![Người Philippines xếp thành hình chữ China Out trên đảo Thị Tứ của Việt Nam. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2016/01/21/thi-tu-2-7319-1453373915.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2AhV5XuSixMeZval28vChw)
Người Philippines hồi tháng 12 năm ngoái xếp thành hình chữ China Out trên đảo Thị Tứ. Ảnh: AFP
"Vào tháng 4, chúng tôi sẽ có một hành trình nữa... Lần này, chúng tôi sẽ dành một tháng để thăm tất cả các đảo chúng tôi chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa", Reuters dẫn lời Vera Joy Ban-eg, phát ngôn viên nhóm Kalayaan Atin Ito, hôm nay nói.
Tháng 12 năm ngoái, khoảng 50 người Philippines, hầu hết là học sinh sinh viên, đã lên đảo Thị Tứ.
Đảo Thị Tứ có diện tích lớn thứ nhì trong số hàng trăm đảo và bãi san hô ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một số quốc gia khác trong tranh chấp Biển Đông cũng đòi chủ quyền đối với đảo Thị Tứ, gồm Trung Quốc, Philippines. Manila hiện kiểm soát đảo này.
Những người biểu tình Philippines chỉ trích chính phủ không làm bất cứ điều gì để ngăn ngư dân Trung Quốc đánh bắt loài trai lớn và dùng thuốc nổ, xyanua đánh bắt cá. Các tàu tuần duyên lớn của Trung Quốc bị cáo buộc xua đuổi ngư dân Philippines khỏi ngư trường truyền thống.
Trung Quốc tháng này đưa máy bay chở khách tới đá Chữ Thập của Việt Nam. Đây là nhóm khách du lịch đầu tiên đặt chân lên Chữ Thập, nơi Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo. Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa máy bay ra đá Chữ Thập và cho rằng đây là hành vi xâm phạm xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực, đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Biển Đông là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên với nguồn dầu khí và thủy sản phong phú, là nơi vận chuyển hàng hóa với giá trị 5.000 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông, gồm cả những vùng gần bờ biển các nước láng giềng Đông Nam Á.
Trọng Giáp