Lần gần nhất Linh quan hệ tình dục khoảng một tháng trước đó, không sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai hay bất kỳ phương pháp tránh thai nào. Khi có kết quả thử thai hai vạch ở nhà, cô run rẩy, muốn gọi cho bạn trai nhưng không dám. Cả Linh và bạn trai đều đang là sinh viên, cùng thuê nhà lên Hà Nội học tập.
Sự việc xảy ra cách đây một năm. Khi ấy, "tiền trang trải cuộc sống không đủ nói gì đến nuôi một đứa con", cô gái kể lại. "Chưa kể nếu mang thai, phải bảo lưu kết quả học tập".
Khác với Linh, chị Hạnh, 33 tuổi, đã có hai con nên khi biết có thai, chị không chần chừ mà nhanh chóng quyết định phá bỏ. Sau khi uống thuốc phá thai được kê ở phòng khám tư, cơ thể chị xuất hiện tình trạng ra nhiều cục lẫn máu tươi, đau bụng âm ỉ. Bệnh nhân kể lại lần vào viện gần một năm trước. Bác sĩ xác định chị bị băng huyết do phá thai bằng thuốc, phải nạo buồng tử cung cầm máu và truyền 3 đơn vị máu.
Những cô gái trẻ như Linh hay những bà mẹ như chị Hạnh không hiếm. Họ không sử dụng biện pháp phòng tránh thai, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn.
Phát biểu tại Hội thảo hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới 26/9, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, cho biết hàng năm có tới 33% số các trường hợp mang thai trên thế giới là ngoài ý muốn, 36% người tuổi vị thành niên có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai ở Việt Nam là 76,5%. Trong khu vực ASEAN, tỷ lệ này chỉ thấp hơn Thái Lan. Trong đó, 66,5% dùng các biện pháp tránh thai hiện đại, 10% tránh thai truyền thống. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống như phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo, tránh ngày phóng noãn... hiệu quả không cao. Đặc biệt, tình trạng có thai ngoài ý muốn đang xu hướng tăng, nhất là với phụ nữ đã có từ hai con trở lên. Do đó số ca phá thai xu hướng tăng cao.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em cho biết tỷ số phá thai ở Việt Nam năm 2018 là 0,14; tức là cứ 100 trẻ sinh sống thì có 14 thai bị phá.
Chưa có thống kê những trường hợp đẻ con ra rồi bỏ rơi. Vụ vứt bỏ con gây hậu quả nghiêm trọng nhất gần đây là vào tháng 6. Người phụ nữ tên Phạm Thị Thành, 31 tuổi, đã sinh con rồi bỏ đứa bé ở hố gas. Công an phát hiện, Thành bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Đứa bé sau đó được đưa đến Bệnh viện Xanh Pôn song không qua khỏi.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có tới gần 80 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, trong đó 20 triệu ca có ý định phá thai. Khoảng 222 triệu phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai nào dù không dự định có con.
Bác sĩ Vũ Ngân Hà, Phó trưởng khoa Phụ ngoại, bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nạo phá thai, trong đó, việc thiếu hiểu biết về kiến thức giới tính, không phòng tránh thai đúng cách khiến mang thai ngoài ý muốn là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
"Có những em đã phải trở thành bà mẹ 'bất đắc dĩ' khi mới 10 tuổi và có những em 15 tuổi đã nạo phá thai hai lần", bác sĩ nói.
Ở Việt Nam, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh khoảng 20-25%. Nữ giới đa phần do viêm nhiễm, viêm dính vùng tử cung, tắc vòi trứng, tổn thương niêm mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung... Hậu quả này phần lớn do phá thai và tình dục không an toàn.
Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, năm 2019 đã có hơn 25 triệu phụ nữ trên khắp cả nước trực tiếp được chính cán bộ dân số tư vấn bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp. Các phương pháp tránh thai hiện đại phổ biến ngày này gồm: sử dụng bao cao su, đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai, tiêm thuốc tránh thai, que cấy tránh thai, triệt sản, thắt ống dẫn tinh...Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai cần được quan tâm hơn.
"Phòng tránh thai mang lại nhiều lợi ích như chủ động trong việc sinh con, tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình", ông Tú nói.
Chị Hạnh suýt mất mạng vì cái thai ngoài ý muốn. Do sử dụng thuốc phá thai không có sự theo dõi của y bác sĩ chuyên khoa nên dẫn đến băng huyết. May mắn được cấp cứu kịp thời, song chị Hạnh phải nằm viện dài ngày theo dõi. Chị được tư vấn về chăm sóc bảo vệ sức khỏe sinh sản sau lần biến chứng phá thai mà với chị "ám ảnh đến bây giờ".
Với Linh, cô nhớ lại khoảnh khắc nhìn trân trối que thử thai hai vạch, mãi mới đủ can đảm gọi điện thông báo đến bạn trai, song nhận được sự im lặng. Linh quyết định phá thai khi nhận thấy bản thân còn quá trẻ, không ổn định về kinh tế, sinh con ra, đứa bé sẽ không nhận được cuộc sống tốt nhất.
"Cuộc sống của mình còn rất dài, mình còn những cơ hội khác để mang thai nên phải lựa chọn mang lại điều tốt đẹp nhất cho con và cho chính bản thân", Linh cúi mặt, nói và bày tỏ sự ân hận.
* Tên nhân vật được thay đổi