Năm nay, những áng văn kinh hoàng, ngô nghê, nhầm lẫn "râu ông nọ cắm cầm bà kia" kiểu như: Mị và A Phủ bị Bá Kiến "chèn ép", nhầm Mị với nhân vật Đào trong tác phẩm "Mùa lạc", gán ghép Chí Phèo với Nguyệt (nhân vật trong "Mảnh trăng cuối rừng" của Nguyễn Minh Châu)... giảm đáng kể.
![]() |
Bài thi ngây ngô giảm đáng kể. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thày Đinh Văn Thiện, Thư ký hội đồng chấm môn Văn, nguyên phó chủ nhiệm khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, cho biết, sau khi chấm hơn 1.000 bài Văn khối D, cũng chỉ mới xuất hiện vài bài văn "lạ".
Theo thày Thiện, nhiều em làm văn theo kiểu liên tục "xoay" người đọc bằng rất nhiều câu hỏi. Ở đề Văn khối C, khi được yêu cầu bình giảng đoạn thơ trong bài "Tống biệt hành" của Thâm Tâm, có thí sinh viết: "Đưa người tại sao lại không đưa qua sông? Mặt trời chỉ có một mà sao lại nhiều hoàng hôn đến thế? Phải chăng do người ở lại phải chia tay với người ra đi, buồn quá nên mới thấy quá nhiều hoàng hôn".
Cũng trong đề khối C, khi phân tích nghệ thuật trào phúng trong truyện ngắn "Vi hành" của Nguyễn Ái Quốc, do không hiểu rõ tác phẩm nên trong lúc bí bách, một nữ sinh đã viết: "Bác bôn ba khắp năm châu bốn biển mấy chục năm trời, làm đủ thứ nghề và ở nhiều đất nước nên rất giỏi hóa trang. Mà Bác đã hóa trang thì không ai nhận ra được thế nên Bác đã khiến mọi người tưởng rằng mình là vua Khải Định", nữ sinh này viết.
Cảm nhận về vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài "Tràng Giang" (Huy Cận), có thí sinh viết: "Tràng Giang là vùng đất trù phú, trên bên dưới thuyền, trên sông thuyền bè đi lại gọi nhau í ới, bên bờ sông người người đi lại tấp nập, cuộc sống sung túc, các em nhỏ ngồi chăm chú nghe ông già kể về quê hương đất nước".
Thày Thiện cho biết, năm nay, điểm 5-6 Văn khá nhiều, chiếm chừng 2/3, còn lại là điểm kém. Phần lớn học sinh làm 2 tờ giấy thi trở lên. Những em làm 4 tờ đều được 7-8 điểm.
Lý giải về việc ít các bài văn "lạ" nhưng điểm số lại không cao, thày Thiện cho rằng, đề nặng nên nhiều em "bơi" không kịp. Bất hợp lý trong thang điểm đã khiến thí sinh chịu thiệt.
Đề khối D khó có điểm cao vì sự phân bố điểm không hợp lý. Đề về bài "Đôi mắt" lẽ ra phải là 5 điểm thì lại được có 3 điểm, khiến học sinh khó có thể làm được tối đa. Còn bài "Tràng Giang" có thể rút lại ở 3 điểm và chỉ yêu cầu học sinh phân tích một khổ. "Phân tích cả bài thì rất nặng", ông nói.
Theo thày Thiện, đề khối C, phân tích nghệ thuật trào phúng trong truyện ngắn "Vi hành" xứng đáng được 5 điểm nhưng bình giảng 10 câu trong "Tống biệt hành" mà được có 3 điểm là khó chấp nhận. Riêng 4 câu đầu trong bộ đề cũ của Bộ cũng được 4 điểm nhưng nay thêm 6 câu nữa mà lại được có 3 điểm.
Kể lại những bài văn hài hước năm nay nhưng thày Thiện không quên nhắc tới những câu chuyện bất hủ ở mùa thi trước. "Một em thi vào ĐH Đông Đô một mực khẳng định câu thơ: "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu" có giá trị tố cáo rất lớn vì nó muốn nói thực dân Pháp tàn phá nước ta thật là ác liệt, bom đạn ném xuống làm tan hoang làng xóm hết đến nỗi chỉ còn vài cồn nhỏ lơ thơ".
Tiến Dũng