Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và các lãnh đạo khác vừa bị khởi tố vì hành vi gian dối trong việc sử dụng các công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định. Việc này, theo cơ quan điều tra, có "mục đích huy động tiền của các nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành".
Những thông tin của các bên liên quan công bố gần đây cho thấy thương vụ phát hành hơn 10.000 tỷ đồng này có nhiều điểm bất thường, đặc biệt là cách dòng tiền di chuyển.
Các công ty thành viên của Tân Hoàng Minh thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ huy động hơn 10.000 tỷ đồng nhưng trong đó có một đợt chào bán 1.900 tỷ chưa được công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Về mục đích, toàn bộ các đợt phát hành đều được sử dụng để đầu tư chéo vào các công ty thành viên khác trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh, thay vì huy động vốn cho công ty trực tiếp chào bán trái phiếu. Có những đợt phát hành còn dùng để mua cổ phần từ chính Chủ tịch Tân Hoàng Minh và người thân.
Lô trái phiếu 800 tỷ đồng do Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi sao (Vietstar) hoàn tất đầu tháng 7/2021 được dùng để mua hơn 3 triệu cổ phiếu của Công ty Đầu tư Phát triển và Thương mại Việt Tiến, tương ứng mức định giá hơn 260.000 đồng mỗi cổ phần.
Công ty này lại là một mắt xích trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh. Cuối năm 2017, ông Đỗ Anh Dũng trở thành tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Việt Tiến. Ông Dũng cùng hai người con trai cũng sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp này.
Hai đợt phát hành của Công ty Cung điện Mùa đông và ba đợt phát hành của Công ty Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, với tổng quy mô 2.200 tỷ đồng, được dùng để hợp tác đầu tư và kinh doanh với Công ty Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc. Tương tự Việt Tiến, công ty này cũng nằm trong hệ sinh thái liên quan Tân Hoàng Minh. Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật của Hoàng Hải Phú Quốc là ông Đỗ Hoàng Việt, con trai ông Dũng.
Việc huy động vốn để đầu tư vào các công ty trong cùng hệ sinh thái không phải chuyện mới, nhưng bất thường là bên mua trái phiếu, tức trái chủ, lại chính là Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Báo cáo kết quả phát hành trái phiếu gửi HNX của các công ty này không đề cập danh tính bên mua. Tuy nhiên, phần công bố thông tin của các bên liên quan sau khi 9 đợt chào bán bị hủy bỏ đã tiết lộ những chi tiết phía sau.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty chứng khoán An Bình (ABS), bên mua hai lô trái phiếu của Vietstar và Dịch vụ khách sạn Soleil với quy mô 1.600 tỷ đồng là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh. Nói cách khác, các công ty thành viên của Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu cho chính tập đoàn. Dòng vốn từ các thương vụ này, nếu nhìn từ kênh sơ cấp, chỉ đi lòng vòng trong nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh.
Trên phương diện tài chính, động thái này khó lý giải. Thực hiện các đợt phát hành trái phiếu với nhiều thủ tục, chịu chi phí cho các bên liên quan như tư vấn, quản lý tài sản, nhưng lại chỉ để điều chuyển vốn lòng vòng nội bộ.
Tuy nhiên, kết quả thực tế của các thương vụ phát hành trái phiếu không dừng ở vòng tròn luẩn quẩn giữa các công ty trong hệ sinh thái. Thay vì đó, dưới danh nghĩa hợp tác đầu tư, số trái phiếu này được đẩy ra thị trường cho các nhà đầu tư cá nhân.
Nghị định 153 quy định, trái phiếu riêng lẻ không được phát hành cho nhà đầu tư cá nhân thông thường mà chỉ được chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. "Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" được định danh là những người có giá trị thị trường các danh mục chứng khoán đầu tư trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên. Quy định này nhằm giới hạn việc tham gia mua các đợt chào bán riêng lẻ phải là những nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và khả năng đánh giá về mức độ rủi ro. Việc đã có quy định giới hạn này cũng là lý do quy trình phát hành riêng lẻ "dễ thở" hơn so với phát hành ra công chúng.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp, như Tân Hoàng Minh, tìm cách "lách luật", nhằm tiếp cận nhiều khách hàng hơn giống chào bán ra công chúng nhưng với quy trình đơn giản của phát hành riêng lẻ.
Lời mời chào mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh xuất hiện trên nhiều hội nhóm, mạng xã hội. Một số nhà đầu tư cá nhân cho biết, nhân viên tư vấn nói rằng, chỉ với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên, bất kỳ ai cũng có thể mua trái phiếu phát hành riêng lẻ. Người mua sẽ tham gia hợp đồng gọi là "Hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh", cũng chính là trái chủ những đợt phát hành hàng nghìn tỷ đồng. Lãi suất được đảm bảo ở mức 12% trong điều kiện đầu tư 24 tháng.
Trong trường hợp nhà đầu tư muốn trực tiếp đứng tên trái chủ, họ có thể hỗ trợ "lo giúp" chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp cho khách hàng.
Theo trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội, việc phát hành trái phiếu nhưng dùng thủ thuật "lách" quy định này đã làm lệch mục tiêu của cơ quan quản lý trong việc sắp xếp thị trường. Kênh phát hành riêng lẻ, với những bước thực hiện đơn giản hơn, dành cho những nhà đầu tư có kinh nghiệm, có khả năng đánh giá mức độ rủi ro, thì nay được đẩy về những nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm, và hấp dẫn họ bằng lãi suất cao.
Điều này khiến việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thực tế không phân biệt được thế nào là trái chủ, góp vốn hay ủy thác đầu tư. Họ đầu tư vì cam kết lãi suất cao và sự giới thiệu về quy mô của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Trái chủ là người cho bên phát hành vay tiền, được nhận các khoản thanh toán không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và được nhận gốc khi đáo hạn. Trong khi đó, việc góp vốn hay ủy thác đầu tư là thỏa thuận hai bên, trong đó bên ủy thác giao cho bên nhận ủy thác thay mặt thực hiện đầu tư.
Tình huống này cũng dẫn tới sự phức tạp về vấn đề thanh toán, vì nhiều người mua trái phiếu thực chất không phải trái chủ. Với 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh bị hủy bỏ, những người cầm hợp đồng hợp tác đầu tư không trong diện được hoàn trả tiền. Nếu muốn nhận lại khoản đầu tư, điều này phụ thuộc vào những điều khoản trong hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký với Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Dù đứng tên một loạt các lô trái phiếu, tình hình tài chính của tập đoàn này cũng không quá khả quan.
Cuối năm 2020, Tập đoàn Tân Hoàng Minh ghi nhận quy mô tổng tài sản riêng công ty mẹ hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, đối ứng phần nguồn vốn gồm 6.932 tỷ vốn chủ sở hữu và hơn 13.100 tỷ đồng nợ phải trả.
Kết quả kinh doanh của Tân Hoàng Minh cũng không tích cực. Năm 2018, doanh nghiệp này đạt hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu thuần, với lãi ròng gần 104 tỷ. Năm 2019, doanh thu của Tân Hoàng Minh giảm còn 474 tỷ, với lãi ròng thu hẹp chỉ hơn 20 tỷ đồng. Kết quả tiêu cực hơn trong năm 2020 khi tập đoàn này báo lỗ tới 2.480 tỷ đồng.
Ngoài trái phiếu, thực tế cách thức sử dụng các hợp đồng đầu tư, mua bán chéo giữa các công ty thành viên cũng được Tân Hoàng Minh dùng để tiếp cận dòng vốn ngân hàng.
Một ngân hàng cũng vừa rao bán khoản nợ của Công ty Hạ tầng Cảnh quan Green - Art. Khoản vay này được đảm bảo bằng toàn bộ quyền tài sản, và lợi ích phát sinh từ hợp đồng mua bán 45 căn hộ tại dự án D'. Palais de Louis do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.
Green - Art được thành lập từ tháng 3/2019, do ông Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Đỗ Anh Dũng) giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, ông Việt cũng là cổ đông lớn nhất tại đây với tỷ lệ sở hữu 80% vốn. Như vậy, công ty liên quan tới Tân Hoàng Minh, mua một phần dự án của tập đoàn này để mang đi thế chấp vay ngân hàng.
Giao dịch mới cách thức này cũng không phải duy nhất. Nhiều công ty khác trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh cũng ký các hợp đồng tương tự, cho thuê, mua bán bất động sản chéo với nhau rồi dùng chính các hợp đồng này để thế chấp, vay vốn.
Minh Sơn