Tiếng sáo Thiên Thai là bài thơ in trong tập Mấy vần thơ, tập mới, xuất bản năm 1935 của nhà thơ Thế Lữ. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đang bước vào mùa xuân thời điểm đẹp nhất.
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...
Tiên Nga tóc xoã bên nguồn.
Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;
Mây hồng ngừng lại sau đèo,
Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.
Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Theo chim, tiếng sáo lên khơi,
Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.
Khi cao, vút tận mây mờ,
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...
Thế Lữ (1907-1989), tên thật Nguyễn Thứ Lễ, là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ Mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi.
Ông được coi là người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ Mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Thế Lữ được Nhà nước trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân năm 1984.
![Nhà thơ Thế Lữ.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/18/090706the-lu-1-1440-1614251591-4214-1616062943.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=epunOrz5Vghv72UA78MGnw)
Nhà thơ Thế Lữ.
Trong Thi nhân Việt Nam, Thế Lữ được Hoài Thanh nhận xét: "Độ ấy Thơ Mới vừa ra đời. Thế Lữ như vừng sao đột nhiên ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dầu sau này danh vọng Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết, Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ".