỡ. Sau đó, những kẻ này sẽ dùng số kim loại cạo được để làm thành các đồng xu khác.

Ngày nay, ngoài chức năng chống làm giả, những đường viền này còn để giúp người khiếm thị nhận biết các loại tiền. Có tổng cộng 119 đường rãnh trên đồng 25 cent của Mỹ.

2. Tuổi thọ của một tờ tiền giấy chỉ là 18 tháng

Đồng đôla được lưu hành phổ biến nhất tại Mỹ là 1 USD, chiếm 48% tổng số tiền được in bởi Cục in ấn Mỹ. Tuy nhiên, một tờ tiền chỉ tồn tại được khoảng 18 tháng là nhàu, rách và phải thay thế. Năm 2010, Mỹ phát hành 1,86 tỷ tờ 1 USD. Nếu có một triệu tờ, chúng sẽ nặng khoảng 925 kg.

3. Tổng thống còn sống không được xuất hiện trên tiền

Theo hiến pháp từ thời Cách mạng Mỹ, những người còn sống không được phép có mặt trên xu đôla. Việc này để tuyên bố Mỹ không phải nước theo chế độ quân chủ, đưa hình vua cai trị lên đồng xu của quốc gia. Tuy nhiên, họ cũng có ngoại lệ. Chân dung Tổng thống Calvin Coolidge đã được khắc lên một đồng xu để kỷ niệm 150 Quốc khánh Mỹ năm 1926.

4. Người phụ nữ đầu tiên xuất hiện trên xu Mỹ không phải người Mỹ

Có rất nhiều phụ nữ từng được khắc lên xu đôla Mỹ. Tuy nhiên, người đầu tiên lại là nữ hoàng Tây Ban Nha - Isabella. Bà xuất hiện trên một xồng xu kỷ niệm năm 1893. Còn người đầu tiên được in lên tiền giấy là Đệ nhất phu nhân Mỹ - Martha Washington. Chân dung của bà nằm trên tờ chứng chỉ bạc 1 USD giai đoạn 1886 - 1891.

5. Cục In ấn không phải nơi duy nhất sản xuất tiền tại Mỹ

Nếu bạn đã từng đến các công viên của Walt Disney, bạn sẽ phải dùng tiền Disney. Nhiều trường đại học cũng sản xuất tiền riêng cho sinh viên. Thậm chí, một số cộng đồng nhỏ như thành phố Ithaca (New York) cũng có tiền địa phương.

Việc này nhằm đẩy mạnh chi tiêu trong cộng đồng doanh nghiệp nhỏ. Mọi người sẽ phải đổi USD lấy đôla địa phương để tiêu dùng, từ đó làm tăng giá trị các đồng tiền này.

6. Benjamin Franklin là người duy nhất không phải tổng thống Mỹ xuất hiện trên đồng USD

Đồng tiền mệnh giá cao nhất hiện được lưu hành tại Mỹ là tờ 100 USD. Đây cũng là tờ tiền duy nhất không có chân dung của một tổng thống Mỹ. Thay vào đó là Benjamin Franklin - người có công khai sinh ra nước này.

7. Bị làm giả nhiều nhất là 20 USD

Tại Mỹ, tờ tiền bị làm giả nhiều nhất là 20 USD, sau đó đến 100 USD. Còn ở nước ngoài, tờ 100 USD mới là phổ biến nhất. Theo Sở Mật vụ Mỹ, cho đến năm 2005, họ đã bắt được 37,9 triệu USD tiền giả trên thế giới. Tiền xu cũng vẫn bị làm giả, nhưng chủ yếu là xu hiếm và giá trị cao.

8. 95% tiền được in mới chỉ để bù lại số đã chảy ra nước ngoài

Cục In ấn Mỹ in khoảng 37 tờ tiền mỗi ngày, tương đương 696 triệu USD. Tuy nhiên, số này không hoàn toàn là tiền mới. 95% được in ra chỉ để bù lại số USD đã chảy ra nước ngoài. USD hiện là đồng tiền được giao dịch phổ biến nhất trên thế giới.

9. Đồng USD có rất nhiều vi khuẩn

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Ballarat (Australia), các nhà khoa học đã lấy mẫu từ 1.200 tờ USD trên khắp thế giới. Họ phát hiện ra tại Mỹ, tờ đôla sạch nhất chứa 20 con vi khuẩn, còn tờ bẩn nhất có tới 25.000 con. Dĩ nhiên, phần lớn vi khuẩn trên các tờ tiền là vô hại. Nhưng theo họ, tốt nhất, mọi người vẫn nên rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với tiền.

Mỹ bắt đầu sản xuất tiền năm 1792 dưới dạng xu. Thời đó, tiền được làm từ các kim loại quý và thật sự có giá trị. Phải đến năm 1862, trong thời kỳ Nội chiến, Bộ Tài chính Mỹ mới phát hành tiền giấy cotton. Sau đây là những bí mật thú vị về đôla Mỹ trong lịch sử hàng trăm năm qua trên Business Insider.

Thùy Linh