1. Em còn nhớ hay em đã quên
Nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn gợi nhớ về một Sài Gòn xa vắng, nhiều mến thương của một thời quá vãng. Đó là một Sài Gòn của đời thường “mưa rồi chợt nắng”, “xôn xao hàng quán đêm đêm”, “những chiều lộng gió, lá hát như mưa suốt con đường đi”. Từng lời hỏi “em còn nhớ hay em đã quên” được láy đi láy lại, chậm rãi, bồi hồi như từng đợt sóng ký ức vỗ về.
Bài hát là lời người ở lại gửi người yêu xa xứ nên có chút gì đó trìu mến, ngọt ngào, dạt dào tình cảm. Ngôn từ giản dị nhưng sang trọng và giàu sức gợi làm lay động bao trái tim của những người con Sài Gòn khi rời xa thành phố này. Lấy cảm hứng từ bài hát, hai đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn từng xây dựng một bộ phim cùng tên với sự góp mặt của tài tử bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh trong vai chính.
2. Thành phố trẻ (nghe ca khúc)
Không có một cái tên riêng chỉ đích danh Sài Gòn hay TP HCM, song người nghe mỗi khi thưởng thức ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến thường tự liên tưởng đến nơi này. Rất khác với một Sài Gòn trong hồi ức mến thương của Em còn nhớ hay em đã quên, Sài Gòn trong Thành phố trẻ rộn rã, tươi vui và phóng khoáng hơn. Đó là một thành phố được chiếu qua lăng kính của những người dân lao động bình thường: cô gái trẻ, anh công nhân và người lính.
Sau những giây phút làm việc mệt nhọc, họ trở về nhà, trân trọng nâng niu những hạnh phúc giản dị thường ngày. Niềm vui của họ chân thành, không ồn ào: Cô gái ngồi chải tóc “nghĩ gì vui thế, mà cười một mình”, anh công nhân “dầu máy đầy tay”, “lưng trần gió bể”, “nhìn người vợ hiền”, người lính trẻ “nhớ người bạn gái, ngồi đàn một mình”. Lắng nghe nhạc phẩm của Trần Tiến, khán giả thấy bóng dáng của một thành phố trẻ đang vươn mình lên cao. Ở đó, người ta mải sống, mải cống hiến và mải yêu thương.
3. Thành phố tình yêu và nỗi nhớ
Nguyễn Nhật Ánh sáng tác bài thơ Thành phố tình yêu và nỗi nhớ khi mới ngoài 20 tuổi. Khi đó, anh đang hòa cùng hàng nghìn thanh niên Sài Gòn tỏa về những vùng đất còn nhiều bom mìn để khai hoang, làm thủy lợi, xây dựng nên những vùng quê mới. Nỗi nhớ quê nhà với “hàng me xanh ngắt”, “con đường ta qua” và hình bóng người bạn gái thân thương đã được Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm cả vào bài thơ.
Năm 1980, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đọc được bài thơ này, giữa lúc nhiều thanh niên từ thành phố ra đi, đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Sự đồng điệu trong tâm hồn của những đứa con xa quê đã truyền cảm hứng để nhạc sĩ phổ nhạc hoàn chỉnh cho bài thơ với một giai điệu dạt dào thương nhớ. Tình yêu đôi lứa được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước. Ca khúc như một lời nhắn gửi: hãy nhắm mắt lại để cảm nhận thành phố sâu hơn, yêu nơi này một cách trọn vẹn hơn.
4. Góc phố dịu dàng (nghe ca khúc)
Sài Gòn không chỉ có những con đường lớn, rộng, đẹp, thẳng tắp mà còn có cả những góc phố, những con đường nhỏ, rất đỗi thân quen, gắn bó với những kỷ niệm riêng tư của tình yêu học trò. Đó là nơi những cô bé, cậu bé vẫn thường chờ nhau sau giờ tan trường, hẹn hò cùng ăn một ly chè kem, dành dụm tiền để mua cho nhau một đóa hoa ven đường. Mối tình thơ trong trẻo, ngọt ngào đi qua mau, để mỗi khi bất chợt đi qua góc phố cũ, thấy phố vẫn giản dị thân thương như thế, người ta không khỏi ngậm ngùi.
Kỷ niệm ùa về với hàng me ấy, quán nhỏ thân quen, lối mòn xưa từng sánh bước bên nhau nhưng người xưa không còn trở lại. Những câu chuyện vu vơ, không đầu không cuối ấy cứ diễn ra và con phố nhỏ là kẻ chứng nhân tất cả. Là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Trần Minh Phi, Góc phố dịu dàng là ca khúc vừa rộn rã, tươi vui, vừa lưu luyến chất chứa bao hồi ức thương nhớ.
5. Thành phố mười mùa hoa (nghe ca khúc)
Đây là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc từ thơ của tác giả Lệ Bình. Với giai điệu vui tươi, dễ nhớ dễ thuộc, cái tên “thành phố mười mùa hoa” đã trở thành một biệt danh thân thương cho Sài Gòn. Ca khúc khắc họa nên chân dung của một thành phố với thiên nhiên luôn vận động, sinh sôi, phát triển với “10 mùa hoa”, “10 mùa thay lá”, “10 mùa đậu quả”, với “én chao liệng” và “ngọt ngào tiếng chim ca”.
Ở thành phố ấy, con người luôn hào hứng lao động, cống hiến hết mình để hướng tới tương lai tươi sáng hơn. Khắp nơi là “những nụ cười rạng rỡ, rộn ràng lúc tan ca” và những vần thơ, nốt nhạc được sáng tạo để ca ngợi cuộc sống mới.
6. Sài Gòn đẹp lắm
Sài Gòn là một thành phố luôn sôi động, chất ngất thứ men say kỳ lạ. Thành phố phóng khoáng, rộng rãi, luôn dang tay chào đón tất cả những người chọn nó làm nơi trú ngụ. Người ta yêu Sài Gòn ở thời tiết thất thường, đỏng đảnh: mới nắng chói chang, gắt gỏng đó, lại đã mưa rào rào. Họ yêu cả những đợt triều cường, phố xá thành sông, yêu cái tấp nập, tan tầm kẹt xe, yêu những gánh nặng lo toan của người mưu sinh trên phố…
Giờ tan trường, những tà áo trắng học trò tung bay theo chiều gió làm dịu lại cả cái nóng nực của mùa hè. Nhạc sĩ Y Vân có lẽ cũng yêu Sài Gòn ở những điều bình dị như thế. Tình yêu ấy lớn đến nỗi phải bật thốt lên thành một tiếng reo vang: “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!”. Tiếng gọi Sài Gòn nghe thân thương, trìu mến lạ thường được thể hiện thành công qua giọng hát nhí nhảnh, tràn đầy sức sống của nữ ca sĩ Thanh Hà.
7. Sài gòn cô tiên năm 2000
Bên cạnh một Sài Gòn hoa lệ với nhà cao tầng, trang phục hàng hiệu, xe cộ sang trọng là một Sài Gòn lam lũ, nhọc nhằn của người dân lao động. Giữa cái nắng 40 độ của tháng 6, tháng 7, đường không bóng râm là những gánh nặng trĩu trịt hai vai của người bán hàng rong. Thật dễ dàng nhận ra những giấc ngủ trưa vội vã bên lề đường, những bước chân lạc lõng của trẻ ăn xin, bán vé số.
Họ vất vả dãi nắng dầm mưa với hy vọng một ngày được đổi đời, có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn. Ước nguyện về một tương lai tươi sáng hơn cho những người dân nghèo đã được Phương Uyên, chị cả trong nhóm Ba Con Mèo, truyền tải qua ca khúc Sài Gòn cô tiên năm 2000. Giai điệu rộn rã, tươi vui, dễ đi vào lòng người đã khiến nhạc phẩm được yêu thích đến tận ngày hôm nay.
8. Nắng Sài Gòn
Ai từng sống qua những ngày hè đỏ lửa ở Sài Gòn chắc mãi mãi chẳng thể quên được cái nắng nơi đây. Nắng dữ dội, bỏng cháy, mênh mang, “trải trên nóc phố”, “soi sáng mọi nẻo đường”, “trôi trên sông”, quấn quít mãi người đi. Nắng làm dậy lên những nỗi nhớ xa xôi, về bóng dáng của một người con gái: làn môi tươi, đôi má ửng hổng và mái tóc dài. Nắng gay gắt, không thỏa hiệp, không khoan nhượng khiến người ta khao khát về bóng râm, về những bàn tay mát và về những ngọn gió thoảng qua.
Đặc sản của Sài Gòn là nắng. Người Sài Gòn xa quê, phiêu bạt nơi đất khách quê người, vẫn luôn đau đáu trong tim nỗi nhớ về cái nắng nơi chôn rau cắt rốn. Là tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Xuân Hồng trước khi vĩnh biệt trần gian, Nắng Sài Gòn có giai điệu vui nhộn, yêu đời, luôn là một tác phẩm được khán giả yêu mến.
9. Sài Gòn café sữa đá
Không biết từ bao giờ người Sài Gòn đã có thói quen chào ngày mới bằng ly cà phê sữa đá. Ngồi bên vỉa hè thân quen, nhấm nháp vị ngọt - đắng của từng giọt cà phê, lướt nhanh những dòng tin tức trên tờ báo, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn phố xá đã bắt đầu tấp nập. Buổi sáng sẽ mở đầu hoàn hảo và bình yên như thế.
Thưởng thức café buổi sáng đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của Sài Gòn. Với giai điệu trẻ trung, phóng khoáng, ca khúc Sài Gòn café sữa đá nhanh chóng chinh phục những tai nghe khó tính. Thật khó để ngồi yên một chỗ mà không lẩm nhẩm hát theo hoặc nhún nhảy chân theo điệu nhạc của Hà Okio. Sài Gòn trong bài hát hiện lên mộc mạc, đời thường: một Sài Gòn của vỉa hè và những người trẻ.
Anh Trâm