Trên Guardian, tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Jacob Sedgh ở nam California cho biết năm qua bệnh viện tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ hơn so với trước. Ông nhận định: "Mọi người có nhiều thời gian hơn cho bản thân. Khi dịch bùng phát, họ không chi tiền cho việc đi du lịch hay sắm sửa quần áo, thay vào đó họ đầu tư tập thể dục và làm nhiều cách để có ngoại hình đẹp, trong đó có phẫu thuật thẩm mỹ".
Sedgh đã chứng kiến một lượng lớn bệnh nhân mới chưa từng trải qua thủ thuật thẩm mỹ trước đây. Nhu cầu làm đẹp bằng phẫu thuật tăng cao hơn so với không phẫu thuật như tiêm chất làm đầy và botox. Sau khi phẫu thuật, khách hàng có thể bị sưng, bầm tím và trông rất khác so với kết quả. Thời gian làm việc tại nhà được cho là lý tưởng để giúp họ tránh bị phát hiện hay làm phiền.
Katie Colson, một quản lý cấp cao 32 tuổi ở Austin, Texas, đã tiêm môi lần đầu tiên vào tháng 8/2020 sau khi đắn đo cân nhắc hơn một năm. Cô cho biết việc quyết định vào viện thẩm mỹ trong thời dịch không hề đáng sợ bởi mọi người trong phòng khám đều đeo khẩu trang. Cô nói trên Guardian: "Tôi nghĩ có thể đi lấy cao răng, tiêm môi trong lúc tranh thủ làm việc tại nhà, để lỡ mặt mình có biến dạng, kỳ cục thì cũng không ai biết".
Một bệnh nhân khác - Kaafiya Abdulle - cũng tới gặp Sedgh để phẫu thuật nâng ngực. Hồi tháng 4/2017, cô sinh con trai và chọn cách cho con bú. Một năm sau, cô chuyển sang dùng sữa bột vì không muốn ngực xấu đi. Tuy nhiên, ngực cô đã chảy xệ và teo nhỏ. Abdulle cho biết khi dịch xảy ra, cô bắt đầu nghĩ tới phẫu thuật nâng ngực - điều cô từng muốn nhưng chưa bao giờ có đủ can đảm thực hiện. Cô tâm sự với nhóm bạn của mình về quyết định này và bất ngờ khi thấy họ có suy nghĩ tương tự. "Hầu hết bạn bè của tôi đều nói 'Ồ, tớ muốn hoàn thành việc này trong thời kỳ đại dịch'. Chúng tôi chưa bao giờ nói với nhau về điều đó nhiều như bây giờ", cô nói.
Tiến sĩ, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Steve Pearlman ở New York cũng chứng kiến sự gia tăng khách hàng trong thời gian này. Sau ba tháng ở nhà do lệnh cách ly, một lượng lớn bệnh nhân của ông ào đến trung tâm để nâng mũi, làm môi khiến phòng khám của ông quá tải. Pearlman cho biết khi người dân kết nối với nhau qua các cuộc gọi video, họ vô tình nhìn thấy gương mặt của mình quá nhiều. Điều đó âm thầm đi vào tiềm thức, khiến họ nhận thấy những điểm không hài lòng trên gương mặt và tìm cách can thiệp thẩm mỹ.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Phẫu thuật Tạo hình và Y học thẩm mỹ của Mỹ cho thấy nhiều người tìm đến phẫu thuật do nhìn thấy bản thân quá nhiều trên Zoom. Pearlman nói: "Trong xã hội phương Tây, thông thường chúng ta không nhìn bản thân nhiều hay lâu như vậy".
Pearlman cho biết thêm tính năng gọi điện video làm phóng đại các nét bất đối xứng trên khuôn mặt vì dùng camera trước. "Máy ảnh trên điện thoại di động có hiệu ứng mắt cá, làm cho mọi thứ được phóng đại. Vì vậy, nó làm cho mũi trông to hơn, vẹo hơn. Ảnh selfie làm mặt chúng ta xấu đi và bạn đang nhìn thấy hình ảnh sai lệch, không đúng sự thật về mình", ông giải thích. Kết quả, sau nhiều tháng sử dụng phương tiện này, nhiều phụ nữ cảm thấy bất an về việc họ trông như thế nào trong mắt người khác.
Họa Mi (theo Guardian)