Sinh viên trẻ nhất tuổi 13
Được xem là sinh viên nhỏ tuổi nhất trường và là sinh viên trẻ nhất Việt Nam, Lê Nguyễn Thiện Nhân (Nha Trang) gia nhập Đại học trực tuyến FUNiX khi mới 13 tuổi.
Tiếp xúc với máy tính từ lúc 9 tuổi, Thiện Nhân bộc lộ năng khiếu của mình khi thi đậu Chứng chỉ A tin học văn phòng chỉ một tuần tiếp cận lĩnh vực này. Cậu bé sau đó bị "nghiện" và dành thời gian nghỉ hè năm lớp 3 để theo học tại một trung tâm Tin học gần nhà. Kết thúc khóa học, thấy con có năng khiếu nên gia đình quyết định đầu tư laptop và kết nối mạng để con có thể thỏa mãn sở thích của mình.
Nhờ khả năng tiếng Anh, Thiện Nhân tự lên mạng để học theo các diễn đàn và khóa học miễn phí của nhiều nước. Cậu bé tự học các ngôn ngữ lập trình như: Visual C, C#, lập trình thiết kế website, các phần mềm ứng dụng như Word, Excel, Access, Power point nâng cao...
Tuy nhiên, việc tự học trên mạng không có chương trình bài bản, gặp khó khăn, thiếu người hướng dẫn nên nhiều vấn đề Thiện Nhân không thể tự giải quyết. Cậu bé quyết định nộp đơn xin vào Đại học trực tuyến FUNiX theo học ngành Công nghệ thông tin. Dù ít tuổi, nhưng với thành tích học tập ấn tượng (điểm tổng kết trung bình lớp 6 là 9,5) cùng việc biết sử dụng nhiều ngôn ngữ lập trình, khả năng tiếng Anh tốt... Thiện Nhân đã thuyết phục Ban giám hiệu của Đại học FUNiX để trở thành sinh viên trẻ nhất của trường.
Sinh viên lớn nhất ở tuổi 76
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Phương Quế (quận Gò Vấp, TP HCM). Ông cho biết đi học để làm chậm quá trình lão hóa của đầu óc và nâng cao kiến thức cho bản thân.
Từng là học sinh giỏi Toán, ông tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1964. Hơn 36 năm làm kỹ sư, ông Quế nghỉ hưu vào năm 2000.
Ở lứa tuổi U80, đi học không phải vì bằng cấp hay tìm kiếm việc làm, ông Quế chỉ mong muốn nâng cao kiến thức để không bị lạc hậu. Hàng ngày, ông vẫn duy trì thói quen lên mạng xem tin tức, cập nhật tình hình thời sự. Thấy lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều ứng dụng hay, lại xuất thân từ dân Toán nên ông chọn ngành này để theo học.
"Có ý định đi học từ lâu, thỉnh thoảng tôi cũng lên mạng tự học nhưng nhiều khi khó không biết hỏi ai. Còn theo học tại các trường thì tôi chưa chọn được chương trình thích hợp vì ngại ôn lại kiến thức để thi đại học hay tham gia học offline ở các trung tâm. Biết thông tin về đại học online, không cần đi lại nhiều, lại không phải thi tuyển nên tôi đã gọi điện hỏi thăm", ông Quế tâm sự.
Đi học ở tuổi này, ông Quế không khỏi lo lắng vì cho rằng mình đã già, sẽ tiếp thu chậm hơn lớp trẻ, lại nhanh quên. Học về phần cứng, do tay đã run, ông gặp khó khăn khi thực hành lắp ráp bằng những con vít nhỏ. Mặc dù vậy, sau vài ngày tham gia khóa học, sinh viên đặc biệt này đã quen dần với chương trình. Không để mình bị thua lớp trẻ, ông Quế dành mỗi ngày 2-4 tiếng truy cập Facebook để học bài.
Gần 1.000 sinh viên theo học sau một năm thành lập
Khai giảng khóa đầu tiên từ ngày 20/11/2015, sau gần một năm đi vào hoạt động, hiện trường đại học trực tuyến này đã có gần 1.000 sinh viên theo học.
Vì không tổ chức thi tuyển, không giới hạn trình độ, tuổi tác nên sinh viên của trường rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Trong đó, có nhiều học viên đã là tiến sĩ ở nước ngoài, thậm chí có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng cũng có những sinh viên đang là học sinh ở các trường trung học, phổ thông, sinh viên trường đại học khác.
Sinh viên học theo hình thức online, sau khi đăng ký xong, trường cấp tài khoản trên facebook để có thể đăng nhập vào học bất cứ lúc nào. Mọi người được hỗ trợ bởi hệ thống mentors với hơn 500 người, họ là các chuyên gia, sếp lớn đến từ các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Sinh viên đến từ 13 quốc gia khác nhau
Không chỉ học viên trong nước, không ít du học sinh và người Việt ở nước ngoài cũng đăng ký tham gia chương trình đại học online để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Cụ thể, có hơn 35 sinh viên của trường đến từ 13 quốc gia khác nhau, trong đó nhiều nhất là Mỹ, Anh, Australia... Còn tại Việt Nam, sinh viên của trường đến từ khắp 63 tỉnh, thành.
Ngọc Anh