Tìm câu chuyện xưa là đi vào miền ký ức của một thời đang dần quên lãng. Trở về với quá khứ, nghìn câu chuyện đã qua trong đời. Thời gian đã bao lần xóa thật kỹ những câu chuyện nên thơ. Đâu ngờ rằng, những câu chuyện xa xưa ấy nay lại ùa về trong tôi qua một cuộc thi tìm hiểu về đất nước New Zealand. Lần mò trong ký ức, bao mùa mưa nắng quanh năm giặt bạc màu ký ức. Đổi thay trong đời như những lớp phù sa đã bao lần cày sâu xuống, lấp kín lên. Tôi tìm câu chuyện cũ vì ảnh xưa thì đẹp và hình xưa là hạnh phúc. Tôi tìm câu chuyện cũ vì ở đấy có bóng hình mà tôi quý mến và có những bài học đã dẫn bước tôi vào đời.
Tôi chưa hề một lần đặt chân đến đất nước New Zealand và tôi cũng không có bạn bè nào ở đó cả, nhưng tôi biết và hiểu nhiều về New Zealand qua những câu chuyện kể của ông ngoại vào những ngày hè tôi được nghỉ học. Những câu chuyện của ông như dẫn bước, đưa lối tôi vào một thế giới cổ tích có thật. Bằng sự minh họa độc đáo và lối kể hấp dẫn đã khiến tôi mơ tưởng về một ngày được đặt chân đến New Zealand để khám phá qua những điều ông kể.
Trong số những câu chuyện ông kể tôi nghe, tôi cảm thấy hứng thú nhất đó là chiếc áo choàng của người Maori. Ông nói nếu như được mặc chiếc áo đó lên mình là cả một niềm hạnh phúc và tự hào mà người dân New Zealand dành tặng. Tôi đã từng mơ mình là một hoàng tử Việt được khoác lên chiếc áo choàng đó và được trò chuyện cùng những người Maori trong những bữa cơm chiều thân mật.
Ông kể với tôi rằng một người có kinh nghiệm đan áo choàng cũng phải mất mấy tháng để chuẩn bị vật liệu và hoàn tất khâu đan áo. Vì lý do này, những người đan áo thường là phụ nữ có tuổi, không vướng bận con nhỏ và những bổn phận khác. Để đan xong một chiếc áo choàng bằng lông chim người ta phải cần nhiều thời gian cũng như sự kiên nhẫn. Do đó ông khuyên tôi, khi làm một việc gì đó, phải có lòng kiên nhẫn và niềm tin vào bản thân, có như thế mới đặt được những bước chân trên nẻo đường thành công, vì thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng.
Ông kể tiếp, những chiếc áo choàng là vật gia truyền quý báu của người Maori. Người đan áo thường thực hiện một chiếc áo cho một người trong gia đình của mình hoặc những người mà họ tôn quý. Những ý định và tình cảm gắn với chiếc áo choàng kể từ lúc khởi công qua suốt quá trình đan đã tạo cho nó một tầm quan trọng đặc biệt. Ông ví cuộc đời mỗi người như chiếc áo quý báu của người Maori, hãy thêu cuộc đời bằng những mũi kim hạnh phúc, hãy yêu thương gia đình và trân trọng những người mà bạn quý mến, vì cuộc đời thì chỉ có một, đừng để mọi thứ đi xa khi đó ta mới thấy hối tiếc. Hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa mà Thượng Đế đã ban tặng, hãy chắt chiu những giây phút hạnh phúc và nâng niu những tình cảm cao thượng để đến ngày lìa đời ta không hối hận vì những điều ta đã nghĩ và những việc ta đã làm.
Một chiếc áo choàng được truyền qua nhiều thế hệ, được mặc trong nhiều dịp khác nhau, và trở thành một vật gia truyền có giá trị thực sự. Có một thời, nghệ thuật đan áo choàng hầu như đã bị mất truyền thống của nó. Người ta cảm thấy dễ dàng hơn nhiều khi sử dụng y phục kiểu người Âu hơn và mất một thời gian rất lâu để đan chiếc áo này từ sợi lanh. Nói đến đây, ông nhấn mạnh đến văn hóa của dân tộc, ông khuyên tôi đừng chạy theo trào lưu mà quên tinh hoa, văn hóa của dân tộc mình. Trong thời kì hội nhập, ông nói "hòa đồng chứ đừng hòa tan". Hãy trân trọng và làm phát triển tinh hoa của dân tộc bằng mọi cách có thể, ông răn đe tôi rằng đừng vì một chút lợi lộc mà quên dân tộc, phản lại tinh hoa mà dân tộc vốn có. Nhờ những tinh hoa của dân tộc mới tạo nên một bản sắc văn hóa riêng cho dân tộc đó.
Ông còn kể rằng sự phục hồi của chiếc áo choàng được thực hiện vào giữa thập kỉ 90, qua Liên đoàn phúc lợi Phụ nữ Maori. Người ta bắt đầu dạy cách đan loại áo này cho những thành viên của liên đoàn. Ngày nay có rất nhiều phụ nữ Maori đã tiếp nối truyền thống đan áo choàng này. Ông dừng lại, nhìn tôi và nói một cách trìu mến: "Chính các con là thế hệ gìn giữ dân tộc, là tương lai của đất nước, là niềm tự hào của dân tộc ta. Chính các con phải là những người đưa văn hóa nước nhà đến với bạn bè quốc tế. Hãy nỗ lực, phấn đấu hết mình trong việc học vì tương lai của dân tộc và vì cuộc sống cá nhân. Đất nước nằm trong tay các con đó, hãy yêu thương và làm tất cả để gìn giữ tinh hoa của dân tộc con nhé". Nói đến đây, ông nghẹn lời và ôm tôi thật chặt vào lòng.
Cái ôm của ông đã gửi lại nơi tôi thật nhiều điều và cái ôm đó cũng là cái ôm mà theo tôi suốt cả cuộc đời. Từ cái ôm của ông tôi học được hai điều.
Thứ nhất, thế hệ của ông là thế hệ cũ trao ban truyền thống cho thế hệ con cháu, mong muốn con cháu gìn giữ những tinh hoa, văn hóa của dân tộc. Tuy tôi là chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mênh mông, chỉ là một giọt nước giữa lòng biển rộng lớn nhưng tôi mong muốn thế hệ trẻ phải luôn biết trân trọng và làm phát triển tinh hoa của dân tộc trong sự hội nhập giữa các quốc gia với nhau.
Thứ hai, ông là người đã đem đến cho tôi cả một đất nước New Zealand thơ mộng và quý phái. Cái ôm của ông tôi xem như là sự gắn bó, đoàn kết giữa hai nền dân tộc Việt Nam - New Zealand. Cả hai dân tộc cùng giúp nhau phát triển về mọi mặt của đời sống và thể hiện sự tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia trong nền hội nhập thế giới.
Những câu chuyện của ông tưởng chừng như lãng quên nhưng nay được hồi sinh trong hồn tôi. Cảm ơn ông ngoại, cảm ơn sự hợp tác của của hai nước Việt Nam - New Zealand và cảm ơn Ban tổ chức đã tạo ra cuộc thi để tôi tìm lại quá khứ và niềm ao ước một ngày được khoác lên mình chiếc áo của người dân Maori trong tôi trỗi dậy. Vì khi hạnh phúc đậu trên bờ sông nào thì dấu thơm hạnh phúc cũng lưu lại với chính bờ sông đó nữa.
Từ 31/3 đến 20/4, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam và báo VnExpress tổ chức cuộc thi "New Zealand - Chân trời mới 2015". Người dự thi có thể tự do mô tả cảm nhận của mình về đất nước này một cách sáng tạo thông qua các chủ đề mở như con người, văn hóa, ẩm thực, cảnh vật... Giải nhất của cuộc thi là chuyến du lịch trọn gói dành cho hai người tới quốc gia này. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. Các câu hỏi liên quan đến cuộc thi xin gửi về nguoivietvnexpress@gmail.com hoặc điện thoại: 0123.888.0123 - số lẻ 4542. |
Trần Văn Hiển