Ba sinh viên là Mizuguchi Sayo, Okabe Chikara, quốc tịch Nhật Bản và Bennett Arabella, người Australia, hiện theo học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Màn hùng biện của nhóm có chủ đề "Tiếng Việt chạm vào trái tim thế giới", giành giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Việt dành cho lưu học sinh nước ngoài năm 2023 tại TP HCM, hôm 1/12.
Ba thí sinh gây ấn tượng khi mặc áo dài, áo bà ba, thể hiện các làn điệu quan họ, ví giặm và hát ru Nam Bộ. Hơn chục sinh viên nước ngoài khác múa phụ họa trong phần biểu diễn với nhiều hoạt cảnh.
"Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ nên vui mừng khi giành được giải nhất toàn quốc", Mizuguchi Sayo chia sẻ.
Mizuguchi trước đó rất lo lắng. Khi lên sân khấu, cô dần bình tĩnh và cố gắng tập trung vào phần thi. Với cô, hát quan họ vui, hát ví giặm khó hơn, hát ru Nam Bộ cũng rất thử thách vì phải phát âm tiếng miền Nam.
"Tôi ngạc nhiên khi phần hát được thầy cô khen, có thể giọng của tôi phù hợp với dân ca Việt Nam. Tuy nhiên, tôi chưa ưng ý lắm vì lúc tập tốt hơn", Mizuguchi, 23 tuổi, chia sẻ.
Okabe Chikara, 27 tuổi, thì run tới mức cầm micro thật chặt. Okabe không tự tin nhất với phần hát vì cảm thấy khó lấy nhịp.
"Tôi chưa từng hát trước đông người. May là trên sân khấu tôi không quên lời", Okabe nói, cho biết phụ trách nói phần đầu và cuối bài hùng biện.
Trong khi đó, Arabella Bennett hơi căng thẳng vì sợ phát âm sai, khiến khán giả không hiểu. Arabella được giao nói về các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.
"Phần này rất hay, cho tôi cơ hội để học thêm về những tác phẩm quan trọng của các tác giả như Hồ Xuân Hương", Arabella, 28 tuổi, kể.
Theo tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, mỗi đội được chọn 2-3 thí sinh hùng biện chính. Trong 7 phút, các đội được phép sáng tạo tối đa để thể hiện tiếng Việt một cách giỏi nhất. Bài thi cần có chủ đề, lập luận để thuyết phục ban giám khảo và khán giả.
Để gây ấn tượng, đội trường Nhân văn đưa ra ba lập luận chính, đó là tiếng Việt sinh ra cùng lúc với sự sinh thành của dân tộc; đất nước này là đất nước của nhân dân, của ca dao, thần thoại và tiếng Việt là tiếng lòng của dân tộc; tiếng lòng của dân tộc cũng là tiếng mẹ, là văn hóa mẫu tính của người Việt.
"Tôi vui không phải đội mình đã chiến thắng đội khác mà vui khi tiếng Việt đã được du học sinh nước ngoài yêu và tôn vinh đến mức như thế", tiến sĩ Tâm cho biết.
Cô Tâm chia sẻ thành quả này bù đắp xứng đáng cho những tháng ngày cả đội vất vả tập luyện. Trong quá trình chuẩn bị, đạo diễn, người hùng biện chính và múa chính đều bị ốm, đi công tác hoặc có người thân qua đời. Nhưng hai tuần trước hôm chung kết, cả đội đã cùng tập hợp và quyết tâm đi thi.
Đầu tiên, cả nhóm tập phát âm, sau đó luyện tốc độ nói, cuối cùng học để nói biểu cảm. Vì học tiếng Việt ở Hà Nội nên các du học sinh đều nói giọng miền Bắc. Tuy nhiên, trong bài thi có phần hát ru bằng giọng miền Nam.
Cô Tâm kể trong câu hát: "Ầu ơ/Ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi...", sinh viên lúc đầu hát thành "rí rầu". Là người miền Nam, cô Tâm trực tiếp hướng dẫn học sinh hát đúng từng từ.
"Các em chỉ có 7 phút trên sân khấu, trung bình mỗi bạn 2,5 phút mà phải tập trong 1,5 tháng. Mỗi buổi, các bạn ấy tập cả 100 lần phần nội dung của mình", cô Tâm cho hay.
Khó khăn nhất với ba người hùng biện là phát âm. Mizuguchi không phát âm được từ "con" do trong tiếng Nhật không có các chữ như ô, ơ, o. Cô cũng không nói được từ "vĩnh cửu" nên đạo diễn buộc phải thay bằng từ vĩnh hằng.
Mỗi lần tập, Mizuguchi phải ghi âm phần hướng dẫn của thầy cô để về nhà nghe và nhắc lại. Cô cũng nghe một số video của ca sĩ trên Youtube để hát theo đúng giai điệu.
Okabe cũng thường tranh thủ đọc to hay hát dân ca trên đường từ nhà trọ đến trường hay ở chỗ làm để cải thiện phát âm.
"Tôi hay bắt chước những tiếng rao gặp trên đường như 'ép plastic lấy ngay' và nói thử khi đang lái xe. 'Năng nhặt chặt bị', những bài luyện tập nhỏ này giúp tôi nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt", Okabe nói.
Theo các sinh viên, tình yêu với tiếng Việt đã giúp họ kiên trì luyện tập. Mizuguchi và Okabe lựa chọn tiếng Việt vì nhận thấy cơ hội việc làm rộng mở. Trước khi sang Việt Nam, Mizuguchi đã có hai năm học tiếng Việt ở trường cao đẳng. Cô cũng đam mê ẩm thực Việt và cảm thấy phù hợp khi du học ở đây.
Okabe từng là sinh viên đại học ở Nhật. Khi đi làm thêm để chi trả tiền học và sinh hoạt, Okabe kết thân với nhiều du học sinh Việt Nam và được nghe kể nhiều về văn hóa và tiếng Việt.
"Tôi trở nên quan tâm đến Việt Nam và muốn đến đó nên quyết định du học", Okabe cho hay. Hiện Okabe là cộng tác viên nhiều chương trình cho người nước ngoài của Đài Truyền hình Việt Nam.
Còn Arabella đã học tiếng Việt được một năm và đang làm việc cho một cơ quan ngoại giao ở Hà Nội, trước khi đăng ký theo học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
"Chiến thắng rất vui nhưng quan trọng nhất đây là cơ hội để tôi cải thiện sự tự tin khi nói tiếng Việt", Arabella nói, cho biết đang cố gắng đọc, xem nhiều để mở rộng vốn từ.
Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài với quy mô cả nước, nhằm tạo sân chơi, đồng thời góp phần quảng bá giáo dục, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Sau vòng thi đầu ở ba miền, 12 đội lọt vào vòng chung kết toàn quốc.
Khoảng 22.000 sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Bộ cho biết trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh mới được tiếp nhận.
Bình Minh