Chỉ có chồng ủng hộ Nhung. Sau 6 tháng, bà mẹ một con trở thành người mai mối chuyên nghiệp và đã sắp xếp được trên 60 cuộc hẹn ở phân khúc từ trung bình - cao đến cao cấp.
Khách hàng mà bà mối Dương Thị Tuyết Nhung đang chăm sóc là Tiến Trường, 33 tuổi, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, nhận lời mời về Việt Nam làm việc. Trường cho biết, một lý do khác kéo anh về nước là muốn lấy vợ Việt.
Trường tìm đến một dịch vụ hẹn hò cao cấp tại Hà Nội, mua gói dịch vụ gần một trăm triệu đồng với cơ hội gặp mặt gần chục cô gái vừa có trình độ, có ngoại hình, cùng gia cảnh tốt.
Khi gặp Ngân, anh rung động nhưng kết thúc buổi hẹn, khi cô hỏi anh nhận xét thế nào về mình, anh bối rối buột miệng "Anh thấy em cũng... bình thường", dù thực lòng rất ấn tượng với cô gái. Trường không nhận ra câu trả lời nhạt nhẽo đã khiến anh mất điểm. Cùng với đó, ngày ngày anh vẫn miệt mài nhắn tin quan tâm: "Chúc em một ngày tốt lành", "Em ăn cơm chưa?", "Chúc em ngủ ngon"... Bị cô gái mình thích ngó lơ, chàng trai cảm thấy bế tắc, không biết cách làm thế nào để phát triển tình cảm.
Nhung lập tức nhận ra anh "có vấn đề" và vào cuộc giúp đỡ. Cô phải hướng dẫn Trường cách gợi chuyện với cô gái, thậm chí những tin nhắn đầu tiên như hỏi thăm gì, rủ đi chơi ở đâu... cũng phải soạn giúp.
Trong nhóm các bà mối chuyên nghiệp tại một công ty mai mối ở Hà Nội có Tuyết Nhung và hai người khác. CEO của công ty, bà Vũ Nguyệt Ánh, với kinh nghiệm 10 năm, bắt đầu truyền nghề cho các nhân viên của mình từ hơn nửa năm trước. Tất cả họ đều trải qua một khóa đào tạo trong vài tháng, trước khi được nhận khách hàng tư vấn.
Nhung kể, có những cuộc mai mối cô ngồi nghe tâm sự của khách hàng hơn ba tiếng. Trong khi đó ông xã của cô phải ngồi trong xe chờ vợ, hơn 11h đêm mới xong việc. Có lần, khách đi hẹn hò về, cảm xúc lên cao, muốn được tâm sự với bà mối ngay lập tức. Đang nằm bên chồng, cô dậy phải nghe khách hàng nói chuyện giữa đêm khuya. "Đó là một sự hỗ trợ 24/7. Tôi xem mình là người bạn tâm giao, tri kỷ với khách hàng", Nhung kể.
Khi làm trong lĩnh vực này, Nhung bất ngờ khi thấy nhiều khách có hồ sơ rất "khủng". Nhưng họ cũng có nhiều góc khuất, điểm yếu. Như Tiến Trường, cá tính rất thật của anh đôi khi làm phật lòng phái nữ. "Anh ấy thiếu sự tinh tế, không có khiếu ăn nói, đơn giản hơn là không biết tán gái", Nhung nhận định. Cô đã tư vấn cho nam khách hàng những kỹ năng hẹn hò để hoàn thiện bản thân.
Bà mối Thùy Chi, 32 tuổi, là người đã sử dụng hầu hết các dịch vụ hẹn hò cả online, offline trước khi lấy chồng. Cô quan niệm, việc tìm một nửa phù hợp sẽ theo mình suốt cuộc đời vô cùng quan trọng, tại sao không đầu tư công sức, thời gian, tiền bạc. Bằng cách này, Chi đã gặp rất nhiều người và chọn được người chồng phù hợp qua một app hẹn hò.
Đầu năm 2022, thấy Nguyệt Ánh tuyển bà mối, Chi quyết định bỏ việc ngân hàng ổn định với mức lương tốt để chớp cơ hội. "Công việc trước đây tôi không có đam mê. Khi chia sẻ với chồng, anh ủng hộ tôi và khẳng định sẽ lo kinh tế trong nhà, còn em cứ làm công việc gì thấy vui vẻ", Chi nói.
Tham gia khóa đào tạo, Chi nhận thấy những kiến thức mình đã học và đọc về tình yêu, hẹn hò, mối quan hệ được phát huy tác dụng. Sau 6 tháng, cô đã sắp xếp được hơn 100 cuộc hẹn và đang sở hữu số lượng ứng viên độc thân nhiều nhất công ty. "Điều vợ chồng tôi rất bất ngờ nữa là thu nhập tháng vừa rồi đạt 60 triệu đồng, cao hơn so với công việc ngân hàng trước đây", cô tiết lộ.
Ngoài ba bà mối, nhóm của Vũ Nguyệt Ánh còn có hai chuyên gia săn ứng viên (candidate hunter), tìm kiếm những người người độc thân tiềm năng phù hợp với khách hàng và cũng đang có nhu cầu hẹn hò. Các candidate hunter sẽ có ba tháng thử thách, sau đó sẽ phải qua các bài kiểm tra để được cân nhắc bước sang giai đoạn chính thức đào tạo thành bà mối.
Candidate hunter Nguyễn Hồng Hải Linh, 28 tuổi, cho biết cô thích được nói chuyện, lắng nghe tâm sự của mọi người. Trước đây, cô luôn để ý gán ghép những đồng nghiệp, bạn bè của mình. Có một đôi cô ghép đã chuẩn bị đám cưới thì chia tay và lần lượt gọi điện tâm sự với cô suốt 6 tiếng để xả bức xúc. "Lúc đó tôi mới thấm cái câu ông cha hay nói 'Trên đời có bốn cái ngu, ngu nhất là làm mai'", Hải Linh nói.
Không cam lòng, Hải Linh đã kiên nhẫn lắng nghe tâm sự của từng người, phân tích đúng sai cho họ, giúp họ nhìn ra điểm tốt của người kia và tiềm năng của mối quan hệ này. Sau buổi đó, hai người hàn gắn và đám cưới vẫn diễn ra như đã định.
Đam mê với việc kết nối người với người nên Linh chấp nhận thời gian học việc gian nan của nghề bà mối, dù cô đang có công việc tốt tại một công ty đa quốc gia. "Bên cạnh cơ hội được tiếp xúc với nhiều người thì công ty có lộ trình đào tạo và phát triển rất rõ ràng, chuyên nghiệp. Thực tế tôi cũng nhìn thấy các khách hàng của công ty sẵn sàng chi trả những mức phí rất cao để gặp các bà mối nhiều kinh nghiệm, nên nhìn ra mình rất tiềm năng để phát triển ", Hải Linh cho biết.
Ba năm Covid được coi là thời kỳ hoàng kim của các ứng dụng hẹn hò online khi mọi người không thể gặp gỡ trực tiếp.
Theo kết quả được công bố bởi hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab tháng 2/2022, 65% trong số hơn 1.000 người Việt tham gia khảo sát đang sử dụng ít nhất một ứng dụng hẹn hò. Trong đó, Tinder có nhiều người dùng nhất (21%), tiếp đến là các ứng dụng nhắn tin (19%) như Zalo, Telegram..., thứ ba là Facebook Dating (17%).
Đáng ngạc nhiên là các ứng dụng hẹn hò được sử dụng nhiều nhất để làm quen bạn mới (48%) chứ không phải để tìm kiếm người để kết hôn (39%). Nguyệt Ánh có vẻ đi ngược xu hướng, khi vẫn kiên trì theo đuổi triết lý kinh doanh "hẹn hò, tình yêu là câu chuyện giữa người với người và chỉ có con người mới thực sự hiểu được và giúp được". Trong tháng 11, bà đã cho mắt MatchMaker Team (đội ngũ mai mối) chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hẹn hò - tình yêu trên thế giới cũng nhận định sắp tới sẽ là thời kỳ thoái trào của các ứng dụng hẹn hò, bởi rất nhiều vấn đề bất cập và nguy cơ tiềm ẩn.
Trong phóng sự của đài truyền hình CNBC (Mỹ), tiến sĩ nhân chủng học Anna Machin, ĐH Oxford cho rằng có một số người dùng ứng dụng hẹn hò không phải là để tìm kiếm một mối quan hệ mà dường như đang trong một cuộc thi đua xem ai có nhiều "matches" (kết đôi) hơn.
Thậm chí còn có những người "quẹt vô thức", cứ tưởng mình đang hẹn hò mà thực tế không bao giờ đi xa hơn những mối quan hệ ảo. "Mọi người đang quay trở lại với hình thức được gọi là hẹn hò kiểu cũ", Anna Machin nói.
Romain Bertrand, một trong các lãnh đạo của Công ty Hẹn hò eHarmony (Mỹ) cũng nói: "Theo thời gian, mọi người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với việc quẹt và họ muốn thay đổi. Họ bắt đầu tìm kiếm thứ gì đó khác đi".
Ba công ty mai mối Matrimony (Ấn Độ), Duo (Hàn Quốc) và IBJ, Inc. (Nhật Bản), họ đều đang tập trung đẩy mạnh mảng mai mối trực tiếp thay vì hẹn hò qua mạng. Tại Việt Nam, thị trường mai mối trực tiếp cũng có không ít tên tuổi như Henhotoinay, Wematch, Happydating và một số bà mối tự do hoặc mở các nhóm nhỏ để phục vụ người quen biết.
Sau nửa năm khởi động dự án bà mối chuyên nghiệp, nhận được những phản hồi tích cực và đã tác thành được gần 100 cặp đôi, Vũ Nguyệt Ánh dự kiến sắp tới sẽ mở học viện đào tạo bà mối và ứng dụng kết nối các "bà mối" với người độc thân, với mục tiêu biến bà mối thành một nghề phổ biến và được công nhận trong xã hội.
Gia đình của Tuyết Nhung, sau khi thấy cô vui vẻ và năng động hơn hẳn trước đã không còn phản đối. Thùy Chi thì đang như được vẫy vùng biển lớn, khi được làm chính xác công việc mình thích. Với Hải Linh, cô đang phấn đấu sớm trở thành một bà mối.
"Tôi cũng muốn thay đổi quan niệm của ông cha, rằng mai mối không phải là một trong bốn điều ngu ngốc nhất trên đời, mà là một công việc rất có ý nghĩa, có thể giúp được nhiều người tìm thấy một nửa đích thực", cô nói.
Phan Dương