Trong chương trình "Cinetalk - Nhìn lại điện ảnh 2021" với chủ đề "Bước chuyển hoá trong nhu cầu giải trí của khán giả" do Xinê House tổ chức, khách mời cùng người dẫn dắt - Liên Bỉnh Phát đã bàn luận về xu hướng phim trong, sau dịch từ góc nhìn của một khán giả và người làm nghề.
Nhu cầu xem phim tại nhà trong dịch
Theo các khách mời, trong hơn 2 năm qua, dịch bệnh tác động mạnh đến thị trường giải trí. Theo đó, xu hướng xem phim trên OTT (Over The Top - các nền tảng giải trí trực tuyến) tăng mạnh.
Diễn viên Quang Tuấn chia sẻ, trong thời gian dịch cao điểm tại TP HCM, anh buộc thay đổi một số thói quen khi không được đi đóng phim, diễn kịch tại sân khấu. Ngoài phụ vợ chăm con, làm bánh, đọc sách, anh tìm đến các ứng dụng xem phim trực tuyến để giải trí, khoả lấp nỗi nhớ phim trường. Các nền tảng này đã được cải thiện rất nhiều cả về số lượng và chất lượng.
Nữ người mẫu - diễn viên Phan Ngân cũng cho biết, trước đây, cô là tín đồ của phim chiếu rạp, từng xem 2-3 lần một ngày. Tuy nhiên, khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp, rạp chiếu phim buộc đóng cửa để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Do đó, người đẹp cũng như nhiều người dân tìm đến những nền tảng phát phim trực tuyến.
Theo cô, hình thức này còn rất thuận tiện, sở hữu lượng phim lớn nên người dùng có thể đổi nhiều thể loại. "Ngoài ra, tôi có thể tìm xem những bộ phim kinh điển với chất lượng tốt hay xem lại phim mình từng đóng bất kể khi nào và bao nhiêu lần cũng được", diễn viên Phan Ngân nói thêm.
Khán giả hưởng lợi khi các nền tảng tăng tốc đầu tư
Các khách mời nhận định, trong cuộc đua OTT nội địa và quốc tế về sự đầu tư nội dung và các ưu đãi đi kèm, khán giả là người được hưởng lợi. Khi nhu cầu của khán giả tăng, các đơn vị sở hữu nền tảng sẽ tìm cách thích nghi, bắt kịp xu hướng.
Song song, khán giả cũng dần quen với việc chi khoản tiền nhất định để được tiếp cận với nhiều bộ phim chất lượng. Khi dịch bệnh kiểm soát, có thể ra rạp như trước, người xem lại có sự khắt khe khi chọn phim, yêu cầu chất lượng cũng cao hơn.
Đạo diễn Luk Vân cho biết, các bạn trẻ đã sớm tiếp cận với công nghệ, thế giới quan được mở rộng nên khi làm phim điện ảnh, truyền hình hay series, người làm phim cũng phải chú trọng nâng cao chất lượng vì chỉ có yếu tốc mới thuyết phục khán giả chọn xem phim của mình. Nếu không, phim sẽ bị đào thải.
"Phim hiện nay không chỉ cần nội dung hay, quay đẹp, mà diễn viên, bối cảnh cũng phải đẹp. Từ yêu cầu này, thị trường xuất hiện những cuộc cạnh tranh lành mạnh bởi ai làm hay hơn, khán giả sẽ tìm đến", đạo diễn nói thêm.
Diễn viên Liên Bỉnh Phát và đạo diễn Luk Vân nhận định trải nghiệm xem phim tại rạp vẫn rất thú vị, khó có thể thay thế bởi tính cộng hưởng nhiều yếu tố bên cạnh chất lượng phim. Tuy nhiên, trên các nền tảng OTT, chất lượng phim đã được nâng cấp và sự đầu tư này tạo ra những "cú nổ lớn". Thời gian qua, khi Squid Game (Trò chơi con mực) - series do Netflix kết hợp nhà làm phim cùng Hàn Quốc thực hiện, tạo nên hiện tượng trên toàn cầu thu về nguồn lợi khủng. Theo đó, các đơn vị khác có thể tiếp thêm niềm tin vào việc đầu tư xứng đáng, kết quả thu về sẽ khả quan.
Khi đó, khán giả là người hưởng lợi nhiều nhất vì có thể xem nhiều phim trên nhiều ứng dụng khác nhau, tiếp cận những sản phẩm phim ảnh chất lượng nhờ vào phát triển của công nghệ. "Chính nhu cầu cao của khán giả đối với phim ảnh cũng là động lực để cho những nhà làm phim hoàn thiện mình hơn để đáp ứng đúng nhu cầu", Liên Bỉnh Phát chia sẻ thêm.
Thiên Minh