Theo một báo cáo của Tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence, thị trường năng lượng tái tạo Đông Nam Á đạt công suất 71,75 GW vào năm 2020 và dự đoán sẽ đạt 117,17 GW vào năm 2027, với tốc độ CAGR là 7,4% trong giai đoạn 2022-2027. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là những quốc gia đi đầu trong xu hướng năng lượng sạch với số lượng công suất điện mặt trời mới được lắp đặt cao nhất trong khu vực.
Năm 2020, công suất điện mặt trời ở Việt Nam đã tăng khoảng 16,5 GW, trong khi con số này của Thái Lan, Malaysia lần lượt là 2,99 GW và 1,5 GW.
Số liệu từ VinaCapital cũng cho biết, năng lượng tái tạo của Việt Nam hiện chiếm khoảng 27% tổng công suất lắp đặt và 12% điện sản xuất. Với sự phân bổ công suất đầy hứa hẹn trong dự thảo Quy hoạch Điện 8 và cam kết của Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, năng lượng tái tạo sẵn sàng trở thành một phần quan trọng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam.
Mordor Intelligence nhận định, Việt Nam có tiềm năng cao về năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời, gió và năng lượng sinh khối. Lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, nhờ đầu tư từ nước ngoài. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, do đó, nhu cầu điện năng trong nước ngày càng tăng. Nhu cầu điện tăng cao do ngành công nghiệp đang bùng nổ và dân số ngày càng tăng, sẽ vượt tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới trong tương lai, có thể gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng.
Theo Mordor Intelligence, dự kiến nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng 10% mỗi năm trong vòng 5 năm tới và công suất điện cần thiết sẽ tăng gấp đôi. Thị trường điện mặt trời theo đó sẽ đóng một vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu năng lượng khổng lồ. Như vậy, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thống trị thị trường năng lượng tái tạo trong khu vực, thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế trong việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo mới cũng như thực hiện mua bán và sáp nhập lại các dự án này.
Tuy nhiên, theo đại diện VinaCapital, thị trường có nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải hiểu biết sâu sắc về thị trường và cần thực hiện thẩm định xuyên suốt để lựa chọn đúng tài sản, do sự phức tạp của danh mục đầu tư, khuôn khổ pháp lý, cấu trúc thuế và tài chính của các tài sản này. Trên hết, các nhà đầu tư phải tiến hành đánh giá và hiểu kỹ về thị trường điện Việt Nam, bao gồm cơ thế giá, các giai đoạn phát triển dự án, các thủ tục cần thiết, cũng như đánh giá khả năng phát triển dự án của đối tác trong nước trong khuôn khổ thị trường cạnh tranh sắp tới trong trường hợp muốn đồng đầu tư.
"Lựa chọn đúng đối tác có thể quyết định hoặc phá vỡ việc thâm nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài có thành công hay không", đại diện VinaCapital cho biết.
Không chỉ có sức hút đối với nhà đầu tư nước ngoài, năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng đang được nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm. Đơn cử như VinaCapital đã đầu tư vào nhiều mảng năng lượng sạch khác nhau, bao gồm năng lượng mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện khí hóa lỏng, sinh khối và hydro, v.v. với các dự án quan trọng như điện khí hóa lỏng 3.000MW LNG tại Long An liên doanh với GS Energy; SkyX Solar – công ty năng lượng điện mặt trời áp mái với công suất dự kiến trên 200MW vào năm 2023 và nền tảng điện gió 500MW liên doanh với EDF Renewables. Đây cũng là một phần cam kết của công ty nhằm góp phần thúc đẩy Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững hơn, đồng thời cũng hỗ trợ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại COP26 đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và từng bước từ bỏ điện than vào năm 2040.
Hoàng Minh