Những ngày cuối tháng 12, Bộ Công an liên tiếp hoàn thành kết luận điều tra ba vụ đại án liên quan ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh. Vụ thứ nhất, cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cùng sáu bị can với cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại PVN.
Vụ thứ hai, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) với việc ông Đinh La Thăng và 21 người bị đề nghị truy tố.
Vụ thứ ba xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land, công ty con của PVC). Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT PVC) và bảy bị can về tội Tham ô tài sản.
Ba vụ án có điểm chung đều xảy ra tại PVN hoặc công ty con của tập đoàn này. Sau quá trình khai báo tại cơ quan điều tra của những người liên quan, nhiều vụ "đi đêm" tiền tỷ của các sếp tại đây đã bị lộ.
Túi áo sơ mi đựng 500 triệu đồng tiền biếu
Vụ "đi đêm" này là một phần diễn biến tại đại án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 800 tỷ đồng xảy ra ở PVN.
Cơ quan điều tra cáo buộc, ông Đinh La Thăng khi làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN đã vượt quyền khi quyết định góp 800 tỷ đồng vào OceanBank và chỉ đạo các đơn vị thành viên gửi tiền, sử dụng dịch vụ của ngân hàng này. Từ chủ trương trên, PVN trở thành cổ đông chiến lược có 20% vốn điều lệ của OceanBank và giữa hai đơn vị có mối quan hệ qua lại khăng khít. Hai bên có cùng trụ sở chính ở toà nhà Dầu khí số 18 Láng Hạ, Hà Nội. PVN cử ông Nguyễn Xuân Sơn sang OceanBank làm tổng giám đốc.
Từ tháng 3/2009 đến tháng 11/2010, để được ông Ninh Văn Quỳnh (kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN) quan tâm, tham mưu, đề xuất lãnh đạo ban hành chủ trương, chỉ đạo có lợi cho OceanBank, ông Sơn nhiều lần trực tiếp hoặc thông qua người họ hàng thân tín là Nguyễn Xuân Thắng (Phó Giám đốc khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược OceanBank) đưa "tiền phong bì".
Kết luận điều tra thể hiện, trong giai đoạn này cứ khoảng 2-3 tháng, ông Sơn lại đến đưa tiền núp bóng việc đưa tiền quà, nói: “Em biếu anh chai rượu hoặc chiếc áo”. Những lần đưa tiền chỉ có hai người, không giấy tờ biên nhận. Khi ông Sơn về, ông Quỳnh mới mở ra nhưng bên trong không có "quà gì" ngoài 10 tệp tiền mệnh giá 500.000 đồng, giá trị 500 triệu đồng. Tổng cộng ông Quỳnh nhận của ông Sơn 10 lần.
Từ khoảng tháng 12/2010 đến 12/2013, ông Sơn quay về PVN giữ chức Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán. Ông Quỳnh vẫn giữ chức cũ. Để chăm sóc kế toán trưởng của PVN này, ông Sơn tiếp tục đưa tiền của OceanBank cho ông Quỳnh nhưng trong bối cảnh khác. Ông Sơn không đến phòng ông Quỳnh mà gọi đến phòng làm việc của mình để đưa tiền. Cũng có khi kết hợp lúc ông Quỳnh tới báo cáo thì ông Sơn đưa "túi rượu hoặc túi áo sơ mi’. Số tiền cũng tăng gấp nhiều lần.
Theo cơ quan điều tra, từ năm 2011 đến tháng 4/2012, ông Sơn đưa ông Quỳnh mỗi lần từ một đến hai tỷ đồng. Lý do của việc OceanBank chi đậm là thời điểm này PVN có số lượng tiền gửi tăng đột biến.
Năm 2012-2013, PVN ban hành và thực hiện theo quy chế quản lý vốn bằng tiền, số dư tiền gửi của PVN tại OceaBank không vượt quá vốn điều lệ của OceanBank nên tiền đưa cho ông Quỳnh lại giảm xuống, quay về mốc cũ 500 triệu đồng. Tổng số tiền ông Quỳnh nhận của ông Sơn trong thời gian này là 11 tỷ.
Trong đó hai lần ông Sơn đưa tiền cho ông Quỳnh qua ông Thắng. Ông Quỳnh khai, hai lần này mỗi lần nhận hai tỷ đồng, do ông Thắng đưa vào phòng làm việc.
"Trong thời gian năm 2009-2013, tổng số tiền ông Quỳnh nhận từ ông Sơn là 20 tỷ”, kết luận điều tra nêu. Số tiền này, ông Quỳnh khai đem gửi tiết kiệm, chi phí cho con du học, mua nhà, mua ôtô và hiện đã hoàn lại.
Ông Quỳnh khai nhận thức rõ việc nhận tiền là hưởng lợi không chính đáng. OceanBank muốn qua ông Sơn để đưa cho ông như lời cám ơn vì số dư tiền gửi của PVN và các đơn vị thành viên vào ngân hàng này là rất lớn, tới 18.000-20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm xét xử vụ đại án xảy ra tại OceanBank mở tại TAND Hà Nội vào tháng 9, ông Sơn khai đã nhận hơn 200 tỷ từ OceanBank và đưa hết toàn bộ cho ông Quỳnh.
Theo đó, năm 2009-2010 khi đang là tổng giám đốc OceanBank, ông đã được Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm thỏa thuận chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí gửi tiền tại ngân hàng. Ông Sơn nhận hơn 69 tỷ đồng từ ông Thắm và dùng 30-40 tỷ để đưa cho ông Quỳnh nhờ "cảm ơn lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên trong tập đoàn sử dụng dịch vụ, gửi tiền tại OceanBank.
Sang giai đoạn 2010-2014 khi ông Sơn về làm Phó tổng giám đốc PVN, ông Thắm tiếp tục nhờ nhận tiền để chi lãi suất ngoài hợp đồng tiền gửi cho nhóm khách hàng dầu khí. Trung bình khoảng 45 ngày, ông Thắng với vai trò Phó giám đốc khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược OceanBank lại nhận 5 tỷ đồng từ ngân hàng để đưa cho ông Sơn.
Do số tiền chênh quá lớn nhà chức trách đã cho đối chất giữa hai ông, Tuy nhiên tại phiên toà và ở cơ quan điều tra sau này, các ông Quỳnh, Sơn đều giữ nguyên lời khai.
Kết luận điều tra sau đó kết luận, do việc đưa nhận tiền không có giấy tờ biên nhận, không nhân chứng, cơ quan điều tra chỉ xác định được từ năm 2009 đến năm 2013 ông Quỳnh đã nhận từ ông Sơn 20 tỷ đồng. "Nguồn tiền do Hà Văn Thắm chỉ đạo chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền của OceanBank", kết luận nêu.
Vali 14 tỷ tiền ‘hoa hồng’ cho ông Trịnh Xuân Thanh
“Món quà” biếu này nằm ở vụ án xảy ra tại Công ty CP Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land, công ty con của PVC) khi cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị truy tố ông Trịnh Xuân Thanh và bảy bị can về tội Tham ô tài sản.
Theo kết luận, cuối năm 2009 đầu năm 2010, muốn mua bằng được dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn, ông Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ 1/5), một nhóm cổ đông đã nhờ ông Đinh Mạnh Thắng (chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng) kết nối gặp ông Thanh để đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn. Ông Thanh đồng ý, chỉ đạo Chủ tịch HĐQT PVP Land đứng ra thu xếp việc mua bán.
PVC bán cổ phần tại dự án Nam Đàn với giá 34 triệu đồng/m2 cho ông Bình. Năm ngày sau, ông Bình chuyển nhượng cổ phần với giá 52 triệu đồng/m2 để hưởng chênh lệch.
Sau khi thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, qua một người khác, ông Bình đã đưa 14 tỷ đồng để "lại quả" cho ông Thanh. Tối cùng ngày, có người mang tiền đến nhà ông Thắng để nhờ chuyển.
Hôm sau, ông Thắng để tiền trong vali, cất trong cốp chiếc xe ông Thanh thường sử dụng. Hết giờ làm việc hôm đó, được tài xế chở về, ông Thanh kéo chiếc vali vào nhà...
Những chuyến thăm tiền tỷ của lãnh đạo OceanBank
Quá trình thẩm vấn tại phiên sơ thẩm vụ đại án OceanBank cho thấy do giữ lượng tiền gửi lớn khiến PVN có vai trò sống còn với OceanBank. Vì vậy, ngân hàng "lại quả" bằng việc chi "đậm" lãi suất ngoài hợp đồng với dòng tiền gửi.
Từ năm 2010 đến cuối 2014, tổng số tiền lại OceanBank chi ngoài hợp đồng cho các khách hàng gửi tiền là gần 1.600 tỷ đồng. Trong đó, hàng trăm tỷ chi cho chính lãnh đạo của PVN và các công ty con của tập đoàn này.
Cựu tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu trước vành móng ngựa vào tháng 9 đã đọc tên hàng loạt doanh nghiệp trong ngành dầu khí được bà trực tiếp đến "ngoại giao". Trong đó nhiều doanh nghiệp nhận từ 20 tỷ đồng trở lên.
Ông Sơn cũng khai, trong thời gian đương chức tại OceanBank có hai năm đến tặng quà cựu kế toán trưởng Liên doanh Dầu khí VietsoPetro (VSP) và 8-10 lần biếu quà cho cựu tổng giám đốc. Ông Sơn nói không nhớ rõ nhưng mỗi lần đều biếu 200-300 triệu đồng cho mỗi người.