Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Plymouth và Đại học Exeter, Anh, các hạt nhựa nhỏ được thải ra biển, có đường kính khoảng 5 mm hoặc nhỏ hơn, sẽ mang các chất gây ô nhiễm và hóa chất phụ gia vào ruột của loài giun cát. Khi hấp thụ các hạt nhựa này, giun cát sẽ mất dần khả năng tiêu hóa các thức ăn khác và mất nhiều năng lượng hơn.
Trong khi đó, giun cát là nguồn thức ăn quan trọng cho nhiều loài sinh vật biển, sự suy giảm số lượng và nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với các hóa chất độc hại của loài này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh vật sống trong môi trường biển.
Theo thời gian, nhiều chất hóa học độc hại trong các hạt nhựa nhỏ sẽ tích tụ trong cơ thể giun cát, khiến chúng bị suy giảm các chức năng hữu ích với hệ sinh thái xung quanh.
Nature World News dẫn lời Mark Anthony Browne của Đại học Plymouth cho biết, loài giun cát còn được coi là giun đất của biển, với khả năng khuấy các lớp trầm tích như cát, sạn, bùn và cung cấp các chất dinh dưỡng cho nhiều loài sinh vật khác.
Mark Browne, một nhà sinh thái học của Trung tâm Phân tích và Tổng hợp Sinh thái có trụ sở tại Mỹ, cho biết khi các hạt nhựa được thải vào môi trường, chúng sẽ gây tích lũy một khối lượng lớn các loại chất ô nhiễm vốn bị cấm thải. Quá trình này khiến các hạt nhựa được thải ra vừa là nguyên nhân gây ô nhiễm cho môi trường, đồng thời có thể tích tụ các hóa chất bẩn khác.
Theo BBC, ước tính hàng năm có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa biến mất khỏi các dòng nước trên toàn cầu. Rác thải nhựa được thải ra biển phần lớn là từ các loại túi xách, can nhựa, hộp đựng, vải tổng hợp và các đồ nhựa không dùng đến trôi dạt ở bờ biển.
Các nhà khoa học cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên nhấn mạnh mối nguy hại của các chất độc hại do các hạt nhựa dẻo gây ra cho các loài sinh vật biển.
Thùy Linh