![]() |
Lao động xuất khẩu đang làm việc tại một nhà máy ở Đài Loan. |
Chị Sinh chỉ là 1 trong số hơn 2.300 lao động Việt Nam tại Đài Loan đã đơn phương chấm dứt hợp đồng (chiếm 5,5% tổng số lao động đang làm việc). Đa số người lao động nêu lý do thu nhập tại các doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết không đảm bảo. Chị Sinh kể, với mức lương 15.840 đài tệ/tháng, lại bị trừ rất nhiều khoản như tiền ăn, ở, thuế thu nhập, bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm thân thể..., chị chỉ đủ trang trải cho nhu cầu của bản thân, không hề tích cóp được đồng nào. Trong khi khoản vay hơn 3.500 USD cho chuyến xuất khẩu là nỗi lo canh cánh của chị.
Vì thế, khi được mấy người Việt cũng bỏ trốn ra ngoài giới thiệu, chị Sinh đã trốn ra tìm việc ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Dù công việc vất vả hơn, lại không ổn định (thay đổi chỗ làm đến 4 lần trong vòng 7 tháng), song với thu nhập cao (khoảng 25.000 đài tệ/tháng), chị vẫn chấp nhận. Đến tháng 7/2002, khi số tiền tích cóp đủ để trả nợ, chị Sinh mua vé máy bay về nước. "Coi như mình đi làm việc 2 năm, chấp nhận xa chồng con, giờ về vẫn tay trắng", chị nói.
Chị Nguyễn Thị Nga, ở Đông Anh, Hà Nội, người cùng làm việc với chị Sinh, cho biết thêm, nguyên nhân khiến nhiều lao động muốn bỏ trốn là quy định của Công ty CENDAI rất khắt khe. Họ hạn chế công nhân tiếp xúc với cộng đồng người Việt bên đó. Ngay cả việc giao lưu với công nhân người Thái Lan, người Đài Loan cũng bị thắt chặt khiến nhóm 25 lao động Việt Nam chỉ biết co cụm lại với nhau. Cũng có nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình làm việc, Công ty Interserco đã cử người sang song cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Theo Cục Quản lý lao động, tình trạng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, bỏ ra ngoài làm việc đang là nỗi bức xúc của cả phía Việt Nam và phía tiếp nhận lao động. Không chỉ Đài Loan, tại Hàn Quốc, tỷ lệ bỏ trốn lên tới trên 60% (khoảng 14.000 người), tại Nhật Bản là 20%. Một số nước và lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đã tiến hành biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng này. Tại Đài Loan, từ ngày 1/9 đến hết 30/11, chính quyền tiến hành chiến dịch truy quét số lao động bỏ trốn. Lao động trái phép bị bắt sẽ bị phạt 150.000 đài tệ (tương đương với 10 tháng làm việc) và có thể bị phạt tù.
Từ ngày 1/9 đến ngày 31/10, Chính phủ Hàn Quốc cũng yêu cầu người nước ngoài đang lưu trú bất hợp pháp phải ra trình diện để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận tư cách lưu trú và Giấy chứng nhận cấp thị thực. Nếu đến 31/10, những lao động nước ngoài không đăng trình, khi bị phát hiện lưu trú bất hợp pháp sẽ phải hồi hương và bị cấm nhập cảnh vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho đến ngày 27/10, tức là chỉ còn 4 ngày nữa là hết thời hạn trình diện, mới có 5.640 trong tổng số 14.400 người bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp đến làm thủ tục.
Về phía Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo doanh nghiệp tìm mọi biện pháp nhằm đưa lao động bỏ trốn về nước. Bộ cũng "thẳng tay" trừng phạt 3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động có tỷ lệ bỏ trốn cao mà không có biện pháp khắc phục. Theo đó, từ hôm nay, 3 công ty Xây dựng và Phục vụ việc làm Thanh niên xung phong Đà Nẵng, Công ty Xây lắp điện 2 và Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Hà Tĩnh, bị tạm đình chỉ hoạt động cung ứng lao động sang Đài Loan trong 3 tháng vì có tỷ lệ lao động bỏ trốn trên 3% mà chưa có biện pháp khắc phục. 16 doanh nghiệp khác bị nhắc nhở cũng vì lý do này.
Để giải quyết vấn nạn này, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng đang sốt sắng cử thêm cán bộ sang Đài Loan và Hàn Quốc, phối hợp với công ty môi giới nhằm nhanh chóng đưa lao động bỏ trốn về nước. Việc giáo dục định hướng cho số lao động sắp xuất khẩu cũng được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp việc này đang vấp phải rất nhiều khó khăn. Bởi ý thức chấp hành pháp luật của lao động Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Thậm chí, ngay từ khi bước chân lên máy bay, họ đã có ý định bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phụ trách hoạt động xuất khẩu lao động sang Đài Loan của Công ty Dịch vụ xuất nhập khẩu tiểu thủ công nghiệp phía Nam (Coopimex) - đơn vị nằm trong số 16 doanh nghiệp bị cảnh báo vì có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao - cho biết, Coopimex đang có 30 người làm việc tại Đài Loan trốn ra ngoài và chưa đưa về được. Lý do là phần lớn họ được người thân ở Đài Loan bao che nên không thể xác định được nơi cư trú. "Chúng tôi chỉ biết trông cậy vào sự nhiệt tình tìm kiếm và làm thủ tục đưa lao động về nước của phía công ty môi giới. Việc cử cán bộ sang vừa tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả bởi ngay cả nơi lao động ở cũng có xác định được đâu", anh Hùng nói.
Đại diện một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) cho rằng các biện pháp mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang áp dụng như yêu cầu thân nhân kêu gọi con em mình đang bỏ trốn về nước, không cho xuất khẩu người có thân nhân ở Đài Loan có khả năng lôi kéo lao động ở lại và cuối cùng là đình chỉ hoạt động cũng chỉ mang tính chất tình thế. Bởi hiện quy định về việc yêu cầu lao động bồi thường chi phí khi phá vỡ hợp đồng vẫn còn chung chung. "Giá như nói rõ hợp đồng làm việc 2 năm, anh mới làm được 1 năm đã bỏ sẽ phải bồi thường một số tiền cụ thể là 20 hoặc 30 triệu đồng. Lao động cứ nhìn thấy số tiền phải bồi thường như thế là họ sẽ phải cân nhắc hơn trước khi muốn ra ngoài", ông này nói.
Như Trang