Buổi biểu diễn trên của nhóm nhạc mang tên Hanoi Ensemble nằm trong khuôn khổ chương trình giới thiệu hệ thống trường nhạc ở Berlin hôm 26/6 vừa qua. Đó cũng là lần đầu tiên có một nhóm nhạc dân tộc Việt Nam với đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, trống, mõ.. trình diễn tại Berliner Philharmonie, nhà hát giao hưởng danh tiếng vào loại hàng đầu của Đức.
Với chính sách chú trọng phát triển năng khiếu âm nhạc, Berlin có tới 12 trường nhạc cho 12 quận. Hanoi Ensemble được chọn là đại diện biểu diễn cho trường nhạc mang tên Schostakowitsch Musikschule, một trong số trường nhạc lớn nhất của Berlin.
Được thành lập 2007, Hanoi Ensemble là "đứa con tinh thần" của bà Trần Phương Hoa, một giảng viên nhạc cụ dân tộc. Bà từng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia và tham gia giảng dạy, biểu diễn chuyên nghiệp tại Việt Nam trước khi sang Đức sinh sống năm 1992.
Niềm đam mê với âm nhạc truyền thống đã thôi thúc bà khởi xướng và sáng lập ra bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam tại hai trường nhạc và viện âm nhạc Thế giới của Berlin. Hanoi Ensemble được lập ra từ một trong ba lớp nhạc cụ mà hai người giảng dạy.
Hàng ngày, bà và chồng, ông Lê Mạnh Hùng, trực tiếp hướng dẫn tại các lớp với gần 100 học viên mỗi tuần. Điều đặc biệt là bất kỳ ai, ở độ tuổi nào, làm trong lĩnh vực nào cũng có thể đến đây để tìm hiểu và học cách chơi nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Họ được quyền lựa chọn bất kỳ nhạc cụ nào mà mình thích và được ưu đãi học phí.
Điều đó lý giải tại sao Hanoi Ensemble không giống những nhóm nhạc mà người ta thường thấy khi tập hợp tới ba thế hệ người Việt Nam đang sinh sống tại Berlin. Thành viên nhỏ nhất nhóm mới 8 tuổi, thành viên lớn nhất 65 tuổi.
Đó là sinh viên, học sinh phổ thông, một đôi vợ chồng làm công việc tư vấn, là mẹ con một doanh nhân, là người đã về hưu... Tất cả đến với nhau bằng tình yêu với nhạc dân tộc Việt Nam, vì một cuộc sống lành mạnh, đoàn kết giữa các nền văn hoá khác nhau trên mảnh đất châu Âu này.
Bà Hoa cho hay mình có nhiều học viên rất đặc biệt. Đó là những em bé có bố mẹ là người Việt nhưng sinh ra tại Đức, vừa học đàn vừa bập bẹ học tiếng Việt.
"Tôi luôn cố gắng giảng bài bằng tiếng Việt để giúp các em học tiếng mẹ đẻ. Nhiều em sau một thời gian tham gia lớp học đàn đã có thể nói sành sỏi tiếng Việt", nữ giảng viên kể với VnExpress.
Bà nhớ nhất một nữ sinh y khoa có mẹ là người gốc Huế. Một lần về quê ngoại chơi, cô được thưởng thức những nghệ sĩ trên sông Hương chơi đàn tranh và từ đó mê mẩn nhạc cụ này. Cô mua một chiếc đàn và mang sang Berlin rồi tìm đến lớp của bà Hoa. Hiện giờ cô không chỉ chơi đàn tranh thành thục mà còn nói tiếng Việt rất lưu loát.
Một học viên khác gây ấn tượng cho bà Hoa là một nam sinh người Đức. Bị cuốn hút bởi sự độc đáo về âm thanh và hình dạng của đàn bầu, anh chàng đăng ký vào lớp nhạc cụ, đồng thời tự học tiếng Việt ngoài giờ. Không chỉ đàn tốt, nam sinh còn hát được các bài hát tiếng Việt khá hay.
"Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào khi mang âm nhạc dân tộc đến Berlin, lan tỏa niềm đam mê với mọi người và quảng bá văn hóa Việt Nam", bà Hoa nói.
Tiết mục "Trống cơm" của nhóm Hanoi Ensemble cũng được chọn vào đĩa CD vừa phát hành mang tên "Sterne der Musikschulen" (Những ngôi sao của các trường nhạc), tập hợp những tiết mục xuất sắc từ các trường nhạc ở Berlin, bên cạnh nhạc giao hưởng, tam tấu, tứ tấu đàn dây của Đức, nhạc Jazz, dàn giao hưởng hợp xướng, nhạc nhẹ quốc tế...
"Sự kiện vừa qua tại nhà hát giao hưởng Berlin và việc ra mắt CD chung lần đầu tiên của các trường nhạc Berlin là minh chứng cho thấy âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn có một chỗ đứng trong lòng mọi người và được chính quyền cùng đông đảo người dân Đức đón nhận", bà nói.
Xem thêm: Nước mắt hội nhập của người Việt ở Đức
Lớp tiếng Việt đầy ắp tiếng cười ở Frankfurt
Anh Ngọc