Hồi tháng 2, Kim Ji-seon, 29 tuổi, một nhân viên văn phòng ở Busan đang lên kế hoạch cho đám cưới dự kiến diễn ra vào tháng 6. Cô gái không có kế hoạch gì "đen tối" ngoài việc đi gặp gỡ các hội viên giáo hội mà cô tham gia để tổ chức một chương trình cho các thanh niên. Nhưng bê bối bắt đầu xuất hiện khi Kim tới một chung cư nằm bên bờ biển và mắc Covid-19 sau đó.
Toàn bộ chi tiết về cuộc sống của cô đã trở thành "miếng mồi ngon" cho nạn xuyên tạc và bắt nạt trên mạng - một vấn nạn ngày càng trầm trọng ở Hàn Quốc. Chuyện này càng "nở rộ" sau khi chính phủ Hàn sử dụng công nghệ số để tìm kiếm những người dương tính với nCoV.
Thông qua các công nghệ số, thông tin cá nhân và riêng tư của Kim như tuổi, giới tính, giáo hội và một số địa điểm cô gái này tới thăm... đã được công khai. Dựa vào điều này, nhiều người cáo buộc Kim tham gia một giáo phái mờ ám. Thậm chí họ còn đối chiếu lịch trình của cô với một thành viên giáo hội khác và kết luận rằng cô đã phản bội người chồng sắp cưới của mình.
Kim kể lại tâm trạng của mình lúc đó: "Tại sao họ có thể lấy một người đang phải giành giật sự sống ra làm trò đùa chứ? Nhưng vì đang nằm trên giường bệnh tôi chẳng thể làm gì được".
Hàn Quốc đã khá thành công trong việc tìm kiếm những người dương tính với nCoV bằng việc sử dụng dữ liệu từ camera giám sát, điện thoại thông minh và các giao dịch thẻ tín dụng. Nhưng điều đó cũng vô tình cung cấp thông tin "nuôi dưỡng" nạn xuyên tạc và bắt nạt trên mạng. Sau đó, giới chức Hàn đã giảm bớt việc chia sẻ thông tin cá nhân dù người dân chưa phản ứng quá gay gắt về vấn đề quyền riêng tư.
"Có vẻ người dân cho rằng trong thời kì dịch bệnh, họ có thể hy sinh thông tin riêng tư vì sức khỏe của cộng đồng", giáo sư Park Kyung-sin của Đại học Luật Hàn Quốc nhận xét. Nhưng giống như Kim Ji-seon, nhiều người Hàn đã phải trả giá vì thông tin riêng tư bị chia sẻ.
Những kẻ bắt nạt trên mạng gọi cô là "máy bay bà già", ám chỉ cô dùng tình dục để quyến rũ người đàn ông trẻ tuổi hơn mình. Một số người khác thì bình luận nếu cô mang thai thì đứa trẻ sẽ cần được đi xét nghiệm ADN. Các quan chức chính quyền Busan tìm cách chấm dứt các tin đồn thất thiệt này nhưng chúng vẫn tràn lan trên mạng. Sau khi ra viện, Kim yêu cầu một loạt trang web dỡ bỏ các thông tin giả mạo. Nhưng sau khi ra sức tìm kiếm, Kim quyết định từ bỏ. "Có quá nhiều trang web nên tôi không muốn tiếp tục được nữa", cô tâm sự.
Trong những tháng đầu của đại dịch, cổng thông tin của chính phủ Hàn Quốc đăng tải thông tin chi tiết về lịch trình sinh hoạt hàng ngày của mỗi người nghi nhiễm cho tới khi họ được khẳng định đã nhiễm virus và đưa đi cách ly. Mặc dù chính quyền không tiết lộ tên của các bệnh nhân nhưng đôi khi họ lại tiết lộ những thông tin như địa chỉ nhà hay công ty nơi các bệnh nhân đó làm việc. Những thông tin đó sau khi được công bố sẽ trở thành công cụ cho những kẻ chuyên bắt nạt trên mạng.
Ở Hàn Quốc, tình trạng đào bới và tung tin ác ý nhằm vào cá nhân ngày càng trở nên nghiêm trọng và được cho là nguyên nhân khiến nhiều ngôi sao K-pop tự tử. Những nhà hàng nơi các bệnh nhân Covid-19 từng tới ăn uống bị người dân "tránh như hủi". Một bệnh nhân nữ thường xuyên tới các quán karaoke liền bị cư dân mạng gán mác gái bán dâm. Những người đồng tính thì lo sợ bị hắt hủi sau khi một ổ dịch xuất hiện ở câu lạc bộ đồng tính ở Seoul vào tháng 5. Sau đó chính quyền đã cam kết sẽ giữ bí mật danh tính của các bệnh nhân này.
Những tin đồn thất thiệt thường rất dai dằng. Ví dụ như những tin đồn về mối quan hệ giữa Kim Ji-seon với một hội viên giáo hội trẻ xuất hiện từ tháng 2 nhưng vẫn lan truyền đến tận bây giờ. Còn Kim Dong-hyun, hội viên bị đồn là có quan hệ tình cảm với Ji-seon, cho biết bạn gái anh vừa bị người khác hỏi thăm, còn anh bị coi là "gã đàn ông bỉ ổi đầy tai tiếng" của giáo hội.
"Tôi thấy ngạc nhiên tại sao các tin đồn lại dai dẳng đến vậy. Trước đây tôi đã từng tự hỏi tại sao các ngôi sao trong ngành công nghiệp giải trí lại tự tử sau khi trở thành nạn nhân bị bắt nạt trên mạng. Giờ thì tôi đã hiểu", Kim Dong-hyun chia sẻ.
Trước tình trạng tin đồn thất thiệt gia tăng, chính phủ Hàn giảm công khai các thông tin về người nhiễm Covid-19. Chính quyền không còn công bố tuổi, giới tính, quốc tịch hay nơi làm việc của bệnh nhân đồng thời không tiết lộ những địa điểm người nhiễm đã tới nếu đã xác định được hết tất cả những người mà bệnh nhân đó đã tiếp xúc. Ngoài ra, sau hai tuần chính quyền sẽ xóa bỏ các thông tin đã được công bố về bệnh nhân.
Đối với nhiều người Hàn Quốc, bị dư luận sỉ nhục còn đáng sợ hơn bị nhiễm Covid-19. Mặc dù Kim Dong-hyun và các bạn của anh cho biết họ hiểu rằng việc công khai thông tin về người nhiễm Covid-19 là cần thiết nhưng những người nhiễm virus này cũng đối mặt với gánh nặng về mặt xã hội. Trong trường hợp của Kim Dong-hyun, chính quyền đã tạm thời đóng cửa công ty nơi anh làm việc và các đồng nghiệp của anh phải đi cách ly.
Anh cho biết cảm giác tội lỗi vì điều đó "còn nặng nề hơn nỗi đau thể xác do Covid-19 gây nên".
Cả Kim Ji-seon và Kim Dong-hyun đều là hội viên của giáo hội trưởng lão Onchun. Một số thành viên đã tới khu chung cư bên bờ biển ở Busan vào tháng 2 để tổ chức các hoạt động của giáo hội. Nhưng một số cư dân mạng đã nhầm lẫn họ với Shincheonji (Tân Thiên Địa), một giáo hội đầy tai tiếng vì là ổ dịch Covid-19.
Hồi tháng 6, Kim Ji-seon và 20 hội viên của giáo hội từng bị nhiễm Covid-19 đã tình nguyện hiến huyết tương để giúp cứu sống các bệnh nhân khác. "Chúng tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới những y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa chúng tôi", Kim Chang-yeon, chồng của Kim Ji-seon, chia sẻ.
Cũng trong tháng 6, Kim Ji-seon và Kim Chang-yeon kết hôn. Tại đám cưới, các khách mời đeo khẩu trang, găng tay và giữ giãn cách xã hội. Cặp đôi đã hủy tuần trăng mật tại Thái Lan và dành 3 ngày tại một khách sạn ở Hàn Quốc.
Có một sự kiện đặc biệt diễn ra trong hôn lễ của Kim Ji-seon: Kim Dong-hyun, "người tình tin đồn" của Ji-seon đã cùng chú rể hát và nhảy để chúc mừng cô dâu.
"Tôi muốn chứng minh cho những người phát tán tin đồn thất thiệt rằng tình bạn của chúng tôi không giống như những gì họ nghĩ", Kim Dong-hyun nói.
Khánh Ngọc (Theo New York Times)