Làn sóng startup mạnh mẽ đã cho ra đời nhiều ý tưởng, nhưng nhiều dự án không thành công bởi tài chính yếu kém. Do vậy, việc chuẩn bị kế hoạch gọi vốn thiết thực là điều mà startup cần lưu tâm để thuyết phục nhà đầu tư.
Là người có hơn 10 năm dẫn dắt CareerLink.vn - công ty chuyên về lĩnh vực hỗ trợ tuyển dụng nhân sự và tìm kiếm việc làm, Tổng giám đốc Yamada Takafumi hiểu rõ khó khăn về kêu gọi vốn của startup.
Theo ông, bài toán về vốn là khó khăn mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt trong quá trình phát triển. Với các startup thì vấn đề này càng trở nên nan giải bởi mô hình kinh doanh khác biệt, nhiều rủi ro. "Nếu startup có thể kêu gọi vốn thành công, thì giá trị thu được trong tương lai là vô cùng lớn”, ông Yamada Takafumi nói.
Dưới đây là 5 gợi ý giúp startup có thể lập ra kế hoạch gọi vốn đạt hiệu quả cao.
Mở rộng tối đa vùng cơ hội vốn
Hiện tại, chúng ta có rất nhiều kênh đầu tư như: quỹ đầu tư cộng đồng, ngân hàng, quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc gần gũi như gia đình, bạn bè... Mỗi nơi lại có khả năng hỗ trợ vốn và yêu cầu quyền lợi khác nhau. Do đó, đừng tự bó hẹp “vùng cơ hội” để giảm thiểu khả năng tìm nhà đầu tư thành công.
Nếu đội ngũ startup chỉ gồm người trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm điều hành, thì tốt nhất các bạn nên bắt đầu từ những mối quan hệ gần gũi, đáng tin cậy như gia đình, người thân, bạn bè. Sau đó, mọi người hãy nghĩ đến các nhà đầu tư lớn hơn như ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư cộng đồng. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham dự các cuộc thi startup nhằm quảng bá thương hiệu để tìm kiếm cơ hội vốn.
Chọn nhà đầu tư phù hợp theo kiểu “đôi bạn cùng tiến”
Việc chọn nhà đầu tư phù hợp không chỉ nhìn về khía cạnh tài chính, mà nó còn xét trên nhiều yếu tố khác như sự tín nhiệm, thấu hiểu và niềm đam mê. Bởi vì một nhà đầu tư dù hỗ trợ vốn “khủng”, nhưng lại đòi hỏi nhiều đặc quyền quá đáng, hoặc chỉ chăm chăm vào lợi nhuận trước mắt, thì điều này sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho dự án về sau.
Do vậy, tùy vào trường hợp mà startup nên đưa ra lựa chọn cân bằng giữa lợi ích tài chính ngắn hạn và phát triển hài hòa dài hạn. Thực tế, việc startup chọn nhà đầu tư theo kiểu “đôi bạn cùng tiến” sẽ giúp cả hai dễ chia sẻ với nhau về tầm nhìn cũng như định hướng tương lai.
Lộ trình vốn phải trải dài xuyên suốt quá trình phát triển
Startup đừng nghĩ rằng kế hoạch gọi vốn chỉ dừng lại khi tìm được nhà đầu tư thích hợp ở bước khởi sự. Ở mỗi giai đoạn phát triển, startup sẽ cần một mức vốn phù hợp và khả thi khác nhau. Bởi vì, nhà đầu tư hiện tại có thể yêu cầu rút vốn bất cứ lúc nào, nên nếu startup chuẩn bị kế hoạch gọi vốn trải dài xuyên suốt quá trình phát triển, thì điều này sẽ giảm bớt sự lệ thuộc và chủ động tìm kiếm các cơ hội vốn mới phù hợp hơn. Đồng thời, nhà đầu tư cũng sẽ đặt ra những “yêu sách” về quyền lợi quản trị trong tương lai và bạn hoàn toàn có thể mất kiểm soát startup khi nhận “đồng vốn” một cách bừa bãi. Chính vì thế, lộ trình vốn cần trải dài xuyên suốt sự phát triển, chỉ nên kêu gọi khi thật sự cần thiết.
Chứng minh tính khả thi qua những con số
Kế hoạch gọi vốn của bạn không thể thiếu các con số chứng minh tính khả thi của startup. Thông qua bảng báo cáo chi tiết, nhà đầu tư sẽ hiểu được dòng tiền của họ sẽ chảy về đâu, có được sử dụng hiệu quả không và lợi nhuận như thế nào.
Sẽ thật khó khăn khi bạn muốn thuyết phục nhà đầu tư chỉ bởi tài thương thuyết, hoặc nói về các viễn cảnh tươi sáng hấp dẫn. Thay vào đó, bạn nên chuẩn bị bảng kết quả nghiên cứu thị trường tỉ mỉ, báo cáo kết quả tài chính, tiềm lực nhân sự và lượng khách hàng thực tế hiện có. Ngoài ra, điều quan trọng là nhà đầu tư cũng cần biết các dự đoán rủi ro, kế hoạch đối phó của startup với những thay đổi khó lường trong tương lai.
Chuẩn bị kỹ lưỡng buổi thuyết trình dự án
Có thể nói rằng, buổi thuyết trình dự án đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định sự thành bại của kế hoạch gọi vốn. Thông qua phần trình bày, cũng như phản biện, đội ngũ startup có thể chứng minh lửa “nhiệt huyết” và tiềm lực nhân sự thực tế với nhà đầu tư. Do vậy, chỉ cần một buổi thuyết trình tệ hại, cẩu thả được diễn ra, thì startup hoàn toàn có thể để vuột mất cơ hội cho một đối thủ tiềm năng khác.
Thực tế, startup dù đã cố gắng chuẩn bị mọi thứ tốt như thế nào thì vẫn có thể nhận lại những “cái lắc đầu” dửng dưng từ nhà đầu tư. Trong lúc như vậy, thì bạn đừng nên quá bi quan, mà hãy cùng đội ngũ tiếp tục xoay sở để vận hành startup. Ngoài ra, đội ngũ cũng nên cân nhắc việc chấp nhận thỏa hiệp với các nhà đầu tư “ít phù hợp” hơn để duy trì dự án và tích cực tìm kiếm các cơ hội vốn mới.
Xem thêm các cơ hội việc làm tại đây.
Trung Thành