U19 Việt Nam, với thành phần chính là các cầu thủ của học viện HAGL Arsenal JMG thực chất mới làm quen với những trận thi đấu chính thức trên sân cỏ 11 người được hơn nửa năm. Trước đó, “những đứa trẻ của bầu Đức” chỉ tập sân nhỏ, hoàn thiện kỹ thuật cá nhân. Nói như cách ví von của chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, các cầu thủ U19 Việt Nam hiện tại mới được đào tạo bậc phổ thông, những kiến thức chung chung chứ chưa đi sâu vào chiến thuật, bài vở tấn công.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, giải giao hữu U19 quốc tế 2014 là dịp để các cầu thủ trẻ Việt Nam đọ sức với những đối thủ mạnh, để hiểu rõ chúng ta đang đứng ở đâu và cần những gì để bổ sung trong tương lai. Thắng thua không phải là điều quan trọng nhất, cốt lõi là chúng ta rút ra được những gì từ 3 trận đấu vừa qua, khi mà từng đối thủ sở hữu những lối đá riêng biệt: một AS Roma với nghệ thuật phòng ngự, một Nhật Bản đầy kỹ thuật, tuân thủ chiến thuật và một Tottenham mạnh mẽ, nguy hiểm với những đường tấn công biên.
Ngay từ trận đầu gặp AS Roma, cầu thủ U19 Việt Nam phân phối sức không hợp lý khi thi đấu máu lửa trong hiệp một, dẫn đến đuối dần trong hiệp 2 và cuối cùng là nằm gục ra sân sau trận đấu. Hệ quả của ngày thi đấu với cường độ nhiều hơn hẳn bình thường ở trận đầu là U19 Việt Nam bị căng cơ, thể lực suy giảm nghiêm trọng ở trận đấu thứ hai gặp Nhật Bản. Vì vậy, trong những tình huống mà các tiền đạo Nhật Bản đi bóng xộc vào trung lộ, các hậu vệ trẻ Việt Nam không còn đủ sức để truy cản.
Ở trận cuối cùng gặp Tottenham, U19 Việt Nam rút kinh nghiệm phân phối sức tốt hơn. Nhờ đó, hiệp hai các cầu thủ có những phút chơi bùng nổ và gây ra bất ngờ cho đối phương để ghi liên tiếp 2 bàn. Tuy nhiên, một lần nữa vấn đề thể lực lại khiến U19 Việt Nam không thể bảo toàn thắng lợi khi không giữ sức cho những cú bứt tốc và dứt điểm. Tình huống Oduwa (17) dùng tốc độ đi xuống biên phải, các hậu vệ áo đỏ không còn cách nào khác là chuồi bóng để ngăn chặn tiền vệ nguy hiểm của Tottenham, mang lại quả penalty cho đối thủ.
Chiến thuật gần như là con số 0 trong cách chơi bóng của U19 Việt Nam tại giải giao hữu năm nay. Như nhiều chuyên gia nhận định, các cầu thủ U19 thi đấu còn quá vô tư.
Đụng độ một tấm bê tông kiểu Italy của U19 AS Roma, các cầu thủ trẻ Việt Nam cứ lao đầu vào một cách không hiệu quả. Ngoài những pha đi bóng cá nhân và những đường chuyền ở giữa sân, U19 Việt Nam không tìm ra những miếng đánh khác khả thi hơn để xuyên thủng hàng phòng ngự của đối thủ như đánh biên để kéo dãn hàng phòng ngự hay dứt điểm từ xa tạo sự đột biến.
Những tình huống đá phạt góc, đá phạt trực tiếp cũng không cho thấy miếng phối hợp chiến thuật nào từ U19 Việt Nam. Các cầu thủ chỉ cố gắng đưa bóng vào sân càng nhanh càng tốt để thực hiện những đường chuyền ngắn di chuyển dần xuống khung thành đối phương. Chính vì thế, lối chơi của U19 Việt Nam rất dễ bị bắt bài.
Trận thua đậm 0-7 trước U19 Nhật Bản được HLV Graechen nhận định là sự đổ vỡ về tâm lý. Hai bàn thua chỉ trong vòng 5 phút đầu tiên khiến các cầu thủ U19 Việt Nam bị sốc, dẫn đến tâm lý nôn nóng rồi vỡ trận.
Đây chỉ là giải đấu giao hữu, chưa mang nặng tính thắng thua nên áp lực tâm lý lên các cầu thủ còn ít. Khi vào những cuộc đọ sức chính thức, mang yếu tố quyết định như U19 Đông Nam Á, U19 châu Á, áp lực từ người hâm mộ mang đến sẽ lớn hơn rất nhiều. Do đó các cầu thủ trẻ Việt Nam cần rèn luyện bản lĩnh để đón nhận những thử thách tiếp theo.
Ngay sau giải U19 quốc tế kết thúc, kế hoạch tập huấn dành cho U19 Việt Nam đã được vạch ra dựa trên những bài học mà giải đấu mang lại. Theo đó, các cầu thủ trẻ sẽ có 4 tháng sang Bỉ, Anh và Nhật để rèn thể lực và chiến thuật.
Đến tháng 8, U19 Việt Nam sẽ quay lại Hà Nội dự giải U19 Đông Nam Á để rèn thêm kinh nghiệm, tâm lý rồi bước vào vòng chung kết U19 châu Á ở Myanmar (tháng 10) đọ sức với các anh tài trong châu lục.
Hữu Nhơn