Phạm Thị Ngọc Liên
Nhiều cây bút nữ trẻ đang đem độc giả ra để thí nghiệm cách viết của mình. Phải chăng đó là "con đường tắt" của họ?
Những người yêu văn học chắc chắn đã từng đọc qua tác phẩm Carmen, ra đời từ thế kỷ XIX, của nhà văn Prosper Merimee.
Carmen là cô gái Bohemien, tính cách phức tạp và mâu thuẫn. Bên cạnh những thói xấu, cô gái đẹp Carmen rất thông minh, quyến rũ, có sức hấp dẫn khó cưỡng lại. Tính cách đặc biệt nhất của Carmen là tôn trọng tình cảm. Cô có một dục vọng mãnh liệt, đi đôi với một nghị lực phi thường. Trong cuộc sống, cô sẵn sàng nhận cái chết, không để ai xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của mình...
Khi xây dựng nên hình ảnh một Carmen đầy dục vọng, đương nhiên Prosper Merimee phải mô tả cuộc sống tình dục của nhân vật này, một cuộc sống phù hợp với tính cách và nhân cách, khiến người đọc khó tính đến mấy cũng chấp nhận.
Chủ đề tình dục trong văn chương không lạ
![]() |
Tập truyện "Bóng đè". |
Tình dục là đề tài đã có đầy rẫy trong các tác phẩm văn học nước ngoài. Từ các tác phẩm văn học cổ điển đến các tác phẩm văn học cận đại, hiện đại và vô số các tác phẩm khác, người đọc thường gặp những trang viết về tình dục của các nhân vật chính, phụ. Gặp mà không cảm thấy chối, thấy ngượng mắt. Bởi vì những cảnh sinh hoạt tình dục ấy được đặt đúng chỗ, với mức độ vừa phải không lố bịch.
Năm 2005, bạn đọc trên thế giới, nhất là châu Á, phải giật mình trước hiện tượng các nhà văn nữ "vùng lên" trong sáng tác.
Một loạt sách của các nhà văn nữ Trung Quốc được dịch và giới thiệu tại Việt Nam, gây sửng sốt cho nhiều người đọc. Chuyện tình dục không còn là điều cấm kỵ trong các tác phẩm này. Các nhà văn nữ đã phô ra những bản năng thầm kín của phái nữ trong tác phẩm của mình. Dường như họ xem đó là bước tiến mạnh mẽ trong việc bình đẳng ngòi bút với nam giới. Thậm chí chúng còn "trần trụi" và "thực" hơn ngòi bút nam giới trong việc lột tả tưng chi tiết tâm, sinh lý của nhân vật.
Bạn đọc có thể nhận ra điều ấy qua các tác phẩm Điên cuồng như Vệ Tuệ, Quạ đen, Búp bê Bắc Kinh, Triền miên nước & lửa, Xin chào các tiểu thư, Thiếu nữ đánh cờ vây...
Đại diện cho các tác phẩm vừa kể là Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ, một cô gái 17 tuổi. Cuốn sách này đã gây chấn động Trung Quốc vì đã "mô tả cách bộc trực sự thức tỉnh về mặt tình dục của một cô gái trẻ".
Để nói lên "khát vọng làm chủ": Tôi là của tôi và tôi có quyền sử dụng tôi, tác giả mô tả cái tôi của mình, bất chấp dư luận sẽ đánh giá ra sao. Dục tính trong tác phẩm, như một món ăn, ắt có và phải có đối với các nhu cầu bình thường của con người trong cuộc sống. Sự say mê nhục cảm của Xuân Thụ, thái độ điềm nhiên với tình dục và phong cách viết vừa trữ tình, vừa thô ráp lôi cuốn giới trẻ Trung Quốc một cách triệt để.
Cùng với Quạ đen của Cửu Đan, Điên cuồng như Vệ Tuệ của Vệ Tuệ, Búp bê Bắc Kinh như một cuộc đột phá, thách thức của giới trẻ đối với nền văn hoá phong kiến của Trung Quốc xưa. Nó phô ra sự đổi mới nhanh chóng của xã hội hiện đại.
Tình dục trong văn chương Việt Nam
Đã có thời kỳ dài, văn học Việt Nam gần như không đề cập đến lĩnh vực này. Nếu có, chỉ thoáng qua, mặc nhiên xem nó như một điều cấm kỵ.
Tôi nhớ, cách đây khoảng 20 năm, một tác phẩm của nhà văn Đào Hiếu từng bị dư luận tẩy chay, phê phán nặng nề. Chỉ vì trong đó, tác giả viết nhân vật chính quá bản năng về tình dục, nhớ người yêu đến nỗi "phải ôm ấp, hít ngửi chiếc quần lót của nàng cho đỡ nhớ".
Tuy nhiên, vài năm sau đó, cùng với làn sóng hội nhập văn minh, văn hoá thời mở cửa, nền văn học Việt Nam cũng chấp nhận một số "tình huống văn chương" để không quá tụt hậu so với văn học nước ngoài.
Lĩnh vực tình dục cũng được ngó đến, nhưng chỉ giới hạn trong cây bút nam. Các nhà văn, nhà thơ nữ, nếu có đả động đến lĩnh vực này, đều bị đánh giá là "mạnh mẽ, táo bạo", thậm chí "đi ngược truyền thống kín đáo, thuỳ mỵ" của nữ giới.
Thời gian gần đây, tại Việt Nam, một số cây bút nữ cũng gây xôn xao dư luận khi đề cập tới lĩnh vực nhạy cảm này trong tác phẩm của mình. Bạn đọc, tuỳ nhận định, có thể khen hay chê cách viết của họ là "mới mẻ" hoặc "quá trần trụi". Nhưng nó vẫn là một khuynh hướng mới trong cách viết của một số nhà văn nữ.
Bằng cách viết động chạm đến chuyện cấm kỵ, họ đã tự "cởi trói", tự chứng tỏ rằng trong sáng tác, không nên phân biệt nam hay nữ. Bằng nội tâm phong phú và nhạy cảm, họ cho rằng họ viết về giới của họ trung thực hơn những gì người khác áp đặt.
Tiêu biểu, trong thời điểm 2005, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư được xem như "một bứt phá ngoạn mục" so với cách viết thật thà, nhà quê trước đó của cô. Cây bút nữ được yêu mến bởi những tác phẩm viết về nông thôn Nam bộ, với những nhân vật "hiền như cá rô kho tộ", bỗng trở nên táo bạo, ác nghiệt, nhẫn tâm trong Cánh đồng bất tận. Cũng những con người ấy, nhân vật ấy, chợt đậm đặc như một thứ dục tính cuồng bạo. Không ít người vốn yêu quí giọng văn Nguyễn Ngọc Tư trước đây, phải kêu lên; "Ghê quá!".
Ghê thì ghê, Cánh đồng bất tận khi in thành sách, chỉ trong 2 ngày đã phát hành trên 5.000 bản (sau đó còn nối bản nữa). Điều đó chứng tỏ sự quan tâm (hay tò mò) của bạn đọc.
Văn chương như hoa thơm, có thể vừa mũi người này, nhưng lại quá hắc với người kia. Bởi ngoài những độc giả yêu thích Nguyễn Ngọc Tư, cũng có những độc giả có trình độ trí thức hẳn hoi (nghĩa là trình độ thẩm định văn chương không thấp) tuyên bố rằng: "Tôi không muốn con tôi đọc Cánh đồng bất tận"!
Dù dư luận khen chê thế nào, việc thay đổi cách viết, một sự tìm tòi của nhà văn, đáng được khích lệ. Rồi đây, cũng chỉ Nguyễn Ngọc Tư, khi đối diện với trang viết, mới nhận chân được đâu là con đường thật sự của mình.
Những phản ứng gay gắt của độc giả
Sau khi Cánh đồng bất tận làm mưa làm gió một thời gian, độc giả lại xôn xao vì Bóng đè. Đây là một truyện ngắn tràn đầy dục tính của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu.
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong lời giới thiệu, đã khen giọng văn của Diệu: "Thấm đẫm nữ tính, tỉnh táo nhiều khi đến tàn nhẫn mà vẫn thật mê hoặc". Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận định: "Gần như chủ yếu, Đỗ Hoàng Diệu viết về phụ nữ và dục tính. Cô dùng người nữ và dục tính như một bộ mã để gửi đi một thông điệp của mình cho cuộc sống này. Bóng đè là một truyện ngắn tiêu biểu, hay cả về nội dung và cách viết...".
Thực sự, Bóng đè nói lên điều gì? Đó là câu chuyện của một phụ nữ theo chồng về quê ăn giỗ 16 lần trong năm. Lần nào cô cũng bị bóng ma trên bàn thờ tổ tông của nhà chồng cưỡng hiếp. Người phụ nữ đó đã từ sợ hãi đến chấp nhận, rồi thèm khát hành động cưỡng hiếp ấy. Đến nỗi, cô trông mong chóng đến ngày giỗ sau để... được cưỡng hiếp!
Dù Bóng đè mang ẩn ý gì và được một nhà văn lớn giới thiệu một cách trân trọng, một nhà phê bình khen hết lời thì ngôn ngữ lột tả quá chi tiết của Đỗ Hoàng Diệu trong những pha bị cưỡng hiếp đã gây sốc cho nhiều người đọc, nhất là bạn đọc nữ.
Trong lần giao lưu với một số nhà văn nữ TP HCM, một nữ giảng viên đại học tuyên bố rằng: "Nếu người ta cho Bóng đè là tác phẩm văn học, tôi sẽ không bao giờ đọc sách văn học nữa".
Thế nhưng, do dư luận, một đồn mười, mười đồn trăm, Bóng đè bán rất chạy ngay sau khi phát hành. Người đọc, trong lúc trà dư tửu hậu, kháo nhau rằng: "Muốn biết sex thành thị thì đọc Hoàng Diệu, sau đó đọc Ngọc Tư để biết sex nông thôn", một kiểu phê phán nhẹ nhàng hàm ý giễu cợt đối với hai nhà văn nữ này.
Cuối năm 2006, tập truyện ngắn I am đàn bà của nhà văn nữ Y Ban khiến nhiều người từng yêu thích giọng văn của chị phải sững sờ thất vọng.
Nếu Đỗ Hoàng Diệu mượn giấc mơ để mô tả chuyện tình dục, thì ở I am đàn bà, Y Ban phô bày dục năng của nhân vật một cách trần trụi hơn. Chị để nhân vật của mình thố lộ về ham muốn lẫn thất vọng về tình dục một cách rất tự nhiên.
Ngôn ngữ văn chương trong tập truyện ngắn này hầu như không còn. Nhường lại cho những ngôn ngữ mô tả kiểu dòng văn học linglei của Trung Quốc: Tôi là của tôi và tôi có quyền sử dụng tôi. Điều này khiến nhiều bạn đọc nữ cảm thấy bị xúc phạm.
Một nữ sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gọi điện cho tôi với giọng đầy bức xúc: "Em không biết viết văn, nếu biết cũng không thể viết văn giỏi như các chị. Nhưng em nghĩ mình hiểu được cái nào là vẻ đẹp trong văn chương. Nếu văn chương mà cứ trần trụi, thô tục như thế thì, xin lỗi, xã hội đâu cần đến các chị nữa. Chị là đông nghiệp với chị Y Ban, chị nhắn giùm em câu nói ấy. Cám ơn chị"!
Thật là một phản ứng khá gay gắt. Tuy nhiên, nó cũng nói được sự tin cậy và mong mỏi của bạn đọc đối với những người viết văn.
Phải chăng đó chính là một con đường tắt
Với độc giả, viết văn là làm văn hoá, là đem lại cái đẹp cho xã hội. Vì thế, đứa con tinh thần của nhà văn không được phép tật nguyền. Bởi vì nó sẽ là một biểu tượng, một tấm gương, một con đường để hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu người nhìn ngắm và học hỏi. Khi biểu tượng sứt đầu gãy tai, tấm gương mờ nhạt, con đường lầy lội... thì ai còn dám trông vào đấy để tìm bài học cho mình?
Tình dục không có gì xấu. Nó là một hành động cao cả để người đến với người bằng tình yêu thương. Nó cũng giống những hành động khác của con người: ăn, ngủ, tiêu hoá, thở. Một tác phẩm văn học đề cập đến vấn đề tình dục không có gì đồi truỵ, nếu người viết không chú tâm khai thác nó một cách lệch lạc, không dùng ngôn ngữ mô tả quá trần trụi về các động tác yêu đương hay bộ giới tính của nhân vật.
Về cách viết "nói rõ, nói thẳng các sự việc" này, nhà văn nữ Lê Thị Thấm Vân, sống ở Mỹ, được xem như... vô địch. Tuy nhiên, thái độ đón nhận của độc giả hải ngoại đối với tác phẩm Lê Thị Thấm Vân không như ý chị muốn. Dù sống trong môi trường khá thoải mái trong quan niệm về tình dục, độc giả vẫn từ chối, không gọi tác phẩm của chị là văn học mà gọi là dâm thư, là truyện... con heo.
Trong khi đó, nhà văn nữ Mai Ninh cũng sống tại hải ngoại, mà độc giả Việt Nam đã có dịp đọc tác phẩm Cá voi trầm sát của chị, lại viết rất khéo léo về đề tài tình dục. Không gian và tâm lý nhân vật trong tác phẩm của chị tràn đầy dục tính. Nhưng nó được trình bày bằng ngôn ngữ văn chương thực sự. Nó khiến người đọc cảm thấy quan hệ tình dục của nhân vật trong tác phẩm là chuyện hiển nhiên.
Trở lại các tác phẩm về đề tài tình dục ở trong nước. Không riêng gì văn xuôi, lĩnh vực thơ ca, nơi được xem là "thánh địa của ngôn ngữ", cũng những ngôn từ trần tục xâm lấn quá nhiều. Đừng than thở tại sao độc giả quay lưng lại với thơ ca, nếu những "hình dung từ" về tình dục và giới tính cứ sừng sững như chọc vào mắt người đọc.
Đành rằng, khi sáng tác, nhà văn, nhà thơ phải tự tìm tòi, làm mới, nhưng đừng vì thế mà cho ra đời một tác phẩm ngay cả người thân của mình cũng ngượng mặt khi có ai hỏi đến.
Nói như cô sinh viên đã gọi điện cho tôi: "Xin đừng đem độc giả ra làm vật thí nghiệm cho phong cách viết của các chị. Tôn trọng độc giả chính là tôn trọng mình, hy vọng các chị biết điều đó".
Dù rằng từ "các chị" của cô có vơ đũa cả nắm thật và người bị phê phán không phải là tôi, tôi cũng cảm thấy rất buồn. Vì cô nói đúng một phần.
Gần đây, nhiều cây bút trẻ đang đem độc giả ra để thí nghiệm cách viết của mình. Phải chăng vì họ muốn "đi tắt" trên con đường văn chương?
Tác phẩm gây xôn xao dư luận, dù khen hay chê, cũng khiến tác giả của nó nổi tiếng nhanh. Đó là một thực tế. Trong việc này tôi không hiểu có nên trách móc nhà xuất bản không. Chẳng lẽ khi chấp nhận in một sản phẩm mà họ biết chắc sẽ gây ra phản ứng không hay cho người đọc, họ chỉ nghĩ đên doanh thu? Câu trả lời dễ đoán được là thời buổi kinh tế thị trường, người làm kinh tế chỉ cần nghĩ đến kinh tế mà thôi!
Thời gian sẽ thẩm định tác phẩm văn học
Viết văn, làm thơ giống như làm dâu trăm họ vậy. Có người dễ tính, có người khó tính. Chiều lòng tất cả mọi người là chuyện không tưởng. Người cầm bút lại phải luôn làm mới mình, nếu không sẽ bị tụt hậu. Vì thế, trong quá trình làm mới, các nhà văn, nhà thơ có thể "quá tay". Vấn đề là sau đó, họ phải biết gia giảm, sửa chữa lại để không mất đi cảm tình và niềm tin của độc giả dành cho mình từ trước đến giờ.
Về phần độc giả, tôi nghĩ, đừng đổ hết trách nhiệm cho những nhà văn, nhà thơ. Chính độc giả là người định đoạt mình sẽ chọn tác phẩm nào để đọc, để nghiên cứu, để gối đầu giường. Trong một xã hội tự do ngôn luận. Việc cấm đoán tư tưởng của người khác là điều không thể. Nhà sáng tác có thể viết những gì họ nghĩ, nhưng người đọc có quyền từ chối những tác phẩm không phù hợp với mình.
Luật đào thải trong văn chương rất khắc nghiệt. Một tác phẩm văn học chỉ có thể đứng được với thời gian bởi chính chiều sâu văn học mà tác phẩm đó mang lại cho cuộc sống, cho con người.
Đó là lý do tại sao Carmen từ thế kỷ XI và những tác phẩm kinh điển khác vẫn tồn tại cho đến bây giờ và chắc chắn sẽ còn tồn tại qua nhiều thế kỷ!
(Nguồn: Thế Giới Văn Hóa)