Jeremy Rubin là sinh viên năm hai theo học ngành khoa học máy tính và kỹ thuật điện khi anh quyết định tặng không Bitcoin cho toàn bộ sinh viên ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). 7 tháng sau, Rubin thu được khoảng nửa triệu USD đóng góp từ các cử nhân MIT và người đam mê Bitcoin, sau đó nêu đề xuất của mình và nhận được câu trả lời từ 3.108 sinh viên cùng trường.
Đó là thời điểm đồng tiền số nổi tiếng nhất thế giới chưa phổ biến. Giá trị mỗi đồng Bitcoin chỉ khoảng 336 USD. Số Bitcoin được Rubin tặng lúc đó hiện có giá trị khoảng 44,1 triệu USD. Nhưng nhiều sinh viên đã không giữ lại số tiền của mình.
Các nhà nghiên cứu theo dấu dự án, trong đó có Christian Catalini - đồng sáng lập dự án stablecoin Diem được Facebook hậu thuẫn - cho biết 10% số sinh viên đã tiêu hết số Bitcoin được tặng trong vòng hai tuần. Con số tăng lên 25% khi thử nghiệm kết thúc vào năm 2017. Những người tổ chức thử nghiệm ngừng theo dõi giao dịch sau thời điểm này.
Van Phu, giờ là kỹ sư phần mềm và đồng sáng lập công ty môi giới tiền ảo Floating Point Group, vẫn tỏ ra tiếc nuối khi tiêu rất nhiều Bitcoin cho những bữa sushi. "Một trong những thứ tồi tệ và cũng là một trong những thứ tuyệt nhất ở MIT là nhà hàng có tên Thelonious Monkfish. Tôi chi rất nhiều tiền điện tử vào việc mua sushi ở đó", anh nói.
Phu không phải người duy nhất đổ tiền số vào nhà hàng nổi tiếng trong khuôn viên MIT. Sam Trabucco, một trong những sinh viên tham gia thử nghiệm, ước tính nửa số bạn của anh đã tiêu những đồng tiền số vào sushi. "Đó là nhà hàng duy nhất ở Cambridge chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, nó cũng rất đông khách", Trabucco nói.
Nhà hàng này đã đổi tên và chấm dứt chính sách chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin.
Thí nghiệm tại MIT
Rubin nảy ra ý tưởng tặng Bitcoin khi đang trải qua cuộc chiến pháp lý kéo dài với các công tố viên bang New Jersey.
Sinh viên 19 tuổi khi đó bị giới chức bang cáo buộc là "tội phạm mạng nguy hiểm" vì cài đặt phần mềm độc hại lên máy tính của người khác. Trong khi đó, Rubin khẳng định mình chỉ cài phần mềm cày Bitcoin mang tên Tidbit. Dự án này trước đó giành được giải thưởng sáng tạo ở một cuộc thi cho giới hacker và bảo mật địa phương.
Cuộc chiến kết thúc và Rubin không phải đối mặt với cáo buộc nào, nhưng chàng sinh viên cũng liên tục bị các bạn học dè chừng mỗi khi nhắc đến Bitcoin.
"Đó là MIT. Đáng lẽ mọi người phải biết những công nghệ mới nhất. Nhưng tôi nhận ra rằng Bitcoin không phải thứ phổ biến vào giai đoạn đó", Rubin nhớ lại. Đó cũng là điểm khởi đầu của thí nghiệm Bitcoin tại MIT.
Cuối tháng 10/2014, Rubin và Dan Elitzer bắt đầu quá trình ghi danh cho thử nghiệm. Các sinh viên muốn tham gia sẽ phải trả lời một số câu hỏi và xem toàn bộ tài liệu hướng dẫn trước khi nhận được lượng Bitcoin có trị giá 100 USD.
"Chúng tôi muốn Bitcoin phổ biến hơn với thế giới, cũng như nghiên cứu các phân bố tài sản kiểu mới", Rubin nói.
Các sinh viên tham gia phải tự lập ví tiền ảo, khi đó vẫn khá phức tạp và có thể khiến nhiều người từ bỏ. 70% số sinh viên đăng ký đã vượt qua các rào cản để nhận được số tiền của mình.
Phu là một trong những người kiếm thêm thu nhập bằng cách mở ví tiền ảo cho các sinh viên không muốn mất thời gian làm điều đó. "Nhiều người sẵn sàng trả một nửa số Bitcoin của mình để người khác lập ví tiền ảo cho họ", anh nói. Phu giúp cho khoảng 10 - 12 người để đổi lấy khoản hoa hồng bằng Bitcoin. Nó giúp bù đắp một phần sau khi Phu chi toàn bộ số Bitcoin của mình, tương đương 14.000 USD hiện nay, cho hai bữa sushi.
Trabucco không nghĩ nhiều đến dự án Bitcoin ở MIT khi còn là sinh viên, dù anh đã tăng gấp ba lần khoản tiền của mình nhờ đánh bài trên mạng. "Khi đó tôi nghĩ Bitcoin khá thú vị, nhưng không tin rằng nó sẽ trở thành tương lai của nền tài chính", Trabucco cho hay.
Tuy nhiên, sở hữu ví tiền ảo giúp những sinh viên này dễ tiếp cận thế giới tiền điện tử sau này. Trabucco đang điều hành Alameda Research, công ty quản lý một tỷ USD tài sản ảo và có lượng giao dịch khoảng 10 tỷ USD mỗi ngày với hàng nghìn sản phẩm, bao gồm toàn bộ các loại tiền ảo chủ chốt hiện nay.
"Tôi không rõ nó có phải yếu tố quyết định không, nhưng điều đó rất có khả năng. Nếu không có tài khoản tiền ảo, tôi không chắc mình có làm công việc này không", Trabucco nói.
Phu, Rubin và Trabucco đều từ chối tiết lộ số Bitcoin họ đang nắm giữ.
Số Bitcoin trong thí nghiệm đã đi về đâu?
Christian Catalini cho biết Bitcoin không phải phương thức thanh toán trong MIT khi thí nghiệm được tiến hành. "Công nghệ khi đó không thân thiện với người dùng. Mất rất nhiều công sức để tiêu Bitcoin, ngay cả trong cộng đồng hiểu biết về công nghệ như MIT", anh nói.
Dù vậy, những rào cản trong sử dụng Bitcoin lại giúp nhiều sinh viên hưởng lợi.
"Về mặt nào đó, các sinh viên MIT đã làm đúng. Phần lớn đều giữ lại số Bitcoin của mình như một khoản đầu tư. Điều đó có vẻ quá rõ ràng khi giá trị đồng tiền đã tăng vọt. Nhưng cần nhớ là triển vọng của Bitcoin vẫn còn rất mù mờ vào năm 2014, khi ít người nghĩ giá trị của nó có thể tăng gấp nhiều lần sau đó", Catalini cho hay.
Điệp Anh (Theo CNBC)