Thứ sáu, 6/12/2024
Thứ tư, 1/2/2023, 12:45 (GMT+7)

Những bảo vật quốc gia mới được công nhận

Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, xe tăng T59 diệt 7 tăng địch trong một trận đánh, súng thần công thời Lê Trung hưng... là các bảo vật quốc gia được công nhận ngày 30/1.

Tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 (trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được nặn trực tiếp, phác họa từ nguyên mẫu.

Tháng 5/1946, để chuẩn bị triển lãm mỹ thuật nhân kỷ niệm một năm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Hội Văn hóa Cứu quốc cử họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Thị Kim đến Bắc Bộ phủ vẽ và nặn tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tượng được nặn bằng đất sét, sau đó đổ khuôn thạch cao để làm khuôn đúc đồng. Sau triển lãm, tượng được đặt ở tòa báo Sự thật, số 114 phố Bạch Mai, Hà Nội.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tòa báo Sự thật rút khỏi Hà Nội. Để bức tượng không lọt vào tay quân Pháp, chồng bà Kim đào hầm ngay dưới gầm bàn thờ họ của gia đình để chôn giấu. Sau ngày giải phóng Thủ đô, gia đình họa sĩ đào bức tượng lên, lau rửa sạch sẽ, đặt trên bàn thờ phủ nhiễu đỏ.

Khi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam thành lập, năm 1959, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Kim tặng tượng cho bảo tàng.

Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) làm theo khổ chữ nhật, gồm hai tờ bạc mạ vàng cùng kích thước. Mặt trước và sau để trơn không trang trí, hai trang trong khắc minh văn gồm 254 chữ Hán.

Đây là kim sách Nguyễn Phúc Ánh tấn phong tôn hiệu cho mẹ đẻ Nguyễn Thị Ngọc Hoàn làm Quốc mẫu Vương Thái phi ngày 7/10/1796. Chúa Nguyễn dẫn đầu quan văn võ kính dâng sách vàng, ấn vàng.

Trước ngày 30/8/1945, trong buổi hội kiến chuẩn bị cho lễ thoái vị, vua Bảo Đại đã bàn giao toàn bộ tài sản của vương triều, trong đó có kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi cho chính quyền cách mạng.

Xe tăng T59, số hiệu 377 ở Kon Tum, từng tham gia trận đánh căn cứ E42 Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2 trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 1972.

Đây là xe tăng có hiệu suất chiến đấu cao nhất trong một trận đánh của lực lượng Tăng - Thiết giáp. Trong trận Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972), tăng 377 diệt 7 tăng địch. Trên mình tăng 377 có một vết đạn lõm sâu, dài, một lỗ xuyên thủng tháp pháo, hàng chục vết lõm, trầy xước do đạn pháo.

Súng thần công thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17, làm bằng hợp kim đồng, được phát hiện năm 2003, tại khu khảo số 18 Hoàng Diệu, Trung tâm hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Súng gồm bốn phần, miệng, thân, bầu và chuôi.

Các loại súng lớn thời phong kiến Việt Nam thường gọi là súng thần công, với ý nghĩa có sức mạnh thần linh. Năm 1826, vua Minh Mệnh cho lập miếu thờ thần Hỏa pháo ở kinh thành Huế, được xếp hàng trọng miếu. Trong dụ chỉ, vua nhấn mạnh "hỏa pháo rất quan hệ cho việc binh, có thần cai quản".

Bộ thành bậc thềm điện Kính Thiên, thời Lê Trung hưng, gồm hai bộ. Bộ thành của lối đi chính giữa gồm bốn bậc; thành bậc của lối đi phía sau bên trái.

Các thành bậc có cấu trúc và hoa văn giống nhau, gồm tượng rồng ở trên và họa tiết trang trí mặt ngoài. Rồng được chạm trong tư thế từ trên xuống dưới theo chiều dọc của bậc, đầu ngẩng cao, trán dô, má nhỏ, mũi sư tử, mắt tròn, tai thú, lưỡi ngắn, nanh nhọn, miệng ngậm ngọc, sừng dài có nhánh, bờm có bốn dải lượn hất ngược về phía sau, thân tròn mập có vảy, uốn bảy khúc hình sin, bụng có vây. Rồng có hai chân to, năm ngón chân nhiều đốt, năm móng sắc nhọn. Chân trước vươn lên nắm râu; chân sau ở tư thế gấp khuỷu đạp mạnh kéo thân trườn về phía trước. Khuỷu có lông dài, hình đao lửa chạy dài về phía sau.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện đời vua Lê Thánh Tông, trên núi Nùng, ngay nền cũ cung Càn Nguyên - Thiên An thời Lý, Trần. Ảnh: TTXVN

Trống đồng Tiên Nội 1 (Hà Nam), còn nguyên vẹn, trên mặt và thân bị vạch một vài đường chỉ nhỏ do người dân hiếu kỳ hồi phát hiện năm 1988. Toàn thân trống phủ lớp patine xanh rêu. Mặt trống có ngôi sao 12 cánh ở trung tâm và 11 vành hoa.

Trống cao 53 cm, đường kính mặt 68 cm. Nhiều hoa văn được trang trí trên trống như chim, cá, bồ nông, con người, tam giác, chữ V, rẻ quạt, hình tròn tiếp tuyến, đường tròn đồng tâm, hồi văn, đoạn thẳng song song, đoạn thẳng chéo nhau.

Trống Tiên Nội 1 ngoài chức năng nhạc khí còn biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo, dùng trong các lễ hội, trận chiến chống ngoại xâm.

Bia chùa Giàu (Hà Nam), làm bằng đá xanh nguyên khối. Tương truyền chùa Giàu được xây thời Trần, sau đó được tu bổ qua các thời kỳ lịch sử.

Mặt trước thân bia chạm khắc nổi theo dạng bức phù điêu chân dung vị Hoàng đế ngồi trên ngai rồng, tư thế chính diện, có vòng hào quang trên đầu, tay ngai chạm đầu rồng. Ngai rồng đặt trên tòa đài sen, các cánh sen uốn cong đối xứng.

Mặt sau bia khắc chữ Hán, ngoài cùng bên phải có tiêu đề Ngô gia thị bi (văn bia họ Ngô). Phần chính văn ghi việc một nhà sư đã xin Phật tam thế cho phép mình từ am Đại Long chuyển về tiểu am thôn Mai. Nhà sư mất tại đó năm 1305 đời vua Trần Nhân Tông.

Thạp đồng Kính Hoa, văn hóa Đông Sơn, thế kỷ 3-2 trước Công Nguyên, thuộc bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội). Thạp được đúc chủ yếu từ đồng, chì, thiếc, sắt.

Nắp thạp hình chỏm cầu lồi, có hai khuy chốt khóa (then cài) nhỏ, hình mui thuyền, đăng đối ở hai bên thành ngoài của vành nắp. Thân thạp hình trụ, miệng tròn, thành miệng thẳng, có gờ ở mép để đậy nắp, miệng hơi thu lại, thân phình rộng, đáy thót nhỏ.

Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, thế kỷ 15 (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Hà Nội). Các bát, đĩa đều có hoa văn vẽ bằng bút lông. Hình rồng trên bát đĩa sống động, uyển chuyển, mạnh mẽ.

Bát đĩa này do các quan xưởng triều đình nhà Lê sơ sản xuất thủ công, dành riêng cho hoàng cung Thăng Long.

Bệ thờ đất nung đền An Xá (Hưng Yên), thế kỷ 16, có dáng như tòa sen lớn. Mặt bệ như tòa sen đang nở gồm hai lớp cánh sen, dạng kép. Cánh sen được tạo tác rộng múp, khum ôm lấy đài phía trên. Dưới cánh sen là hai đường gờ để trơn được làm giật cấp nhỏ dần, trước khi xuống phần thân bệ.

Thân bệ thắt lại, được chia làm ba ô hình chữ nhật, ngăn bởi các đường gờ nhỏ. Mỗi ô trang trình hình rồng với nhiều tư thế và động tác.

Chân bệ cũng được chia làm ba ô chữ nhật. Đế bệ to rộng, tạo tác theo kiểu "chân quỳ dạ cá".

Đây là một trong hai bệ thờ đất nung có chiều dài lớn nhất hiện còn được lưu giữ ở Việt Nam.

Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê (Gia Lai), cách nay 800.000 năm, được các nhà khảo cổ học Việt - Nga khai quật được từ năm 2014 đến 2019. Đây là những hiện vật độc bản. Các rìu tay này được ghè đẽo từ cuội sông suối, được người nguyên thủy dùng chặt cây, xẻ thịt thú rằng, nạo da thú, đào đất tìm củ, tìm con mồi.

Ngày 30/1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia, nâng tổng số đến nay là 264. Theo Luật Di sản văn hóa, bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Mỗi năm, Thủ tướng xét công nhận bảo vật quốc gia một lần.

Viết Tuân
Ảnh: Cục Di sản văn hóa cung cấp