Dekeda Brown, 41 tuổi, đang ở trong cửa hàng bán rau quả ở Olney, Maryland và nhớ lại thời điểm nhận giải thưởng "Bà mẹ của năm" của thành phố New York. Khi đó chồng chị hòa mình vào đám đông bên dưới, nhìn chị với ánh mắt đầy tự hào và chụp hình cho hai con gái, một bé 11 tuổi và một bé 15 tuổi.
Gần như tròn một năm sau đó, Dekeda đứng ở phía sau quầy rượu trong nhà, cầm điện thoại và chìa khóa trong tay và phân vân liệu chị có nên bắt đầu đập phá các chai rượu không. "Khi đó tôi như kiểu nghĩ rằng còn điều gì có thể tồi tệ hơn nếu tôi đập vỡ chỗ chai lọ đó?", chị kể lại.
Liz Halfhill, mẹ đơn thân 30 tuổi, gào thét khản cổ từ phòng ngủ của chị ở Spokane, Washington. Lúc đó là 6 giờ 30 phút sáng và cậu con trai 11 tuổi của chị đang xem hoạt hình ở ngoài phòng khách cũng hét lên đáp trả.
Kể từ khi đại dịch nổ ra, hò hét là hoạt động hàng ngày của 2 mẹ con chị vào mỗi sáng. "Tỉnh dậy đã khó rồi, lúc này mọi thứ đều tồi tệ và vì thế đó là cách chúng tôi xả stress", chị tâm sự.
Mercedes Quintana, 29 tuổi, tự hỏi tại sao cô có thể nghĩ tới chuyện nấu tới ba bữa sáng riêng cho từng người trong nhà.
"Chúng tôi chưa bao giờ tự nấu ăn nên tôi nghĩ nếu là người mẹ tốt thì nên nấu ăn cho các con mình", chị nói. Chị đang ở trong căn nhà tại Temecula, California với một tay cầm chiếc thìa trộn bột còn tay kia cầm laptop. Chị vừa làm bánh sô cô la cho con gái 3 tuổi, nướng bánh mì cho chồng, khoai tây nghiền cho bản thân vừa tìm cách nhận một cuộc gọi qua Zoom. Thế nhưng tai nghe của chị không kết nối được trong khi bánh trong chảo chuẩn bị cháy.
"Lúc đó là 9 giờ 31 phút sáng và tôi tức giận đến phát điên lên", chị kể lại.
Ba bà mẹ, ở ba nơi khác nhau trên đất Mỹ, đều đang căng thẳng, nổi giận và mất kiểm soát do nếp sinh hoạt đảo lộn vì dịch bệnh.
Câu chuyện về cuộc sống hàng ngày của 3 người mẹ kể từ khi đại dịch mới bắt đầu cho thấy một kết hợp của sự hỗn độn và kiên cường, sự bất mãn và kiên định và tất nhiên cả niềm hi vọng. Nói một cách khác, đó là cuộc sống của những người làm mẹ.
"Có những ngày tôi thậm chí còn cảm thấy mình không tồn tại. Cứ như kiểu tôi trải qua một ngày với 24 giờ mà không nhớ mình làm những gì bởi suốt cả ngày tôi chỉ có đi, đi và di chuyển", Liz tâm sự.
"Đó đúng là công thức khiến con người ta phát điên", Laurel Elder, một nhà khoa học thuộc Đại học Hartwick đang nghiên cứu về những ảnh hưởng tâm lí do đại dịch, nhận xét. Nói không ngoa thì kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy: Nếu đã trở thành một người mẹ thì bạn sẽ không có nổi một ngày nghỉ ngơi.
Sự hỗn loạn
Dekeda đang ngồi tại bàn ăn ở nhà bếp – nơi chị gọi là "chiến trường" – trước mặt chị là hai chiếc laptop và chị đang đánh máy với tốc độ của một thư kí tòa án. Tai trái chị đang lắng nghe cuộc họp công việc, tai phải chị đang nghe tiếng cô giáo dạy chương trình toán đặc biệt cho con chị.
Leilani, con gái chị, mắc chứng tự kỉ và không biết nói. Bé không thể tự mình làm những công việc hàng ngày và mỗi ngày trôi qua đối với bé là cuộc vật lộn. Bé học với cô giáo qua máy tính có màn hình cảm ứng.
Vào buổi chiều muộn, Derrick, chồng của Dekeda, vừa hoàn thành công việc và trở về nhà. Anh gọi vọng lên lầu tìm con và đi tới tủ lạnh như thường lệ. Dekeda nhắc chồng rửa tay nhưng anh đi về phía chiếc máy vi tính và gọi vợ: "Cô giáo vừa gọi Leilani kìa em!"
Ngay lập tức, Dekeda tắt tiếng của máy tính, xin lỗi mọi người trong công ty rồi giúp con gái đánh máy trả lời cô giáo. Một lúc sau chị nghe thấy tiếng sếp gọi: "Cô nghĩ sao, Dekeda?"
"Chuyện đó diễn ra trong vòng một giờ", Dekeda kể lại và chị phải chạy qua chạy lại đồng thời luôn miệng xin lỗi cả sếp và cô giáo của con mình.
"Cuối cùng tôi chạy vào phòng ngủ và khóc", chị nói tiếp. Chị cũng nói là trong những ngày này chị không biết mình là ai nữa.
Vào mỗi sáng chị tập thể dục, đưa hai con gái tới 2 ngôi trường khác nhau và đến chiều xoay xở để cả nhà ăn tối vào lúc 7 giờ. Đến cuối tuần, chị hoạt động năng nổ ở nhà thờ, huấn luyện đội cổ vũ cho cuộc Olympics đặc biệt và là một thành viên hoạt bát của cộng đồng người tự kỉ. Chị cũng đang quản lý một tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ các phụ huynh có nhu cầu đặc biệt.
"Mọi việc diễn ra như chiếc đồng hồ xoay vòng vậy và tôi cảm thấy vui với mọi hoạt động của mình", chị chia sẻ.
"Tôi là một bà mẹ có con bị tự kỉ và chúng tôi thường nói là "Chúng ta không được ốm, chúng ta không thể chết và chúng ta không được suy sụp". Tôi phải là người duy trì tinh thần đó cho tất cả mọi người trong nhà", chị nói.
Mệt mỏi
Max, con trai Liz, ghét trường học, cho rằng trường học là nơi chán ngắt và khiến cậu bị đau đầu. Cậu bé bị bắt gặp đang chơi game trong giờ học và bị tước quyền dùng điện thoại. Tuy vậy, thầy giáo của Max rất tốt bụng, Max vẫn làm hết bài tập về nhà và có bạn cùng học ở nhà với cậu.
Susan, hàng xóm của Liz, đã đồng ý cho con trai mình học chung với Max và cô ấy sẽ giám sát việc học của cả hai. Tuy vậy, con trai Susan bất ngờ bị ốm và cô phải ở nhà chăm con.
Cả buổi sáng hôm sau Liz vừa phải thực hiện nhiệm vụ sếp giao vừa phải xem bài tập vẽ của Max. Chị cố gắng tìm thời điểm thích hợp để giải thích với sếp rằng chị cần phải làm việc từ xa. "Tôi không nghĩ họ sẽ sa thải tôi, nhưng nguy cơ đó luôn hiện hữu", Liz kể.
Hiện giờ ngoài đi làm và nuôi con, Liz còn tham gia một khóa học mà chị đã bỏ lỡ lúc mang thai Max. Chị chỉ còn một học kì nữa là hoàn thành khóa học và chị hi vọng sẽ nhận được bằng để có thu nhập cao hơn.
Chị cũng đang làm việc với một công ty chuyên cầm cố để tăng cơ hội được vay tiền mua nhà. Hai mẹ con chị đang thuê một căn nhà gỗ gần trường học của Max và chủ nhà sẵn lòng bán lại cho chị nếu chị có tiền.
"Đó là lí do tại sao tôi không thể để mất việc được", chị tâm sự.
Và mỗi khi đêm về, trong đầu Liz nảy ra rất nhiều điều nếu chẳng may. Nếu chẳng may chị bị ốm? Nếu chẳng may chị mất việc làm? Ngày mai, tuần tới, tháng tới Max sẽ đi đâu? Đôi khi chị cảm thấy tim bị đè nặng đến nỗi như rơi ra khỏi lồng ngực.
Bất mãn
Mercedes thức dậy với tâm trạng tồi tệ.
Cả người chị đau nhức. "Mông, đầu gối và chân tôi khiến tôi có cảm giác như vừa đi dạo 3 ngày liền trong công viên", chị kể. Chị cảm thấy không có động lực để làm bất cứ việc gì và chị không ngừng nghĩ về vấn đề "bình đẳng giới".
Cả chị và chồng chị đều dậy sớm để tham dự buổi đào tạo của công ty, công việc mà Mercedes vẫn luôn muốn được tham gia.
"Thế nhưng anh ấy giam mình trong phòng làm việc cả ngày còn tôi thì chơi với Mila và chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Tại sao anh ấy không làm việc đó? Tại sao cứ phải là tôi làm chứ", chị bức xúc.
Chồng chị là người kiếm tiền chính nuôi cả nhà nên chị biết câu trả lời là gì. Tuy nhiên trong những ngày này, chị có cảm giác như đang bị cả thế giới "hắt nước vào mặt" vậy.
Khi bé Mila khóc đòi chơi, chồng chị bảo con là "chốc nữa nhé" rồi "lẩn" vào phòng làm việc. Trong lúc Mercedes đang nói chuyện với khách hàng, bé Mila hét lên: "Mẹ mẹ ơi!" thì chồng cô đi nổ bỏng ngô. Sau đó, trong khi chị đang vừa làm việc vừa chơi với con gái thì chồng chị nằm ngủ trên ghế sofa.
"Những những ngày như vậy, tôi chỉ ước gì anh ấy ngồi im trong phòng làm việc và đóng chặt cửa lại để tôi không phải giúp gì cho anh ấy nữa", chị tâm sự. Trước khi đại dịch nổ ra chị đã từng quay trở lại làm việc nhưng chị luôn trong tình trạng lo sợ bị sa thải vì không hoàn thành tốt công việc. Chị cảm thấy mắc kẹt giữa công việc và nhiệm vụ làm mẹ, làm vợ của mình.
Hi vọng
Có những lúc Dekeda nhìn con gái và cảm thấy biết ơn vì được trải nghiệm những khoảnh khắc với con mà nếu không ở nhà chị sẽ không có được. Ba mẹ con tham gia chơi trò giằng co với cún cưng, trượt patin ở công viên, những hoạt động vừa để 3 mẹ con giải trí vừa chữa trị cho Leilani.
Mercedes và Liz cũng trân trọng thời gian dành bên con, những khoảnh khắc quý giá mà nếu không ở nhà hai bà mẹ không thể có được.
Bây giờ cả ba bà mẹ đều có chung một cảm xúc, hi vọng về vaccine, cơ hội việc làm mới hay những dự định cho tương lai. Các bà mẹ sẽ vẫn bận rộn nhưng tất nhiên họ sẽ dễ quản lí cuộc sống của mình hơn và chắc chắn cả ba bà mẹ sẽ thoát khỏi tình trạng hỗn loạn như hiện nay.
Khánh Ngọc (Theo New York Times)