Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX giải đáp những thắc mắc thường gặp nhất của sinh viên về chương trình học online ngành công nghệ thông tin tại trường này.
- Nhiều sinh viên lo ngại học online có thể hạn chế giao tiếp giữa sinh viên với thầy cô, bạn bè. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Chúng tôi áp dụng một cách học, có thể gọi là “funix way”, để người học có thể giao lưu dễ dàng với mentor (chuyên gia) và với sinh viên tất cả các khóa, lớp thông qua tài khoản đăng ký của mình trên website của trường và trên mạng xã hội Facebook. Cần ghi nhận là ngoài mentor, các bạn sinh viên cũng hỗ trợ nhau rất tốt.
Trường còn thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt giữa mentor và sinh viên qua các sự kiện như xDay, xRoom, xTalk, xCafe... Đây là hoạt động offline định kỳ, trong đó, mentor - là các nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật (những người trực tiếp tuyển dụng) của doanh nghiệp sẽ có những định hướng, chia sẻ thiết thực giúp sinh viên có kế hoạch học tập phù hợp.
- Với người lần đầu tiên làm quen máy tính thì học online sẽ gặp phải khó khăn gì?
- Những ai mới bắt đầu làm quen với máy tính thì hình thức nào, online hay học trực tiếp sẽ có những khó khăn lúc đầu. Nhưng nếu có động cơ học tập rõ ràng, được hướng dẫn cụ thể thì sinh viên sẽ nhanh chóng làm quen với lĩnh vực này.
Thực tế, ở FUNiX, đầu vào của sinh viên rất đa dạng. Có người đã 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin nhưng cũng có những em là học sinh cấp 3. Thế nhưng sau một thời gian học, tất cả sinh viên đều hoàn thành chương trình và các bài tập kiểm tra rất tốt, không có sự chênh lệch nhiều về điểm số hay trình độ trong các chứng chỉ.
Điều này chứng tỏ, nếu cố gắng và có phương pháp, kế hoạch học tập cụ thể thì với những người mới bắt đầu hoàn toàn có thể học bằng hình thức online một cách hiệu quả.
- Mentor của FUNiX dù xuất thân là những nhà quản lý, chuyên gia của các công ty công nghệ nhưng lại không có chứng chỉ, nghiệp vụ sư phạm thì hiệu quả dạy học đến đâu?
- Bài giảng online của Đại học trực tuyến FUNiX được lấy từ các nguồn mở (MOOC) trên Internet. Đây là các bài giảng do những giáo sư, giảng viên hàng đầu của các trường trên thế giới soạn ra. Chất lượng sư phạm đã được kiểm nghiệm.
Quan hệ mentor - sinh viên là quan hệ có tính huynh đệ, không phải thầy trò làm nhiệm vụ kèm cặp, giám sát việc học của sinh viên như ở các trường truyền thống. Họ tham gia với tư cách là người hướng dẫn, bù đắp thêm cho sinh viên những kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tế mà họ đã trải qua. Bởi thế FUNiX lựa chọn mentor dựa trên kinh nghiệm thực tế và thái độ sẵn sàng chia sẻ tri thức. Khi gặp vấn đề khó, mentor sẽ hướng dẫn cho sinh viên cách giải quyết vấn đề đó thế nào trên thực tế.
Các mentor đều tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính của các trường đại học lớn trong và ngoài nước, trong đó nhiều người đã là tiến sĩ, thạc sĩ về lĩnh vực này. Họ có đủ cả kinh nghiệm lẫn kiến thức để làm mentor cho sinh viên. Sinh viên sẽ đánh giá mentor ngay sau mỗi phiên hỏi - đáp.
- Khoảng thời gian ít ỏi buổi tối có đủ để mentor giải đáp hết thắc mắc của vài trăm sinh viên đang học môn đó?
- Hiện FUNiX có gần 500 mentors đăng ký. Tất cả các buổi tối đều online. Sự thật là mentor đang bị "thất nghiệp" vì sinh viên còn hơi ít.
Ở FUNiX, một môn học có rất nhiều mentor. Nếu sinh viên thấy câu trả lời của mentor này chưa thỏa mãn thì có thể hỏi mentor khác ngay.
- Giáo trình của FUNiX gần giống với giáo trình của các trang training online như Coursera và Udacity, vậy tại sao người học có thể học miễn phí trên các trang còn FUNiX thì không?
- Mục tiêu của FUNiX là đào tạo ra thế hệ sinh viên biết khai thác các nguồn (miễn phí và mất phí) trên Internet để liên tục bổ sung kiến thức của mình sau này.
Funix không những chỉ ra nguồn trên Internet, mà còn chọn lọc, sắp xếp, ra bài thi, lên chương trình hoàn chỉnh với 8 chứng chỉ khác nhau.Ngoài việc học qua các bài giảng, trường còn có hệ thống mentor lớn để hỗ trợ tức thì việc học cho sinh viên, tổ chức các sự kiện offline định kỳ cũng như tổ chức chấm thi... Nên đương nhiên phải mất tiền.
Ngoài ra lưu ý các bạn là Coursera và Udacity hiện chưa cấp bằng đại học.
- So với các khóa đào tạo lập trình ngắn hạn (ví dụ lập trình Android, IOS) thì FUNiX tốn thời gian và kinh phí hơn để có chứng chỉ xin việc. Vậy đâu là điểm khác biệt lớn để thuyết phục học viên lựa chọn FUNiX?
- FUNiX không yêu cầu sinh viên phải học hết cả 8 chứng chỉ. Người học có thể bắt đầu học bất kỳ chứng chỉ nào trong 8 chứng chỉ mà bản thân thấy cần thiết.
Sinh viên không phải học hết cả 8 chứng chỉ nếu không cần bằng đại học. Người học có thể bắt đầu học bất kỳ chứng chỉ nào trong 8 chứng chỉ mà bản thân thấy cần thiết. Học xong chứng chứng chỉ nào trường cấp chứng nhận tới đó, xong 3 chứng chỉ đầu tiên, người học đã có thể xin vào làm việc ở các công ty công nghệ.
Với tiêu chí "tốt nghiệp sớm, kiếm tiền nhanh", hiện trường đã ký kết thỏa thuận với FPT Software, theo đó, sau 3 chứng chỉ, sinh viên của FUNiX sẽ được nhận vào làm nhân viên dự bị, vừa học vừa làm hưởng lương.
Ngoài ra, với hệ thống mentor là các nhân vật quyết định tuyển dụng của các công ty nên trong quá trình hướng dẫn, nếu thấy sinh viên nào có năng lực, các mentor có thể tuyển dụng sinh viên của trường bất kỳ lúc nào. Đã có trường hợp sinh viên của FUNiX được mời về FPT Software làm việc chỉ sau 4 tháng học tại trường.
Ngọc Anh ghi