Ngày 22/2, Đồn Biên phòng Khánh Tiến, huyện U Minh, bàn giao vụ việc nhóm Đăng tấn công tàu cá cho công an địa phương để điều tra, xử lý.
Hai ngày trước, tàu do Đăng, 27 tuổi, làm thuyền trưởng chở theo 7 người, hành nghề cào sò, đi từ cửa biển Sào Lưới (không có trạm Kiểm soát biên phòng) ở huyện Trần Văn Thời. Những người này mang theo súng đạn chì, ná cao su.
Khoảng 7h hôm sau, tàu của Đăng xảy ra tranh chấp với những người trên vỏ máy composite (phương tiện di chuyển đường thủy) không rõ chủ, tài công. Chiếc vỏ máy sau đó bỏ chạy về hướng vàm Kim Quy của tỉnh Kiên Giang, nơi có 4 phương tiện khác đang hoạt động.
Đuổi theo đến vị trí cách cửa biển Tiểu Dừa khoảng 2 hải lý (hơn 3,7 km) về hướng Tây, những người trên tàu của Đăng bị cáo buộc dùng súng bắn đạn chì, ná cao su bi sắt, đá và vỏ ốc bắn, ném sang 5 phương tiện trên. Vụ tấn công làm một người trên tàu của ông Phan Thanh Toàn bị thương ở tay.
Tiếp nhận tin báo của ông Toàn, Đồn Biên phòng Khánh Tiến đã cử tổ công tác 10 cán bộ đến hiện trường. Khoảng 10h20 cùng ngày, thấy lực lượng làm nhiệm vụ, Đăng lái tàu bỏ chạy, những người khác ném vũ khí phi tang.
Sau khoảng 30 phút truy đuổi, tại khu vực cách vị trí xảy ra tranh chấp khoảng 6 hải lý (gần 11 km), tổ công tác tiếp cận phương tiện, đưa nhóm Đăng cùng một số tang vật về trụ sở làm việc.
Cà Mau có bờ biển dài 254 km tạo nên ngư trường rộng hơn 100.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú. Theo UBND tỉnh, thời gian gần đây việc tranh chấp ngư trường có chiều hướng gia tăng. Hiện phát sinh tình trạng nhóm tàu ốc bẫy mực chiếm dụng ngư trường, sau đó thu tiền rồi cho nhóm tàu cào vào khai thác; xuất hiện các nhóm "xã hội đen" dùng hung khí tấn công để tranh giành địa bàn khai thác.
Thống kê từ 8/11/2023 đến 8/1, địa phương xảy ra 13 vụ tranh chấp ngư trường, tập trung ở vùng biển huyện Trần Văn Thời và U Minh.
An Minh