Các bài hát bị cấm có đặc điểm chung là được sáng tác trước 1975. Một trong số đó là bài "Con đường xưa em đi" của nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương. Tôi hỏi một thành viên của Hội đồng nghệ thuật thì được hỏi ngược lại: Bài hát có câu "chiến trường anh bước đi" là chiến trường nào?
Tôi liên hệ được với bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ lúc gần khuya. Bà kể, những năm 1960, bà và Hồ Đình Phương cùng làm ở nhà máy Cagivina - nay là nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa. Buổi trưa, bà thường đi qua bờ đê hoang sơ xuống dãy nhà phía sau nhà máy nghỉ ngơi. Khi nhạc sĩ Châu Kỳ viết nhạc xong, Hồ Đình Phương nhớ lại kỷ niệm đó để viết lời bài "Con đường xưa em đi".
Bà cũng bảo, những năm 2006-2007, khi nhạc sĩ Châu Kỳ còn sống, nghe nói bài hát bị cấm bởi hai cụm từ "chiến trường anh bước đi" và "nơi đây phiên gác canh dài", ông bà bàn nhau, nếu nhà nước vẫn còn "ngại" với hai cụm từ ấy thì sửa thành "lối mòn anh bước đi" và "nơi đây thao thức canh dài". "Hồi đó, viết vậy để bài hát ăn khách ở Sài Gòn thôi. Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm rồi mà sao còn nỡ bắt bẻ câu chữ làm tổn thương nhau", tâm sự của người phụ nữ hơn 80 tuổi khiến tôi nhớ mãi.
Sau đó, tôi biết thêm, những bài hát trước 1975 khác bị cấm, đều chung nguyên nhân: câu chữ. Bài "Cánh thiệp đầu xuân" có câu "để người anh lính chiến quay về gia đình", nếu muốn được hát, phải sửa thành "để người anh yêu dấu quay về gia đình". "Đây ước mơ của miền Nam mến yêu", phải sửa thành "đây ước mơ của miền quê yêu dấu" (bài "Rừng Xưa"). "Trùng dương sóng gào, đưa anh vào tương lai mờ tối/ Em biết anh vì xôn xao, trong phút giây kinh hoàng", phải sửa thành "trùng dương sóng gào, đưa anh vào tương lai ngày mới/ Em biết anh vì xôn xao, trong phút giây huy hoàng" (bài "Chuyện buồn ngày xuân"). "Sao gọi anh chú lính, cho anh thấy không vui", phải sửa thành "sao gọi anh chú mãi, cho anh thấy không vui" (bài "Đừng gọi anh bằng chú").
Cục nghệ thuật biểu diễn năm 2017 cấm các bài hát đã chỉnh sửa những câu trên. Sau hơn một tháng, trước nhiều ý kiến trái chiều, Cục đã cấp phép lưu hành trở lại năm bài hát và kiểm điểm cá nhân liên quan.
Nhưng, chỉ mấy ngày sau, Cục lại khẳng định hàng loạt bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như "Nối vòng tay lớn", "Huế - Sài Gòn - Hà Nội", "Ca dao mẹ", "Đêm thấy ta là thác đổ"... đều chưa được cấp phép phổ biến. Rồi cũng vì sức ép dư luận, những bài hát này sau đó được cấp phép vội vàng.
Những lùm xùm ấy đều bắt nguồn từ Nghị định 79 trước đây, với một điều khoản quy định riêng về "tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc của người Việt Nam sinh sống, định cư ở nước ngoài". Theo đó, những tác phẩm này "muốn được hát" trước công chúng phải được cấp phép phổ biến, rồi mới được đưa vào các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Nghĩa là những ca khúc trước 1975 phải qua hai giấy phép con mới đến được với công chúng. Nhiều bài hát có số phận truân chuyên, bởi không thể qua được lần cấp phép đầu tiên, trong khi những tác phẩm âm nhạc sau 1975 được mặc nhiên phổ biến, chỉ cần có giấy phép biểu diễn theo chương trình cụ thể.
Những quy định này, vô tình đã tạo ra vết hằn trong ý niệm của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ chúng tôi giữa ca khúc trước và sau năm 1975. Ca khúc trước 1975 có vấn đề gì? Vì sao lại phải cấp phép đến hai lần? Các nhạc sĩ tài hoa một thời và những gia đình như bà Kha Thị Đàng cảm thấy ra sao khi đứa con tinh thần của họ không thể đến với công chúng chỉ vì một vài câu từ mà nhà quản lý văn hóa cho là "nhạy cảm", "có vấn đề"?
Sau những sự cố, Cục Nghệ thuật biểu diễn sửa đổi các quy định bất cập. Rất nhiều nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa đã đưa ra giải pháp tâm huyết, với mong mỏi làm sao để cởi trói cho bài hát trước 1975. Có người đề xuất: chỉ lập một danh sách cấm gồm những bài hát đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Những bài còn lại, người dân, nghệ sĩ được tự do hát. Nhưng cũng có ý kiến đáp lại rằng, những bài hát nói về tâm tư, tình cảm, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng hòa khi xưa thì sao? Có người lại đề xuất lập hội đồng nghệ thuật quốc gia, rà soát tất cả các bài hát trước năm 1975, xây dựng tiêu chí cụ thể để công khai những bài người dân được hát. Nhưng kho di sản âm nhạc, sân khấu trước 1975 đồ sộ như vậy, nguồn nhân lực nào và kinh phí ở đâu để hiện thực ý tưởng này?
Gần đây có những đề xuất táo bạo hơn, như xây dựng tiêu chí và quy định chung cho tất cả ca khúc lưu hành ở Việt Nam, không phân biệt trước hay sau 1975, cũng như ca khúc của người Việt ở hải ngoại. Ca khúc nào vi phạm quy định, đều bị cấm lưu hành. Sau hơn ba năm thảo luận "trầy da, tróc vẩy" như lời một thành viên tham gia soạn dự thảo nghị định, tuần rồi, Chính phủ đã ban hành nghị định mới: xóa bỏ việc cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975.
Nghị định cũng không còn đề cập đến khái niệm "ca khúc trước 1975". Thay đổi không chỉ cởi trói cho ca khúc trước 1975 có cơ hội đến với công chúng dễ hơn mà còn xóa bỏ bức tường vô hình chia đôi nền âm nhạc nước nhà suốt bao năm qua. Mọi bài hát mang lại giá trị tinh thần từ nay đều có quyền bình đẳng, không phân biệt hoàn cảnh ra đời. Các nhạc sĩ tài hoa đều xứng đáng được trân trọng.
Hơn 40 năm là thời gian đủ dài để nhìn lại lịch sử một cách khách quan, toàn diện hơn. Thật trùng hợp, cùng thời gian các bài hát xưa bị cấm đoán, đầu năm 2017, tại buổi thuyết trình khoa học ở Hà Nội, cố giáo sư sử học Phan Huy Lê đã nêu quan điểm rằng "viết sử phải toàn bộ, toàn diện". Những sự kiện đã xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam từ xưa đến nay, đều phải được ghi lại khách quan trong sách sử.
Xét trên quan điểm này, thì kho di sản văn hóa, nghệ thuật đồ sộ của miền Nam trước 1975 như văn học, điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc... cũng đều là những giá trị chung của dân tộc, cần được trân trọng, giữ gìn. Tất cả chúng xứng đáng được trao quyền bình đẳng.
Xóa bỏ khái niệm "ca khúc trước 1975" là bắc thêm một cây cầu để vượt qua hố sâu ngăn cách bởi quá khứ, chiến tranh, thúc đẩy tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc. Trân trọng, phổ biến những di sản văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, chính trị, kinh tế, khoa học ở miền Nam trước 1975 là bắc thêm nhiều cây cầu như thế.
Vũ Viết Tuân