Phạm Phương Thảo, sinh viên khoa Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, bắt đầu biên dịch, biên tập và lồng tiếng cho video dạy học của Khan Academy từ tháng 6. Đọc thông tin tuyển tình nguyện viên từ bài viết của thầy giáo, Thảo đăng ký vì muốn được trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm sư phạm.
Là tổ chức phi lợi nhuận tại Mỹ do Sal Khan, cựu chuyên gia phân tích của quỹ đầu tư mạo hiểm, thành lập năm 2008, Khan Academy có mục tiêu tạo ra bộ công cụ trực tuyến để cung cấp nội dung giáo dục cho người học. Các khóa học ở đây không mất phí và dành cho mọi người.
Nữ sinh năm cuối từng trải nghiệm phiên bản tiếng Anh của nền tảng này khi học toán cao cấp và SAT. Tham gia dự án, nhiệm vụ của Thảo là dịch nội dung bài học dành cho học sinh lớp 4, 5, sau đó viết lại theo văn phong của người Việt rồi ghi âm, lồng tiếng và bắn phụ đề.
Ngoài chuyên môn, Thảo phải học cách sử dụng công nghệ để thực hiện video hoàn chỉnh. Nữ sinh đăng ký làm việc 7-10 tiếng/tuần, tương đương 2-3 video, mỗi video 3-4 phút và dài nhất khoảng 8 phút.
Lúc đầu, em mất 4-5 ngày mới xong một video do chưa biết đến phần mềm loại bỏ tiếng ồn. "Mỗi lần ghi âm, em phải ngồi trong phòng, nhưng chỉ cần có tiếng xe qua lại hay chó, mèo kêu là phải làm lại. Có hôm, em ghi âm đến hơn chục lần mới xong", Thảo kể.
Thảo cho hay kiến thức trong bài giảng của Khan được giải thích rất kỹ, cách thể hiện sáng tạo và dễ nhớ. Dịch xong video, Thảo thường cho em trai học lớp 4 xem và nhận xét. Em trai thích thú và tự vào Khan để học các môn yêu thích.
Cũng là tình nguyện viên như Thảo, bốn tháng qua, cô giáo trẻ Đoàn Lê Minh Hồng, trường THCS Tây Hà Nội, cộng tác trong nhóm dịch bài tập. Cô Hồng từng học lớp Toán chất lượng cao, khoa Sư phạm Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp cách đây vài tháng. Cô đăng ký hỗ trợ vì thấy mục đích của Khan Academy nhân văn.
Khác với video, tình nguyên viên dịch bài tập là dịch đoạn văn, đăng ký 10.000-15.000 chữ/tuần, tương đương 10 bài/tuần. Cô Hồng cho hay khó nhất là các tình nguyện viên phải thống nhất về văn phong, khái niệm như trong sách giáo khoa và không có quá nhiều màu sắc cá nhân.
Trong khi dịch, cô Hồng gặp những khái niệm không có trong sách, phải tìm hiểu và tìm cách diễn đạt dễ hiểu nhất. Cô giáo lấy ví dụ khái niệm "ten frame" trong bài đếm số tròn chục không có từ tương ứng trong tiếng Việt. "Quan sát bộ đồ dùng học tập của học sinh, tôi thấy các em có một thẻ gồm 10 ô và 'ten frame' gọi là thẻ chục. Học sinh đã được tiếp xúc và biết khái niệm này", cô Hồng nói.
Cô giáo trẻ chia sẻ do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, khi dịch phải đảm bảo phù hợp với học sinh và chương trình học của các em trên lớp. Một số bài có nhân vật trong câu chuyện thần thoại mà Việt Nam không có, các cô phải thay đổi sao cho gần gũi với người học trong nước.
Sản phẩm sau khi được tình nguyện viên hoàn thiện sẽ được đội ngũ quản lý nội dung của Khan kiểm tra rồi chuyển cho các thầy cô giáo kiểm duyệt. Trước khi được đưa lên kho dữ liệu cho người học sử dụng, video và bài tập phải qua vòng thẩm định của hội đồng cố vấn gồm các giáo sư, tiến sĩ tại nhiều trường đại học.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ, giảng viên Viện Toán Ứng dụng và Tin học, Đại học Bách khoa Hà Nội, là một trong các thành viên của hội đồng cố vấn. Trong thời gian học đại học và tiến sĩ Toán tại Đại học bang Arizona, Mỹ, thầy Thọ biết đến Khan Academy và người sáng lập của tổ chức này. "Sal Khan là nhân vật rất nổi tiếng. Các bài giảng của Khan Academy đã chính thức có mặt ở hơn 50 nước", thầy Thọ nói.
Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá nội dung bài học của Khan hay, bài giảng ngắn, dễ hiểu, và miễn phí. Mỗi bài giảng chỉ tập trung vào một khái niệm và đều có ví dụ cụ thể, bài luyện tập đi kèm. Việc chuyển ngữ nội dung đòi hỏi cùng lúc phải biết về chương trình và cách dạy học ở Mỹ, hiểu rõ chương trình toán tại Việt Nam. Tham gia hỗ trợ Khan, thầy Thọ có thể dung hòa được cả hai yếu tố đó.
"Chọn lựa và chỉnh sửa sao cho vẫn giữ nguyên cách thức truyền tải của Khan nhưng vẫn phải phù hợp với các bạn Việt Nam. Sự dung hòa này thật sự không hề dễ", thầy Thọ nhận xét, cho rằng hình thức học này phù hợp với thời điểm dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Học sinh muốn tìm hiểu thêm về các khái niệm được học trên lớp có thể tham khảo bài giảng của Khan và làm bài tập kèm theo. Phụ huynh cũng có thể học cùng con (cả bài giảng đã được Việt hóa hoặc bài giảng gốc bằng tiếng Anh).
Hiện thầy Thọ cũng thường kham thảo bài giảng của Khan khi chuẩn bị bài cho các lớp song bằng hệ Cambridge bởi đây là cách khá hay để ôn lại và củng cố thêm kiến thức.
Theo anh Lê Minh Hoàng, đại diện truyền thông của Khan Academy tiếng Việt, Khan Academy hợp tác với The Viet Nam Foundation (VNF) để đưa chương trình giáo dục về Việt Nam. Với mục đích cung cấp giáo dục miễn phí cho mọi người và không muốn biến thành sản phẩm thương mại, tổ chức này chỉ hợp tác với các tổ chức phi chính phủ (NGO). VNF là một NGO được thành lập ở Mỹ, với sứ mệnh nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt thông qua giáo dục.
Khan Academy có khoảng 200 giáo sư các ngành tại nhiều trường trong khối Ivy League ở Mỹ tham gia cố vấn. Nền tảng này có 190 triệu học sinh khắp thế giới. Có mặt tại Việt Nam đầu năm 2020, Khan Academy tiếng Việt mất 6 tháng để lọc video, sắp xếp kho dữ liệu, dịch nội dung và tham vấn chuyên môn.
Ngoài 150 tình nguyện viên là sinh viên, du học sinh, 10 giáo viên, giảng viên cùng 6 cố vấn cũng tham gia dự án này. Phiên bản tiếng Việt hiện mới chuyển ngữ được nội dung của môn Toán từ lớp 1 đến lớp 5 và trong thời gian tới sẽ có thêm các chương trình kỹ năng.
Bình Minh