"Rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng là vấn đề cấp bách cần giải quyết không chỉ với mỗi quốc gia mà còn cả toàn cầu. Làm thế nào để giảm lượng rác thải ra mỗi ngày, làm sao để phân loại và xử lý rác hợp lý, từ đó giảm thiểu tác hại đến môi trường, rất cần ý thức, trách nhiệm của từng người dân, từng doanh nghiệp", đại diện Công ty Nhựa Duy Tân cho biết.
Để đồng hành cùng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Nhựa Duy Tân đã đầu tư và xây dựng nhà máy nhựa tái chế. Nhà máy sẽ cung cấp sản phẩm nhựa tái chế cho thị trường trong nước, góp phần bảo vệ môi trường sống, tiết kiệm nguyên liệu nhựa phế thải cũng như tạo việc làm và nâng cao mức sống cho lao động địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tham gia Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) đang hợp lực để thúc đẩy phân loại rác thải, thu gom và tái chế thông qua các hoạt động của PRO Vietnam. Đến năm 2030 tất cả bao bì đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế. Nhu cầu thị trường hiện tại và tiềm năng thị trường trong tương lai được cho là những lực đẩy để Nhựa tái chế Duy Tân nhanh chóng triển khai dự án.
Đẩy mạnh hoạt động trong năm 2022
Với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD, dự án Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ của chương trình tín dụng xanh do Ngân hàng HSBC Việt Nam triển khai và ký kết vào tháng 7/2020.
Kế hoạch đầu tư cho hoạt động của Nhà máy Nhựa Tái Chế Duy Tân chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2020 – 2021 với tổng đầu tư 20 triệu USD cho sản lượng 20.000 tấn một năm; giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện vào năm 2022 – 2023 tổng đầu tư 20 triệu USD và đẩy mạnh sản lượng 60.000 tấn một năm; giai đoạn 3 từ năm 2024 với tổng đầu tư 20 triệu USD cho sản lượng 100.000 tấn mỗi năm.
Nhà máy Nhựa Tái chế Duy Tân có quy mô 65.000 m2 tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), theo quy trình chuẩn với máy móc và dây chuyền hiện đại, được nhập khẩu từ châu Âu. Sản phẩm đầu ra đáp ứng các tiêu chuẩn như FDA của Mỹ, EFSA của châu Âu.
Nhựa Duy Tân ứng dụng công nghệ tái chế "Bottles to Bottles" (chai ra chai), tức dùng chai nhựa cũ tái chế thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất chai nhựa mới.
Để có nguồn nguyên liệu đầu vào, nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân gây dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý thực hiện thu mua, phân loại và đóng kiện chai nhựa đã qua sử dụng. Mỗi ngày, Duy Tân thu mua 60 tấn vỏ chai đã qua sử dụng. Mỗi năm, số lượng này lên tới cả 20.000 đến 22.000 tấn.
Trong kế hoạch, nhà máy nhựa tái chế sản xuất khoảng 100.000 tấn hạt nhựa mỗi năm khi đã hoàn thành giai đoạn 2, 3, không chỉ dừng ở nhựa PET như giai đoạn 1 mà còn nhựa PP, HDPE.
Nhiều vỏ chai nhựa và sản phẩm khác từ nhựa, như bàn ghế, tủ quần áo... sẽ được thu gom và tái chế, qua đó giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh để sản xuất sản phẩm mới. Đồng thời, giảm được lượng dầu mỏ sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.
"Lực đẩy để nhà máy triển khai dự án là thị trường có phần rộng mở vì các khách hàng của Duy Tân đang sẵn sàng cho việc sử dụng nhựa tái chế. Đây là cách để chúng tôi mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng và đối tác, tạo dựng điều tốt đẹp cho cộng đồng, để cùng đồng hành trong việc gia tăng uy tín thương hiệu và phát triển bền vững", đại diện Công ty Nhựa tái chế Duy Tân cho biết.
(Nguồn: Nhựa Duy Tân)