Sau hơn 3 tháng phát động kể từ tháng 12/2022, từ 10 đội tham gia vòng sơ loại, Ban tổ chức đã lựa chọn 7 đội thi xuất sắc bước vào chung kết hôm 25/3. Các nhóm sinh viên đến từ trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Công Nghệ, ĐHQG Hà Nội, trường Đại học Công nghiệp và Viện Tích hợp hệ thống, lần lượt trình bày về phần thiết kế của nhóm trước thành viên Hội đồng kỹ thuật. Đây là những chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch đến từ những công ty thiết kế vi mạch tại Việt Nam.
Các nhóm thi thực hiện chủ đề chung về thiết kế bộ chuyển đổi tương tự-số dựa trên thanh ghi xấp xỉ tuần tự độ phân giải đầu ra 10 bit (10-bit SAR ADC). Giải nhất thuộc về nhóm nghiên cứu về vi mạch tương tự do TS Phạm Nguyễn Thanh Loan hướng dẫn đến từ Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội với chứng nhận và phần thưởng phần thưởng trị giá 30 triệu đồng. Thiết kế của nhóm không những hoàn thiện mạch điện theo yêu cầu mà còn nghiên cứu đề xuất bổ sung để có thể sử dụng trong các trường hợp tín hiệu đầu vào yếu. Đề xuất này được hội đồng kỹ thuật đánh giá có tính thực tiễn cao.
Đại diện Hội đồng Kỹ thuật, ông Nguyễn Thanh Yên, công ty CO-ASIA, đánh giá ngay cả đối với kỹ sư đã ra nghề, thiết kế 10-bit SAR ADC trong vòng 3 tháng cũng không đơn giản. Bởi thế, các đội thi với phần hoàn thiện sản phẩm với chất lượng cao rất đáng ghi nhận. Ông cho biết, mô hình sinh viên thiết kế, công ty chấm điểm cũng là mong muốn của cộng đồng vi mạch Việt Nam trong hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa đào tạo đại học và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực cao hiện nay và tương lai.
Cuộc thi đã tạo ra sân chơi cho sinh viên yêu thích lĩnh vực vi mạch. Đây là cơ hội để sinh viên các trường kỹ thuật tham gia, nhanh chóng đảm nhiệm những công việc thiết kế IC tương tự tại các công ty trong nước và nước ngoài. Ông Trịnh Khắc Huề, TGD công ty Qorvo tại Việt Nam, kỳ vọng sinh viên sẽ tiếp cận sớm những kiến thức, kinh nghiệm thực tế bởi các kỹ sư từ các công ty vi mạch hàng đầu. "Qua đó các em được truyền lửa để tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu, trở thành những tài năng vi mạch trong tương lai", ông nói.
Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi thu hút đông đảo doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong và ngoài nước tham gia. Cuộc thi khởi nguồn từ một số công ty trong Liên minh thiết kế vi mạch Việt Nam gồm Qorvo Việt Nam: Abov, Co-Asia, Dolphin, ETA và FPT Semi, phối hợp cùng trường Điện-Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Công Nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Tích hợp hệ thống tổ chức. Đây được kỳ vọng là sự chuẩn bị nguồn nhân lực cho thị trường nghìn tỷ đô, trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp vi mạch lớn trên thế giới đầu tư và mở rộng tại Việt Nam.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành một trong "newhub" ngành bán dẫn khi nhiều công ty lớn mong muốn thiết lập nghiên cứu và phát triển trong lĩnh lực thiết kế vi mạch. Theo cộng đồng vi mạch Việt Nam, từ quý 1/2021 đến quý 3/2022 nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này khoảng 280 kỹ sư/tháng và tăng dần với sự tham gia ngày càng nhiều của các công ty nước ngoài.
Như Quỳnh