Sau nhiều ngày lùng sục khắp khu “lò luyện” Bách Khoa, cuối cùng, phóng viên VnExpress trong vai học sinh "lớp 13" cũng được “lò” luyện thi đại học Trí Tuệ (số 7 Tạ Quang Bửu, Hà Nội) “chiếu cố” cho thi thử với mức phí 12.000 đồng/môn. “Phiếu thi thử bán hết rồi! Nếu thực sự muốn thi, ngày 17-18/6 cứ đến đây. Đợt cuối đấy, thế nào cũng có người đăng ký nhưng không đến thi”, chị nhân viên dặn dò.
9h30 sáng bắt đầu giờ thi môn Toán, nhưng 8h30, các thí sinh ùn ùn kéo đến phòng thi ở C14B, ngõ 40, Tạ Quang Bửu. Một số người ở tỉnh xa như Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nam cũng cố gắng chở con em mình đến thi với hy vọng “cho cháu làm quen với không khí phòng thi.”
![]() |
Phòng thi ngột ngạt, chật kín người. Ảnh: Tiến Dũng |
Trong phòng rộng chừng 100 m2, hơn 300 "sĩ tử" hùi hụi làm bài. Nhiều em vừa làm, vừa cầm tờ giấy quạt phành phạch dù hơn chục chiếc quạt trần đang chạy hết công suất. Một vài thí sinh kêu chật và nóng, ông “giám thị” nhíu mày tỏ vẻ không hài lòng: “Làm được thì làm không làm được thì đem về nhà”. Trong khi đó, khi bán phiếu thi, nhân viên thu tiền đã cam kết: “Trung tâm sẽ chỉ cho khoảng 200 thí sinh thi đợt này. Coi thi nghiêm túc như thi thật. Chỉ có giáo viên mới được ra đề và chấm thi. ”
Ba người mọi ngày vẫn ngồi trước cửa các lớp học làm nhiệm vụ thu tiền, phát lịch thi, hôm nay ung dung đeo biển “giám thị phòng thi". Gọi là “giám thị” nhưng thực ra họ chỉ làm nhiệm vụ phát giấy, đề thi rồi đứng ngoài hành lang chờ... những thí sinh đến muộn.
Trong lúc chờ phát đề, một cô gái vừa nhắn tin vừa than thở với người kế bên: “Quên mang sách Toán rồi! Chưa nhớ hết công thức!”
Không khí yên ắng phòng thi chốc chốc lại ồn lên bởi những thí sinh đến muộn. Thậm chí, gần hết 1/3 thời gian thi nhưng hai thí sinh mới vào vẫn loay hoay xách chiếc ghế nhựa tìm chỗ trống. Nhiều thí sinh, tỏ vẻ bực bội khi bị người khác quấy rầy xin ngồi “ké”.
Trên chiếc bàn cuối phòng dài chừng 2 mét vừa được kê thêm, 5 thí sinh phải chen nhau ngồi. 3 người đến trước được ưu tiên ngồi giữa, còn 2 người đến sau đành cố bám lấy 2 đầu bàn. Thậm chí một số người đến sau đành phải ngồi trên chiếc ghế nhựa rồi kê cặp sách làm bàn. Một tiếng sau khi thi, nhiều thí sinh do không chịu nổi cái nóng bức và chật chội đành cầm đề thi ra về.
![]() |
5 sĩ tử chung một chiếc bàn. Ảnh: Tiến Dũng |
Thi thử - cơ hội kiếm tiền của những lò luyện
Tùng, năm nay thi đại học Bách Khoa vừa từ phòng thi bước ra, xà ngay vào quán nước bực tức nói: “Thi quá nhộm nhoạm, phòng hẹp thế mà vẫn cứ cố nhét tới gần 300 người, nóng đến phát sợ. Trước thi ở trường Tô Hoàng, học sinh đông kín cả trường, nhưng ngồi thoải mái và mát mẻ. Đề ra quá dễ, làm có 90 phút đã xong. Chẳng biết đề thi thật có dễ chịu như đề kiểu này không.”
Anh Tiến ở Đan Phượng, Hà Tây đang ngồi đợi cậu con năm nay thi vào Học viện Phòng không không quân cho biết: "Mình dặn ông chú làm trong trường Bách Khoa xem có chỗ nào thi thử tốt. Mấy hôm sau ông ấy gửi phiếu thi về tận nhà, rồi khẳng định, đề thi thử của trung tâm này cũng gần giống với đề thi đại học của 2 năm gần đây. ”
Trong khi đó,Tiến, sinh viên năm thứ 3 đại học Bách khoa đèo em đi thi cam chắc: “Thi kiểu này chỉ là cơ hội làm tiền của mấy ông bà tổ chức thôi. Từ ra đề đến chấm thi đều do sinh viên làm hết. Cứ chấm theo bản đáp án có sẵn là được 500đ/môn thi. Giáo viên giỏi giờ đều bận “chạy sô”, lấy đâu thời gian làm việc này. Tính sơ sơ, đợt thi “vét ổ” này trung tâm phải thu về 5-6 triệu.”
Theo Phó văn phòng Bộ GD&ĐT Văn Đình Ưng, Bộ đã thống nhất quan điểm với Hà Nội và TP HCM là cương quyết xóa loại hình kinh doanh thi thử. Trong thời gian tới, sẽ phối hợp với địa phương tổ chức các đoàn thanh tra những trung tâm này.
"Lợi dụng tâm lý của thí sinh, một số trung tâm đã mở dịch vụ thi thử để trục lợi. Đây là hoạt động kinh doanh nằm ngoài giấy phép, chúng tôi sẽ cương quyết xóa sổ dịch vụ này. Những trung tâm đã thu tiền của học sinh phải hoàn trả lại", ông Ưng khẳng định.
Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua, nhiều trung tâm thi thử đại học vẫn ngang nhiên hoạt động.
Tiến Dũng