![]() |
Bà mẹ 16 tuổi và con trai 1 tuổi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trạm trưởng Trạm y tế xã Hàm Cần Nguyễn Tấn Tịnh cho biết, 95% dân số của xã là người dân tộc Rai nên nạn tảo hôn ở đây khá căng thẳng. Mỗi năm có 2-7 trường hợp sản phụ tuổi vị thành niên đến khám và sinh con tại trạm.
Năm 2006 có hai trường hợp. Năm nay có 5 trường hợp, trong đó có ca sản phụ chưa qua tuổi 15 như Mang Thị Nguyệt (sinh cuối năm 1992), sinh con tháng 5. Huỳnh Thị Minh Việt, cộng tác viên y tế của thôn 1, cho biết, nhiều em vị thành niên khi sinh con thường rất ngượng nên không ra trạm y tế xã khám. Các em thường sinh tại nhà.
Hiện tượng tảo hôn ở Hàm Cần gần như bị chính quyền buông lỏng nên có chiều hướng tăng lên. Ngoài em Mang Thị Nguyệt còn có các em Lê Thị Viện, sinh 1993; Mang Thị Chính, sinh 1991; Lê Thị Quyệt; Lê Nguyệt... Tất cả đều đang có thai hoặc đã sinh nở.
Nhiều trường hợp bỏ học lấy chồng như em Mang Thị Hến. Hến đang học lớp 4 thì bỏ dở để lấy chồng, bất chấp các thày cô giáo đến vận động quay lại lớp. Mẹ em bảo: “Nó có chồng rồi còn học làm gì nữa. Để nó còn đi làm bắp nuôi chồng con nữa...”.
![]() |
Trần Thị Thúy (nằm võng) sinh năm 1988, và Nguyễn Thị Bình (ẵm con) đều bỏ chồng. Thúy lấy chồng từ năm 2001 khi 13 tuổi. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Thày giáo Bùi Văn Khiêm, tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Hàm Cần, than thở: “Trẻ trai 13, 14 tuổi đã đến nhà bạn gái ngủ, khi nào có con thì gia đình hai bên lễ cưới mà chẳng cần đăng ký kết hôn. Trẻ sinh ra đến khi đi mẫu giáo mới được thày cô làm khai sinh cho. Nhiều cháu đang học lớp 4, lớp 5 không vì lý do gì tự dưng bỏ học lấy chồng. Chỉ tiếc công chúng tôi đi vận động mãi rồi chỉ nhận được những cái lắc đầu của bố mẹ chúng”.
Xã Hàm Cần chỉ cách thành phố Phan Thiết 20 km, đường xe máy đi chưa đầy 30 phút.
(Theo Tuổi Trẻ)